Từ khi bắt đầu làm công việc văn phòng, tôi đã muốn tìm một cặp tai nghe chụp đầu (Full-size) dạng đóng. Loại tai nghe này cho cảm giác đeo thoải mái hơn In-ear hay Earbud nếu sử dụng trong thời gian dài, ngoài ra cũng chặn được tiếng ồn bên ngoài tốt hơn so với tai nghe dạng mở.
Tuy vậy với yêu cầu về chất lượng cao, tôi vẫn chưa tìm được sản phẩm ưng ý để đầu tư. Công cuộc tìm kiếm này đã dừng lại khi tôi tìm thấy cặp Audeze Maxwell, một tai nghe có mục đích sử dụng là gaming nhưng lại khiến những cặp tai nghe từ Apple, Sony hay Bose phải ‘chạy dài’ về chất lượng âm thanh khi nghe nhạc.
Tại sao nó hay, và hay như thế nào?
Audeze có thể là một cái tên khá xa lạ với số đông, nhưng bạn nào đã từng chơi các sản phẩm âm thanh có dây thì chắc chắn sẽ biết tới, hoặc thậm chí sử dụng sản phẩm của hãng này. Thương hiệu đến từ Mỹ chuyên sản xuất những cặp tai nghe sử dụng màng loa từ phẳng (planar) cao cấp, với 1 số sản phẩm có giá bán lên tới cả trăm triệu Đồng!
Để giải thích một cách ngắn gọn, màng loa từ phẳng có cấu trúc khác với loại Dynamic truyền thống, sử dụng màng rung rất mỏng (mỏng hơn sợi tóc) với những sợi dây điện chạy trên bề mặt. Cấu trúc này giúp màng từ phẳng có thể di chuyển và trở về vị trí ban đầu nhanh và chính xác hơn so với màng Dynamic, từ đó giảm độ méo âm thanh, tăng độ chi tiết.
Tuy vậy loại màng loa này cũng có những yếu điểm riêng, trong đó đáng nói nhất là đem tới kiểu âm khá ‘thô’, thiếu đi sự tự nhiên so với tai nghe Dynamic cao cấp. Chính Audeze cũng có rất nhiều tai nghe với độ chi tiết, tính kỹ thuật cao nhưng nghe lại không hay vì cách tinh chỉnh dải âm không được tốt. Cũng vì thế mà nhiều người mua tai nghe Audeze sẽ tinh chỉnh thêm với Equalizer đưa dải âm về đúng vị trí của nó.
Vấn đề này lại được giải quyết ở một cặp tai nghe ‘giá rẻ’ đối với Audeze là Maxwell, với sự hỗ trợ của DSP (Digital Signal Processing hay Bộ xử lý âm thanh kỹ thuật số). Thay vì việc người dùng mua tai nghe về phải tự EQ, thì ở cặp Maxwell Audeze đã tự chỉnh EQ ở chip xử lý tín hiệu trước khi đến với màng loa. Kết quả là cặp tai nghe này có một dải âm rất cân bằng, theo sự đo đạc của trang Rtings thì gần như phẳng hoàn toàn so với tiêu chuẩn.
Đối với tôi, chất âm gốc của Maxwell nghe rất ‘đúng’ với tất cả tiếng trống, nhạc cụ, giọng hát có sự tự nhiên và nghe giống với ngoài đời thật. Nhưng điểm hay đó là ta có thể tiếp tục điều chỉnh DSP để có chất âm phù hợp với bản thân nhất. Tôi có thể thêm một chút âm trầm để tiếng trống có thêm độ nặng, ‘kéo’ âm cao xuống một chút để không bị chói, gắt.
Màng loa từ phẳng vì có tính kỹ thuật cao nên dù có điều chỉnh chất âm nhiều bằng DSP vẫn không xảy ra nhiễu, giữ được độ chi tiết rất cao ở tất cả dải âm. Có thể nói, Maxwell là một trang giấy trắng để người dùng ‘vẽ vời’ thêm để có chất âm hay nhất cho bản thân, mặc dù chất âm ban đầu cũng không hề tệ một chút nào.
Điều này đối lập với những lựa chọn như Sony WH-1000XM5, AirPods Max hay dòng Bose QuietComfort vì chúng đã có một chất âm khá xa với cân bằng (thường là đẩy nhiều dải trầm và cao để tạo chất âm V-shape) nên sẽ rất khó cân chỉnh lại cho đúng được như cặp Maxwell.
Quá nhiều sự bất tiện trong sử dụng thực tế
Nếu chỉ đánh giá về chất lượng âm thanh, tôi có thể khẳng định là Audeze Maxwell là lựa chọn ‘10 điểm không có nhưng’. Tuy vậy một cặp tai nghe không dây không chỉ đánh giá được qua mỗi âm thanh, nó còn là sự tiện dụng trong sử dụng thực tế, những tính năng phụ trợ khác nữa. Và đây chắc chắn sẽ là yếu điểm của Audeze Maxwell với những cặp tai nghe khác!
Về bản chất, thì đây là một cặp tai nghe Audeze làm ra cho việc chơi game nên những tính năng của nó cũng hướng tới việc ngồi 1 chỗ để ‘cày rank’ chứ không phải tai nghe ‘di động’. Vì vậy mà trong hộp sản phẩm Audeze còn không tặng kèm hộp đựng, tôi phải đặt mua 1 chiếc từ Shopee.
Vấn đề tiếp theo là về độ thoải mái, điều ‘lấn cấn’ với tôi nhất trong quá trình sử dụng. Cặp tai nghe này có trọng lượng lên tới 490g tức là nặng hơn rõ rệt so với Sony WH-1000XM5 (249g) hay thậm chí AirPods Max (385g). Cái cổ ‘lão hóa’ của một dân văn phòng như tôi chỉ có thể đeo Audeze Maxwell trong khoảng 45 phút là phải tháo ra để nghỉ 1 lúc trước khi dùng tiếp.
Tính năng chống ồn chủ động cũng không hề xuất hiện trên Audeze Maxwell, thứ mà tất cả tai nghe chụp đầu không dây ở phân khúc cao cấp khác đều có. Với thiết kế dạng đóng, phần đệm tai dày dặn thì khả năng chặn tiếng ồn tự nhiên của Maxwell cũng đã khá tốt, nhưng vẫn ‘không có cửa’ khi so với ANC.
Phần mềm điều khiển Audeze HQ của cặp tai nghe này không được tôi đánh giá cao. Nó thường xuyên xảy ra lỗi, trong đó lỗi làm tôi khó chịu nhất là khi điều chỉnh EQ có thể gây mất kết nối tai nghe trong một vài giây trước khi kết nối lại, điều tôi chưa từng thấy ở bất cứ tai nghe không dây nào khác!
2 điểm tôi có thể đánh giá cao ở Maxwell là khả năng kết nối và chất lượng microphone. Được làm ra để làm tai nghe gaming đa nền tảng, Maxwell có thể kết nối qua Bluetooth (có CODEC LDAC), bằng dongle 2.4GHz (với 1 công tắc để chuyển giữa PC và PlayStation), kết nối có dây qua 3.5mm hoặc USB-C.
Tai nghe đi kèm một microphone dạng boom, đặt gần với miệng người nói lại đi kèm với thuật toán lọc tiếng ồn rất tốt nên đầu dây bên kia luôn nghe rõ tiếng nói. Tôi cũng thường xuyên sử dụng cặp tai nghe này để gọi điện, họp online vì chất lượng microphone rất tốt của nó.
Chất lượng âm thanh hay sự tiện dụng?
Audeze Maxwell không chỉ là tai nghe không dây có chất lượng âm thanh cao nhất mà tôi từng được nghe, nó còn lấn lướt cả các sản phẩm có dây trong tầm giá 10 triệu Đồng nữa! Cũng vì vậy mà dù có gặp nhiều sự bất tiện, tôi vẫn chấp nhận sử dụng nó thay vì mua một cặp tai nghe có nhiều tính năng hiện đại, đem lại sự tiện dụng hơn.
Nhưng sự đánh đổi này không phải ai cũng thấy ‘đáng’. Đặt cạnh những Sony WH-1000XM5 hay Apple AirPods Max, Maxwell nhìn thật là xấu xí, thiếu sự hiện đại và cũng chả đeo thoải mái bằng. Không có sản phẩm nào là hoàn hảo cả, bạn vẫn sẽ phải chọn giữa ‘nghe hay’ hoặc ‘tiện dụng’ mà thôi!
Đây có phải lý do Sony mua lại Audeze?
Dành cho những bạn chưa biết, Audeze Maxwell là cặp tai nghe cuối cùng của thương hiệu Mỹ trước khi được thương hiệu Sony Interactive Entertainment mua lại vào cuối tháng 8 năm ngoái. Điểm đáng nói là Sony mua Audeze để phát triển các sản phẩm âm thanh cho mảng gaming (PlayStation) của mình, chứ không phải là dành cho mảng thiết bị âm thanh tiêu dùng.
Có lẽ lý do Sony muốn mua lại Audeze nằm ở những gì thương hiệu này đã làm được với cặp Maxwell, cụ thể là việc áp dụng công nghệ chỉnh âm DSP kết hợp với màng loa từ phẳng để có chất lượng âm thanh cao trong cả chơi game lẫn nghe nhạc. Chỉ một thời gian ngắn sau thương vụ này, Sony công bố dòng tai nghe PULSE với màng loa từ phẳng, và chắc chắn cũng đã có sự ‘nhúng tay’ của Audeze.
Cá nhân tôi cảm thấy hào hứng với thương vụ này, với nguồn lực dồi dào của Sony và kinh nghiệm của Audeze thì trong tương lai rất có thể ta sẽ có một cặp tai nghe với chất lượng âm thanh như Maxwell, nhưng tích hợp các công nghệ hiện đại hơn – một cặp tai nghe không dây toàn diện mà thị trường chờ đợi bấy lâu nay!
Nguồn tin: https://genk.vn/tai-nghe-khong-day-hay-nhat-toi-tung-nghe-va-day-la-nhung-ly-do-ban-khong-nen-mua-no-20240320174043557.chn