Theo tin tức vũ trụ mới nhất đăng đồng loạt trên báo chí phương Tây ngày 30/1, radar xuyên đất trên tàu thăm dò sao Hỏa Perseverance của NASA đã xác nhận rằng miệng núi lửa Jezero – được hình thành sau một vụ va chạm thiên thạch cổ đại ở ngay phía bắc xích đạo của sao Hỏa – từng chứa một hồ nước rộng lớn và đồng bằng sông.
Hình ảnh động (bên dưới) hiển thị thiết bị RIMFAX trên tàu thăm dò Perseverance của NASA thu được các phép đo radar xuyên qua mặt đất ở độ sâu 20 mét.
Trải qua nhiều thời kỳ, trầm tích lắng đọng bên trong miệng núi lửa đã hình thành nên các thành hệ địa chất có thể nhìn thấy trên bề mặt ngày nay.
Việc xác minh trầm tích ở đáy miệng núi lửa Jezero sẽ mang lại hy vọng mới cho hành trình tìm kiếm dấu vết sự sống vô cùng bền bỉ của tàu tự hành Perseverance.
Các nhà khoa học cho biết, khi Perseverance di chuyển trên bề mặt sao Hỏa, thiết bị RIMFAX đã phát sóng radar hướng xuống dưới và đo các xung phản xạ từ độ sâu khoảng 20 mét bên dưới bề mặt, từ đó tạo ra cấu hình dưới bề mặt sao Hỏa.
Dữ liệu RIMFAX cho thấy bằng chứng về trầm tích do nước lắng đọng từng lấp đầy miệng núi lửa Jezero. Có khả năng sự sống của vi sinh vật có thể đã tồn tại trong miệng núi lửa này và nếu sự sống như vậy tồn tại trên sao Hỏa, các mẫu trầm tích từ khu vực này sẽ chứa bằng chứng về sự sống “kiếp trước” của chúng.
Giáo sư UCLA, David Paige, một trong số tác giả của bài báo đăng trên tạp chí Science Advances cho biết: “Từ quỹ đạo sao Hỏa, chúng tôi có thể thấy nhiều loại trầm tích khác nhau, nhưng chúng tôi không thể chắc chắn liệu những gì chúng tôi đang thấy là trạng thái ban đầu của chúng hay đó là kết quả của một câu chuyện địa chất dài. Để biết những thứ này hình thành như thế nào, chúng ta cần nhìn xuống bên dưới bề mặt. Radar của Perseverance đã làm được điều đó. Chúng tôi rất háo hức nghiên cứu dữ liệu của tàu tự hành này”.
Perseverance (Sự kiên trì) đã chạm đến bề mặt sao Hỏa vào ngày 18 tháng 2 năm 2021 bên trong miệng núi lửa Jezero rộng 45 km của Hành tinh Đỏ, nơi nghi ngờ là từng có một hồ lớn và đồng bằng sông. Kể từ đó, Perseverance đã lùng sục miệng núi lửa để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ở “kiếp trước”.
Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022, Perseverance đã di chuyển từ đáy miệng núi lửa đến vùng đồng bằng, một vùng rộng lớn gồm các trầm tích 3 tỷ năm tuổi, nhìn từ quỹ đạo, giống với các vùng đồng bằng sông trên Trái đất và thu thập nhiều mẫu quý. Các mẫu đất và đá của Perseverance sẽ được đưa về Trái đất trong tương lai.
Nguồn: Space, Scitechdaily
Nguồn tin: https://genk.vn/radar-xuyen-dat-cua-nasa-quet-sau-20m-bang-chung-kiep-truoc-tren-sao-hoa-lo-dien-20240131095457047.chn