Xe điện ngày càng trở nên phổ biến và hầu hết người dùng đều có thể tiếp cận dòng phương tiện xanh này. Các điểm sạc công cộng cũng phổ biến hơn và việc lắp đặt bộ sạc ô tô điện tại nhà có chi phí thấp hơn nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên nhiều người dùng sở hữu xe điện vẫn lo lắng điều gì sẽ xảy ra với những khối pin trên chiếc xe của họ sau khi chúng hết hạn sử dụng.
Điều đầu tiên có thể khẳng định là những khối pin này sẽ được thu hồi theo chương trình của mỗi hãng chế tạo. Sau đó chúng sẽ được phân loại để xác định có thể tái sử dụng hay tái chế.
Pin xe điện được tái chế thế nào?
Pin ô tô điện có thể được tái chế nhưng đây chỉ là một phần của quá trình xử lý pin sau khi chúng hết hạn sử dụng hoặc không còn phù hợp với phương tiện.
Những loại pin ô tô điện hiện nay có tốc độ hao mòn khoảng 2% mỗi năm, nghĩa là chúng sẽ không còn phù hợp cho xe điện sau khoảng 8 năm hoặc sau khi xe đã chạy được hơn 160.000km. Sau khi pin xe điện hết tuổi thọ, bạn nên liên hệ trung tâm hỗ trợ của nhà sản xuất tại địa phương để họ có thể thu hồi và thay hệ thống pin mới cho chiếc xe của bạn.
Đối với các khối pin cũ, thông thường chúng sẽ được gửi đến các bãi thu hồi hoặc bị ném thẳng ra bãi rác. Việc vứt bỏ pin trực tiếp được xem là lãng phí và có thể gây hại cho môi trường địa phương, vì hóa chất rò rỉ vào lớp bề mặt của đất có thể làm ô nhiễm hệ sinh thái địa phương. Nếu vứt pin đi, các nhà sản xuất cũng bỏ lỡ cơ hội bán lại pin cũ cho các đối tác có nhu cầu.
Tuy nhiên hầu hết các nhà sản xuất đều lựa chọn thu hồi pin ô tô cũ bởi chúng vẫn còn giá trị kể cả khi đã hỏng.
Về cơ bản pin ô tô dù hết hạn hoạt động vẫn còn khoảng 75% công suất ban đầu điều này khiến chúng trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho các hoạt động tích năng lượng không yêu cầu quá cao. Rất nhiều pin xe điện đã qua sử dụng được các công ty tái sử dụng làm bộ lưu trữ năng lượng Mặt trời dư thừa.
Bằng cách mang đến vai trò mới cho pin xe điện, các nhà sản xuất có thể giảm đáng kể tác động tiêu cực của xe điện đến môi trường thông qua việc giảm chất thải và hạn chế nhu cầu khai thác thêm tài nguyên, đồng thời thu được lợi nhuận tài chính từ quy trình.
Một số nhà sản xuất ô tô lớn đang thực hiện các dự án tái sử dụng pin cũ của riêng mình để mang lại “cuộc đời” mới cho pin cũ như Nissan – công ty đang sử dụng pin EV đã ngừng sử dụng để cung cấp năng lượng dự phòng cho địa điểm giải trí Amsterdam Arena. Toyota cũng sẽ tái sử dụng pin đã qua sử dụng bằng cách lắp đặt chúng bên ngoài các cửa hàng ở Nhật Bản để lưu trữ năng lượng Mặt trời dư thừa.
Còn đối với những khối pin không thể tái sử dụng, phương án duy nhất dành cho chúng là tháo gỡ và tái chế thành nhiều phần khác nhau. Sau khi các bộ phận được chia nhỏ, nhà sản xuất bắt đầu quá trình tách cơ học và hóa học.
Quy trình chính xác sẽ phụ thuộc vào từng loại pin nhưng nhìn chung, các bộ phận có thể được nghiền thành bột mịn để biến thành nguyên liệu thô, chẳng hạn như niken, Mangan và lithium. Sau đó, các vật liệu này có thể được sử dụng để chế tạo lại nhiều pin EV hơn.
Pin ô tô điện gồm nhiều lớp, bên ngoài bạn có thể thấy một khối pin duy nhất, nhưng bên trong nó có hàng tá modul pin và mỗi modul pin có hàng trăm khối pin nhỏ. Hệ thống này được thiết kế để giải phóng và lưu trữ điện.
Các công ty tái chế pin có hai phương pháp chính để thu hồi các kim loại có giá trị từ pin. Một là, luyện kim phương pháp phổ biến và dễ thực hiện với việc nghiền nhỏ những khối pin và sau đó nung chảy chúng, cuối cùng là tách kim loại khỏi các tạp chất khác.
Hai là, nhúng pin vào a-xít để tách lấy kim loại dưới dạng lỏng.
Chi phí tái chế pin ô tô điện
Hầu hết các công ty ô tô sản xuất xe điện đều đã giới thiệu các chương trình tái chế pin trong những năm gần đây. Ford, một trong những công ty ô tô lớn nhất thế giới cho phép khách hàng của mình có thể mang pin xe điện cũ đến trung tâm địa phương để tái chế hoàn toàn miễn phí. Chương trình này được thực hiện với sự hợp tác của CarTakeBack và nhằm mục đích làm cho vòng đời các dòng xe điện Ford dài hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc các công ty ô tô thu hồi pin ô tô điện sẽ tạo ra gánh nặng tài chính nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng tái chế pin vẫn có thể mang đến lợi nhuận.
Theo ông Patrick Curran – Giám đốc điều hành Hệ thống tái chế pin Lithium cho biết một tấn pin sạc sẽ tốn khoảng 90 USD để tái chế. Nhưng một khi các kim loại được tách ra, chúng có thể được bán với giá khoảng 300 USD/tấn với nguyên liệu lẫn tạp chất gồm hỗn hợp niken, mangan và cobalt và carbon) được bán và kim loại được bán với giá khoảng 500 USD/tấn.
Dù con số thu về khá hấp dẫn nhưng để vận chuyển một tấn pin từ các điểm thu hồi về nhà máy cũng tiêu tốn một khoản đáng kể.
Các chuyên gia dự đoán hơn một phần ba số ô tô mới đăng ký ở Anh có thể chạy hoàn toàn bằng điện vào cuối năm 2023. Đến năm 2025, tỷ lệ giữa ô tô điện và xăng có thể là 1:1.
Để quá trình chuyển đổi này thực sự bền vững cho hành tinh, ngay từ bây giờ các nhà sản xuất cần giải quyết mặt xấu của pin xe điện, chủ yếu liên quan đến việc khai thác lithium. Việc khai thác những nguyên liệu thô này có thể dẫn đến suy thoái đất, thiếu nước, mất đa dạng sinh học và gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Nguồn tin: https://genk.vn/pin-o-to-dien-da-qua-su-dung-duoc-tai-che-the-nao-20240329180551687.chn