Hôm thứ Ba vừa qua, Nhà Trắng yêu cầu NASA phải thành lập một hệ thống giờ chuẩn cho Mặt Trăng và một số thiên thể khác, hạn chót thực hiện dự án là cuối năm 2026.
Đây là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm đặt ra tiêu chuẩn quốc tế cho các hoạt động không gian sau này, nhất là trong bối cảnh các công ty tư nhân cũng như các tổ chức hàng không vũ trụ lớn đều đang tính tới chuyện đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng.
Theo tài liệu chính thức từ Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ (OSTP), NASA sẽ cộng tác trực tiếp với chính phủ Mỹ nhằm phát triển Giờ Phối hợp Mặt Trăng (Coordinated Lunar Time – LTC), một chuẩn ngày giờ sẽ được dùng cho các tàu thăm dò, vệ tinh Mặt Trăng vốn sẽ yêu cầu khả năng căn thời gian chính xác.
Theo lời giám đốc Steve Welby của OSTP, Nhà Trắng tập trung phát triển quy chuẩn giờ không gian để “đảm bảo an và tính chính xác”, trong bối cảnh NASA cũng như nhiều tổ chức khác đang có kế hoạch trở lại Mặt Trăng, đặt chân lên Sao Hỏa và đưa tàu tới những thiên thể xa hơn nữa.
“Một định nghĩa nhất quán về thời gian giữa các tổ chức hàng không vũ trụ sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong đánh giá tình hình, điều hướng và giao tiếp”, giám đốc Welby nói, “chúng đều là cơ sở hậu thuẫn khả năng tương tác giữa chính phủ Mỹ và với các đối tác quốc tế”.
Ở thời điểm này, thời gian trên Trái Đất và trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nằm ở quỹ đạo thấp đều được đếm bằng đồng hồ nguyên tử theo chuẩn Giờ Phối hợp Quốc tế (Coordinated Universal Time – UTC). Tuy nhiên, múi giờ không gian sẽ không tương đồng với những gì ta biết trên Trái Đất, do khác biệt về lực hấp dẫn cũng như nhiều yếu tố khác. Theo thông tin từ Nhà Trắng, thời gian trên Mặt Trăng trôi nhanh hơn giờ Trái Đất khoảng 58,7 micro-giây.
NASA không phải tổ chức duy nhất đang tìm cách phát triển hệ thống đo thời gian riêng cho Mặt Trăng. Cơ quan Vũ trụ Châu ÂU (ESA) cũng đang thực hiện dự án tương tự, nhằm hỗ trợ những sứ mệnh Mặt Trăng của riêng họ.
Việc tổ chức nào đặt ra quy chuẩn trước cũng không quá quan trọng, khi quy ước mới phải được thông qua bởi 36 nước tham gia Hiệp ước Artemis, vốn đặt ra quy định về các hoạt động trong không gian nói chung và trên Mặt Trăng nói riêng.
Nguồn tin: https://genk.vn/nha-trang-yeu-cau-nasa-thiet-ke-mui-gio-rieng-cho-mat-trang-20240404165239727.chn