Vệ sinh răng miệng đã đi một chặng đường dài trong vài trăm thiên niên kỷ qua. Trong khi hầu hết chúng ta ngày nay đều tự động đánh răng hai lần một ngày thì người cổ đại lại gặp khó khăn hơn nhiều trong việc chăm sóc hàm răng của mình. Đáng buồn thay cho tổ tiên của chúng ta, nhiều phương pháp nha khoa cổ xưa của họ dường như không hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ sâu răng và bệnh nướu răng cao – mặc dù bằng chứng cho thấy ít nhất họ đã cố gắng giữ cho hàm răng của mình trong tình trạng tốt nhất có thể.
Dấu hiệu sớm nhất về việc chăm sóc răng miệng có thể được tìm thấy trên một bộ răng hàm của người Neanderthal 130.000 năm tuổi từ một hang động ở Croatia, răng trên bộ xương này có dấu hiệu đã bị cạo nhiều lần bởi một loại tăm nào đó. Thật không may, không có một dụngh cụ đặc biệt nào thực sự nào được phát hiện cùng với di tích thời tiền sử, nhưng dựa trên các dấu hiệu, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng người Neanderthal có thể đã sử dụng những mảnh xương hoặc cỏ cứng để loại bỏ thức ăn giữa các kẽ răng của họ.
Chuyển nhanh đến khoảng 14.000 năm trước và bạn đến với bệnh nhân nha khoa sớm nhất được biết đến. Được phát hiện trong một hầm trú ẩn bằng đá ở Ý, cá thể không may này dường như đã bị sâu răng, với phần thối của ít nhất một chiếc răng đã được cố tình cạo đi bằng một loại công cụ bằng đá sắc nhọn nào đó.
Mọi thứ bắt đầu trở nên phức tạp hơn một chút vào khoảng năm 5000 trước Công nguyên khi người Ai Cập cổ đại phát triển loại kem đánh răng đầu tiên trên thế giới. Giống như bột đánh răng, hỗn hợp này chứa các thành phần như tro từ móng bò cháy, vỏ trứng, nhựa thơm và đá bọt, và có lẽ loại bột này có tính mài mòn nhiều hơn là làm sạch – nhưng ít nhất có thể loại bỏ các mảnh vụn thức ăn xung quanh răng.
Người Ba Tư sau đó đã thêm vỏ ốc cháy và vỏ hàu vào hỗn hợp, cùng với các loại thảo mộc và mật ong, trước khi người La Mã bổ sung thêm than và vỏ cây vào với mục đích giảm mùi hôi miệng.
Bàn chải đánh răng nguyên thủy sớm nhất cũng được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ của người Ai Cập và Babylon, và có niên đại khoảng 3500 năm trước Công nguyên. Không giống như bàn chải hiện đại, những dụng cụ này về cơ bản chỉ là những cành cây được nhai nát thành những sợi xơ có thể dùng để làm sạch răng.
Điều đó nghe có vẻ đơn giản nhưng cần lưu ý rằng những chiếc que nhai này được lấy từ những cây cụ thể như neem và Salvadora persica, cả hai đều có đặc tính kháng khuẩn và đã được chứng minh là làm chậm sự lây lan của một số vi khuẩn liên quan đến bệnh sâu răng và bệnh nướu răng. Trên thực tế, cành của hai loại cây này vẫn tiếp tục được sử dụng như một hình thức chăm sóc răng miệng ở nhiều nước châu Á và Trung Đông cho đến ngày nay.
Bàn chải thông thường được biết đến sớm nhất có lẽ đã được phát minh ở Trung Quốc vào thời nhà Đường. Với lông bàn chải được làm từ lông lợn rừng, lợn nhà hoặc ngựa và tay cầm làm từ tre hoặc xương, những chiếc bàn chải đánh răng cổ xưa này khó có thể hiệu quả như những bàn chải đánh răng hiện đại và có thể không được sử dụng rộng rãi – có thể vì ít người thích đánh răng bằng lông lợn.
Một số hiện vật làm sạch răng sớm nhất mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy là tăm xỉa răng cổ xưa, dụng cụ nha khoa và văn bản mô tả cách chăm sóc răng có niên đại hơn 2.500 năm. Bác sĩ Hy Lạp nổi tiếng Hippocrates là một trong những người đầu tiên khuyên bạn nên làm sạch răng bằng loại kem đánh răng khô, được gọi là bột đánh răng.
Các văn bản cổ của Trung Quốc và Ai Cập khuyên nên làm sạch răng và loại bỏ sâu răng để giúp duy trì sức khỏe. Một số kỹ thuật ban đầu trong các nền văn hóa này bao gồm nhai vỏ cây hoặc que có đầu sờn, lông, xương cá và lông nhím. Họ sử dụng các vật liệu như bạc, ngọc bích và vàng để sửa chữa hoặc trang trí răng.
Người dân ở Bán đảo Ả Rập, Bắc Phi và tiểu lục địa Ấn Độ có truyền thống làm sạch răng bằng que nhai làm từ cây Salvadora Persica – được gọi là miswak. Người châu Âu đánh răng bằng giẻ cuộn trong muối hoặc bồ hóng
Tham khảo: Theconversation; Iflscience
Nguồn tin: https://genk.vn/nguoi-ta-lam-sach-rang-nhu-the-nao-truoc-khi-kem-danh-rang-duoc-phat-minh-20240408114050643.chn