Có thể bạn đã nghe về CAR-T, liệu pháp điều trị ung thư cách mạng có thể giúp những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối – đặc biệt là ung thư máu và ung thư tủy lẽ ra chỉ sống thêm được vài tháng – nhưng sau khi điều trị thì bệnh tình của họ lại thuyên giảm, thậm chí khỏi hẳn chỉ sau một đợt truyền thuốc duy nhất.
Là một liệu pháp miễn dịch tiên tiến và được phát triển riêng cho từng bệnh nhân, CAR-T tỏ ra rất hiệu quả. Nhưng đổi lại, giá thành của nó cũng rất đắt. Ví dụ, thuốc CAR-T nhãn hiệu Kymriah, do Novartis (Thụy Sĩ) phát triển có giá lên tới 475.000 USD, tương đương hơn 11,6 tỷ VNĐ/liều.
Abecma, một liệu pháp CAR-T do hãng dược phẩm Bristol (Anh) phát triển cũng có giá 410.000 USD tương đương 10,2 tỷ VNĐ. Carvykti của J&J (Mỹ), một loại thuốc CAR-T khác cũng có giá 465.000 USD tương đương 11,3 tỷ.
Mức giá cao ngất ngưởng của các loại thuốc CAR-T đang giới hạn phạm vi bệnh nhân có thể tiếp cận với chúng. Với số tiền tỷ phải bỏ ra, chưa kể viện phí, chỉ có những người giàu mới có đủ tài chính để sử dụng những loại thuốc chữa trị ung thư siêu đắt này.
Thế nhưng bây giờ, mọi chuyện đang thay đổi.
ImmunoACT, một công ty công nghệ sinh học nhỏ có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ cho biết họ đã sản xuất thành công một liệu pháp CAR-T “cây nhà lá vườn” nhưng đạt hiệu quả điều trị tương đương với thuốc CAR-T của Mỹ.
Được ký hiệu là NexCAR19, liệu pháp này đã được Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương (CDSCO) Ấn Độ phê duyệt và hiện đang giúp điều trị cho 20 bệnh nhân mỗi tháng.
Điều quan trọng là tại Ấn Độ, mỗi bệnh nhân chỉ cần trả từ 2,5-3,3 triệu ruppee, tương đương 750 triệu – 1 tỷ VNĐ để chữa khỏi bệnh ung thư của họ. Đây là một mức giá phải chăng hơn rất nhiều nếu so sánh với các liệu pháp miễn dịch CAR-T đang được bán ra tại các nước phát triển như Mỹ.
ImmunoACT hi vọng thành công của họ sẽ giúp mở đường cho nhiều liệu pháp miễn dịch giá rẻ khác, tiếp cận đến các bệnh nhân ung thư nghèo, tại các quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới,
CAR-T: Liệu pháp chữa khỏi ung thư kỳ diệu
CAR-T là một liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư. Trong đó, các bác sĩ trích xuất tế bào T từ hệ miễn dịch của bệnh nhân, tìm cách kết hợp nó với thụ thế kháng nguyên nhân tạo (chimeric antigen receptor –CAR).
Sau khi tạo thành tổ hợp CAR-T, loại thuốc này sẽ được truyền trở lại cơ thể bệnh nhân. Thụ thể CAR sẽ đi tìm và gắn nó vào các tế bào ung thư mục tiêu. Tế bào T nhờ vậy có thể tấn công được căn bệnh, điều mà nó không thể làm trước đây, khi coi tế bào ung thư là một phần bình thường trong cơ thể.
Điều trị CAR-T sẽ bắt đầu bằng một thủ thuật giống như hiến máu. Tại bệnh viện, các bác sĩ nối cơ thể người bệnh với một máy lọc máu. Khi máu được rút ra ngoài, máy lọc sẽ tách tế bào bạch cầu của bệnh nhân và cho vào một túi nhựa.
Các kỹ thuật viên mang túi nhựa từ bệnh viện tới phòng thí nghiệm hay các cơ sở có khả năng kết hợp thụ thể CAR vào tế bào T. Thông thường, họ làm điều này bằng cách sử dụng một virus lành tính, đưa một đoạn mã di truyền vào tế bào T.
Sau đó, mã di truyền sẽ hướng dẫn tế bào cách để “tự mọc” ra thụ thể CAR. Một khi đã đạt được điều này, các kỹ thuật viên cần nuôi ươm hàng triệu bản sao CAR-T và đóng gói lại thành những bịch thuốc.
Thuốc sau đó được mang về bệnh viện, nơi bệnh nhân ung thư đang chờ được truyền trở lại cơ thể những tế bào CAR-T của chính mình.
Vì toàn bộ quá trình gắn thụ thể CAR lên tế bào T này là cá nhân hóa, chúng rất phức tạp và cần đến bàn tay thủ công của con người, mỗi túi thuốc CAR-T như thế này là duy nhất cho từng bệnh nhân và không thể sản xuất đại trà, các công ty dược phẩm thường bán chúng với giá rất đắt.
Bù lại, bệnh nhân điều trị với CAR-T chỉ cần truyền một liều duy nhất. Sau đó, các tế bào CAR-T này sẽ tiếp tục nhân lên trong cơ thể họ, đi tìm và diệt toàn bộ tế bào ung thư có kháng nguyên mà chúng nhận diện được.
Các bệnh nhân ung thư máu, bạch cầu và hạch bạch huyết thường sử dụng CAR-T như một biện pháp cuối cùng. Trong số đó, cứ 10 bệnh nhân thì có 6-9 người thuyên giảm, 4-5 người thậm chí không thể phát hiện tế bào ung thư trong cơ thể sau điều trị, có thể được coi là khỏi bệnh.
Tại Trung Quốc, các nhà khoa học cũng từng công bố một kết quả thử nghiệm ấn tượng với một phương pháp điều trị CAR-T. Trong đó, 33/35 bệnh nhân ung thư đa u tủy đã đạt tới mức độ thuyên giảm bệnh chỉ trong hai tháng điều trị.
Thống kê cho tới hiện tại, có khoảng hơn 35.000 bệnh nhân ung thư trên thế giới đã được tiếp cận và sử dụng liệu pháp CAR-T. Tuy nhiên, giá thuốc cao đang hạn chế khả năng tiếp cận của đại đa số bệnh nhân.
Không phải ai cũng có thể bỏ ra một số tiền tương đương hàng chục tỷ VNĐ để mua thuốc CAR-T, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư đã rơi vào cảnh túng quẫn sau khi thử mọi phương pháp điều trị.
Liệu pháp CAR-T giá rẻ của Ấn Độ cho hiệu quả điều trị tương đương, an toàn hơn nhưng giá thành chỉ bằng 1/10 so với của Mỹ
Quá trình làm chủ công nghệ CAR-T của Ấn Độ bắt đầu từ một mắt xích quan trọng, một người phụ nữ có tên là Nirali N. Shah. Cô hiện là Trưởng bộ phận nghiên cứu bệnh ung thư máu Nhi khoa, trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NCI).
Như ta có thể thấy từ cái tên của Nirali, cô ấy là một người Mỹ gốc Ấn. Tại NCI, Nirali chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu về CAR-T giúp điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em, đồng thời từng là Giám đốc Chương trình Học bổng của Viện, vị trí cho phép cô ấy thiết kế những chương trình hợp tác đào tạo để đưa sinh viên của Ấn Độ sang NCI thực tập.
Năm 2017, trong nhiệm kỳ của mình, Nirali đã góp phần đưa 3 bác sĩ Ấn Độ bao gồm Alka Dwivedi và Rahul Purwar tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) và Gaurav Narula tại Bệnh viện Tata Mumbai tới NCI để tìm hiểu về công nghệ CAR-T mà Mỹ đang phát triển.
“Họ muốn tìm hiểu toàn bộ quá trình tạo ra thuốc, từ sản xuất tế bào CAR-T chất lượng cao để dùng cho con người, đến cách thiết kế một thử nghiệm lâm sàng và kiểm tra liệu pháp“, Nirali nói. Cô đã trực tiếp giảng dạy những kinh nghiệm của mình tại NCI cho nhóm bác sĩ Ấn Độ, đồng thời giới thiệu họ tới Trung tâm Kỹ thuật Tế bào của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ để học hỏi thêm.
Sau quá trình đào tạo, nhóm bác sĩ người Ấn đã có thể trở về nước và bắt đầu công việc sao chép công nghệ CAR-T từ các đồng nghiệp ở Mỹ. Trong quá trình này, Nirali cũng nhiều lần trở về Ấn Độ, quê hương của cô để giúp nhóm IIT/Tata sản xuất và thử nghiệm loại thuốc nhân bản.
Họ gọi nó là NexCAR19, có nghĩa là thế hệ thuốc CAR-T kế nhiệm phát triển từ năm 2019, dựa trên công nghệ nhắm đến kháng nguyên CD-19 có trên tế bào ung thư máu dạng lympho B. Đây cũng là mục tiêu mà thuốc CAR-T Kymriah của Novartis đang nhắm tới.
Một công ty công nghệ sinh học “spin-off” từ Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) và Bệnh viện Tata được thành lập, các nhà khoa học Ấn Độ gọi nó là ImmunoACT. Đến năm 2021, NexCAR19 được phát triển thành công và thử nghiệm trên bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện Tata.
Kết quả khả quan của thử nghiệm này cho phép ImmunoACT mở rộng thử nghiệm lâm sàng lên quy mô 64 người. Trong số 53 bệnh nhân có thể được đánh giá (38 bệnh nhân mắc bệnh ung thư hạch và 15 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu ung thư máu dạng lympho B), 26/38 bệnh nhân mắc bệnh ung thư hạch (68%) và 10/15 bệnh nhân mắc ung thư máu dạng lympho B (72%) đã đáp ứng với NexCAR19.
Tất cả các phản ứng trong nhóm mắc ung thư máu dạng lympho B đều là phản ứng hoàn chỉnh – nghĩa là họ không có dấu hiệu ung thư sau khi điều trị – có thể được coi là khỏi bệnh.
Không ai trong số 53 người tham gia gặp phải các tác dụng phụ về thần kinh thường thấy ở những người được điều trị bằng liệu pháp tế bào T-CAR được phê duyệt ở Mỹ.
Chỉ một phần nhỏ (5%) bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch ở dạng nghiêm trọng được gọi là hội chứng giải phóng cytokine. Chỉ có 5 bệnh nhân phải nhập viện vì tác dụng phụ.
Tất cả họ sẽ được theo dõi trong vòng 5 năm.
Mô hình chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo
Với các kết quả kể trên, NexCAR19 được đánh giá có độ hiệu quả tương đương với các liệu pháp CAR-T tại Mỹ, thậm chí, độ an toàn của phiên bản CAR-T “Made in India” còn cao hơn so với một số phương pháp điều trị CAR-T đã được phê duyệt tại Mỹ.
Dựa trên những số liệu này, cuối năm 2023, Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương (CDSCO) đã cấp phép cho NexCAR19, mở đường cho việc ra mắt thương mại liệu pháp này ở Ấn Độ.
Tiến sĩ Dwivedi giải thích lý do tại sao CAR-T của Ấn Độ lại tỏ ra an toàn hơn một số liệu pháp CAR-T tại Mỹ, đó là bởi nhóm nghiên cứu của cô đã thực hiện một cải tiến sáng tạo, thêm protein người vào đoạn cuối kháng thể CAR – vốn được các nhà khoa học Mỹ lấy từ chuột.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy thụ thể CAR ‘được nhân bản hóa’ có hoạt tính chống ung thư tương đương với loại có nguồn gốc từ chuột trong các loại thuốc CAR-T tại Mỹ, và tạo ra mức độ sản xuất cytokine thấp hơn, khiến NexCAR19 trở nên an toàn hơn.
Quá trình sản xuất thuốc CAR-T tại ImmunoACT
Trong khi đó, bác sĩ Rahul Purwar cho biết một cải tiến nữa nằm trong vector virus nhằm đưa gen sản xuất thụ thể CAR vào tế bào T. Nếu họ mua vector virus này từ các nhà sản xuất Mỹ, sẽ phải tốn ít nhất 16.000 USD để sản xuất thuốc cho mỗi bệnh nhân.
Vì vậy, ImmunoACT đã nghiên cứu để tự sản xuất virus này tại Ấn Độ. Họ cũng tìm ra cách để nhân bản tế bào CAR-T đơn giản hơn, tránh sử dụng đến các loại máy móc đắt tiền. Tất cả những yếu tồ này đã giúp giá thành của NexCAR19 giảm xuống chỉ còn 1/10 so với các loại thuốc CAR-T tại Mỹ.
Bác sĩ Nirali đánh giá đây là một thành công rất lớn trong chương trình hợp tác giữa các bác sĩ Ấn Độ và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ mà cô đã thúc đẩy:
“Các đồng nghiệp của tôi tại Ấn Độ đã có thể tạo ra một liệu pháp CAR-T hoàn toàn mới, có kết quả tương đương với những gì chúng tôi có ở Hoa Kỳ. Đáng chú ý hơn là họ có thể giữ chi phí ở mức thấp để sản xuất một liệu pháp dung nạp tốt – điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các bệnh nhân tại Ấn Độ“.
Trong tương lai, Nirali hi vọng hợp tác thành công giữa NCI và các bác sĩ Ấn Độ sẽ trở thành mô hình mẫu cho phép các quốc gia có thu nhập thấp mạnh dạn hơn trong việc làm chủ công nghệ CAR-T. Điều này sẽ giúp cho các bệnh nhân nghèo có thêm cơ hội tiếp cận được với liệu pháp điều trị tiên tiến này, thứ có thể chữa khỏi bệnh ung thư và đem đến cơ hội sống thứ hai cho họ.
Tham khảo Nature, NIH, Indiatoday
Nguồn tin: https://genk.vn/my-ban-mot-loai-thuoc-chua-khoi-ung-thu-voi-gia-10-ty-dong-cung-loai-thuoc-do-an-do-ban-gia-700-trieu-de-nguoi-ngheo-cung-co-co-hoi-chua-benh-20240409134121792.chn