Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong Quý 1 năm 2024, thị trường xe phổ thông chỉ ghi nhận 8.367 chiếc sedan và 346 chiếc hatchback được bán ra. Ở chiều hướng ngược lại, doanh số các dòng SUV, Crossover và MPV lại tỏ ra vượt trội với những con số ấn tượng là 13.133 xe, 5.247 xe và 8.143 xe tương ứng. Như vậy, lượng xe gầm cao đã bán ra đã hơn gấp hơn 7 lần so với các mẫu xe gầm thấp chỉ trong ba tháng đầu năm nay. Điều này còn được thể hiện trong danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất quý đầu năm 2024, có đến 7 mẫu xe gầm cao, nổi bật là Mitsubishi XForce, Ford Ranger và Mazda CX-5.
Tình trạng này cũng được ghi nhận tương tự ở các nhà sản xuất ngoài VAMA cho thấy được xu hướng chuyển dịch của người dùng Việt từ những mẫu sedan sang các dòng sản phẩm gầm cao máy thoáng ngày càng trở nên rõ rệt.
Tính thực dụng là yếu tố hàng đầu
Có rất nhiều lý do để lý giải cho xu hướng trên. Đầu tiên có thể kể đến tâm lý của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam luôn mong muốn tìm được một mẫu xe “đa năng” có đủ sức đáp ứng hầu hết các mọi nhu cầu. Từ kích thước vừa phải gọn gàng, đủ linh hoạt để sử dụng hàng ngày trong phố xá nhưng nội thất lại phải cho cảm giác thoáng đãng, không gây khó chịu cho những chuyến xe đường dài về quê, đi chơi cùng gia đình.
Cùng với đó tầm nhìn thoáng, khả năng vận hành bền bỉ cũng như tính thực dụng luôn được đề cao cũng là những yếu tố khiến cho người dùng gia đình cũng như chạy dịch vụ tỏ ra rất ưa chuộng các mẫu SUV, CUV cỡ nhỏ hay kể cả những biến thể “Cross” của các dòng MPV truyền thống.
Ngoài ra, một yếu tố không thể không nhắc tới ảnh hưởng đến quyết định sử dụng một chiếc xe gầm cao chính là hạ tầng giao thông của nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Mặt đường chưa thực sự phẳng phiu, khiến những chiếc xe gầm cao tạo được lợi thế lớn bởi khả năng hoạt động êm ái và thuận tiện hơn trong nhiều tình huống cần phải băm bổ trên mặt đường gồ ghề. Bên cạnh đó, với khí hậu có mùa mưa dài, tình trạng ngập lụt, triều cường diễn ra khá thường xuyên thì việc chọn một chiếc xe gầm cao sẽ giúp giảm nguy cơ thiệt hại về kinh tế cho người dùng đi đáng kể. Tại sao lại như vậy?
Lợi thế nhiều bề khi đường ngập
Cứ nhìn vào tình hình tại một số nơi ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc cách đây ít lâu chúng ta sẽ thấy được việc có một mẫu xe SUV hay CUV lại có lợi ích lớn đến thế nào mỗi khi gặp mưa ngập. Với khoảng sáng gầm từ 18 cm trở lên, việc những mẫu xe này vượt qua những tình huống đường ngập ở mức độ cơ bản khoảng 20 cm là điều khá dễ dàng. Mặc dù các nhà sản xuất không khuyến khích người dùng sử dụng xe trong những trường hợp ngập cao hơn nữa tuy nhiên trong một số tình huống những chiếc xe gầm cao vẫn có thể vượt qua hoặc tránh gặp thiệt hại bằng cách dễ dàng leo lên vỉa hè, những nơi có địa hình cao hơn.
Điều này có được nhờ vào động cơ có lợi thế đặt cao hơn so với những mẫu sedan, giúp tránh được nước lọt vào bên trong buồng đốt qua họng nạp không khí gây hiện tượng thuỷ kích. Đây cũng là nỗi lo của hầu hết các tài xế khi phải lái xe ra đường trong mùa mưa như hiện nay.
Gặp đường ngập, xử lý sao cho đúng
Đương nhiên trong mùa mưa hiện nay, loại trừ các trường hợp đậu xe trong hầm hay bãi đỗ xe bị ngập thì việc ra đường gặp những đoạn ngập cục bộ là điều không tránh khỏi. Trong tình huống này, việc chúng ta xử lý chuyên nghiệp nhanh gọn sẽ là cách giúp giảm thiểu thiệt hại đáng kể.
Mặc dù sở hữu những mẫu xe gầm cao, nhưng cũng không nên chủ quan mà cần quan sát cũng như phán đoán độ sâu của mặt nước thông qua các xe đi trước hoặc các chỉ báo như vỉa hè, cánh cửa hai bên đường. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định có nên vượt qua quãng ngập hay không hoặc thay đổi tuyến đường sao cho phù hợp.
Trong quá trình di chuyển, hãy tắt máy lạnh, chuyển về số thấp ở chế độ bán tự động và giữ đều ga với tốc độ vừa phải tránh đạp thốc để tối ưu lực kéo giúp xe có thể vượt qua sức cản nước cũng như tránh tình trạng tắt máy. Ngay cả với các xe gầm cao, hiện tượng thuỷ kích vẫn có thể diễn ra nếu đi qua những nơi ngập khá sâu hoặc nước bị đẩy vào khoang máy khi có xe khác đi ngược chiều tạo sóng.
Và nếu xe bị tắt máy thì tuyệt đối không khởi động để hạn chế nước lọt sâu vào bên trong và nhanh chóng gọi xe cứu hộ. Nếu cố gắng khởi động lại, nước có thể đi sâu vào buồng đốt sẽ dẫn đến các hiện tượng như cong gãy tay biên, hỏng xi-lanh hoặc tệ hơn nữa là phá huỷ động cơ. Đó là chưa kể đến việc nước ngập sẽ dẫn đến hư hỏng các mối nối điện, hệ thống điều khiển cùng các linh kiện điện tử, ngấm vào các khu vực nội thất.
Điều này dẫn đến người dùng sẽ phải bỏ ra một chi phí rất lớn để có thể sửa chữa, phục hồi và khó có thể trả lại chiếc xe về với nguyên bản. Và đây cũng là lý do để những người muốn mua xe đã qua sử dụng đặc biệt chú ý đến chiếc xe muốn sở hữu có gặp tình trạng ngập nước hay bị thuỷ kích hay không. Chính vì vậy, hãy tìm đến các chuyên gia thẩm định xe trước khi mua, hoặc mua tại các gara uy tín tin tưởng và trang bị một kỹ năng vững vàng để có thể sử dụng một cách thoải mái chiếc xe của mình trong mùa mưa ngập này.
Việc sử dụng xe điện trong trường hợp này cũng được một số chủ sở hữu áp dụng như rất nhiều những video clip về các chiếc xe Vinfast có thể “tàu ngầm” lội nước băng băng trong khi hàng loạt xe động cơ đốt trong chỉ có thể đứng nhìn. Điều này rất khả thì khi một số dòng xe được trang bị nhiều công nghệ chống bụi nước đạt tiêu chuẩn cao, cũng như sử dụng động cơ điện nên sẽ không gặp tình trạng thuỷ kích như với các xe thông thường.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nước có thể dẫn đến chập các thiết bị điện tử, pin đồng thời làm hỏng nội thất cũng như gây hư hại nặng nên các nhà sản xuất cũng không khuyến cáo người dùng xe điện làm điều này.
Nguồn tin: https://genk.vn/mot-trong-nhung-ly-do-khien-nguoi-dung-viet-uu-chuong-cac-dong-xe-gam-cao-may-thoang-20240729143124179.chn