Thảm họa của Boeing
Một phần thân máy bay nổ tung ngay sau khi cất cánh, để lại một lỗ hổng trên máy bay, điện thoại và quần áo của hành khách bị hút ra ngoài. Các cuộc điều tra cho thấy những việc làm cẩu thả, bao gồm bu lông bị lỏng hoặc bị thiếu; rác thải và thậm chí cả những chai rượu tequila rỗng bị bỏ lại bên trong các máy bay được sản xuất cho khách hàng chính phủ. Một mẫu máy bay phải ngừng bay trên toàn thế giới. Tạm dừng giao hàng do vấn đề chất lượng.
Và cho đến nay, vấn đề nghiêm trọng nhất – hai vụ tai nạn chết người khiến 346 người thiệt mạng.
Boeing lại trở thành tiêu điểm vì tất cả những sai lầm sau sự cố Boeing 737 Max 9 của Alaska Airlines. Ủy ban Vận tải An toàn Quốc gia Mỹ, cơ quan điều tra vụ việc, dự kiến sẽ sớm công bố kết quả sơ bộ.
Theo CNN, đó là câu chuyện về những chiếc Boeing của ngày hôm nay và trong 5 năm qua. Nhưng vốn mọi chuyện không phải lúc nào cũng như vậy.
Cách đây không lâu, danh tiếng của Boeing tới từ việc chế tạo những chiếc máy bay an toàn nhất, tiên tiến nhất trên bầu trời. Hãng đã giúp thế giới tiếp cận du lịch dễ dàng hơn bằng máy bay phản lực thương mại.
Các phi công, những người khác trong ngành cũng như các thành viên của cộng đồng bay đã tóm tắt niềm tin của họ vào công ty Boeing bằng câu nói: “Nếu không phải Boeing, tôi sẽ không đi”. Công ty vẫn bán cốc cà phê và áo phông có in khẩu hiệu này.
Nhưng tới nay, Boeing lại sa lầy vào thảm họa đến mức ít nhất một trang web du lịch có tính năng cho phép hành khách tránh hoàn toàn máy bay Boeing 737 Max.
Các chuyên gia và nhà phê bình nói rằng những tai ương của Boeing đã hình thành trong nhiều năm, một số chỉ ra kết quả của sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp bắt đầu việc đặt lợi nhuận lên trên năng lực an toàn và kỹ thuật mà hãng từng được ca ngợi. Việc này không chỉ đặt tương lai của Boeing, mà còn đặt cả tính mạng của những hành khách trên máy bay, vào vùng nguy hiểm.
Đáp lại, các giám đốc điều hành của Boeing nhấn mạnh rằng chất lượng và an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của công ty và các vấn đề trong những năm gần đây chỉ khiến họ tập trung hơn vào chất lượng và an toàn. Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố rằng hiện tại họ đặt lợi nhuận lên trên chất lượng, công ty đã chỉ ra một tuyên bố gần đây của Giám đốc điều hành Dave Calhoun.
Ông nói với các nhà đầu tư vào tháng 10: “Trong vài năm qua, chúng tôi đã tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các quy trình chất lượng của mình, thuê hàng chục nghìn kỹ sư và thợ cơ khí, nâng cao các khoản đầu tư quan trọng cho tương lai, chuyển đổi chức năng và tăng dần tỷ lệ sản xuất. Quan trọng nhất, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để thấm nhuần văn hóa dám nói và đưa ra mọi vấn đề một cách minh bạch, bất kể quy mô, để chúng tôi có thể giải quyết mọi việc phù hợp cho tương lai.”
Một tuần sau khi Calhoun đưa ra bình luận, công ty đã giao chiếc 737 Max 9 cho Alaska Air, chiếc thứ tư họ chế tạo cho hãng trong tháng đó. Nhưng chỉ vài phút sau chuyến bay ngày 5/1, cửa máy bay bị nổ khi máy bay đang bay giữa không trung.
Ed Pierson, cựu giám đốc điều hành của Boeing, hiện là giám đốc điều hành của Tổ chức An toàn Hàng không, nói với CNN: “Giới lãnh đạo quan tâm đến việc xuất xưởng máy bay hơn là chất lượng”. Ông cho biết máy bay ngày nay vẫn đang được sản xuất với hàng loạt vấn đề không bị phát hiện.
‘Mọi thứ phải hợp lý về mặt chi phí’
Các nhà phê bình cho rằng trước khi sáp nhập, Boeing nổi tiếng là công ty được điều hành bởi những người có nền tảng kỹ thuật, những người quan tâm đến chất lượng và an toàn trên hết. Họ cũng cho rằng việc sáp nhập đã đặt công ty vào tay những giám đốc điều hành có kiến thức nền tảng về tài chính, những người đặt lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu.
Trên giấy tờ, Boeing là công ty đã mua McDonnell Douglas. Nhưng nhiều cấp lãnh đạo lại toàn là những “cựu binh” của McDonnell Douglas chứ không phải các giám đốc điều hành của Boeing.
Nhiều người trong số họ có nền tảng tài chính chứ không phải nền tảng kỹ thuật như những người từng điều hành Boeing trước đây. Nhiều người đến từ công ty khác, chẳng hạn như từ General Electric, nơi việc cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả gần như là một luật bất thành văn.
Một trong số những nhân vật này là Jim McNerney, CEO của Boeing hồi năm 2005. Ông là Giám đốc điều hành của 3M trước khi được chọn để điều hành Boeing mà không có bất kỳ kiến thức kỹ thuật nào và kinh nghiệm hàng không vũ trụ hạn chế.
Hai vụ tai nạn chết người
Tai họa ập đến vào lúc công ty không ngờ nhất.
Vụ tai nạn chết người đầu tiên của chiếc Boeing 737 Max xảy ra ở Indonesia vào tháng 10/2018, vụ thứ hai ở Ethiopia vào tháng 3/2019, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Nó dẫn đến việc tất cả các máy bay phản lực 737 Max phải ngừng hoạt động trong 20 tháng. Ngoài sự mất mát kinh hoàng về nhân mạng, nó còn khiến công ty thiệt hại hơn 21 tỷ USD, khiến vụ việc trở thành một trong những thảm họa doanh nghiệp tốn kém nhất được ghi nhận và cũng là một trong những thảm họa nguy hiểm nhất.
Sau vụ tai nạn đầu tiên, máy bay 737 Max vẫn được tiếp tục bay. Ngay cả sau vụ tai nạn thứ hai, khi các cơ quan quản lý hàng không trên thế giới cấm bay máy bay phản lực, Boeing vẫn thúc giục FAA hoãn lại lệnh cấm bay của mình, nói rằng họ “hoàn toàn tin tưởng vào sự an toàn của 737 Max”.
Nhưng cuối cùng, lỗi thiết kế của 737 Max đã được cho là nguyên nhân gây ra hai vụ tai nạn chết người. Một tính năng ngăn máy bay bay lên quá nhanh đã khiến mũi máy bay bị chòng chành, buộc mũi máy bay hướng xuống.
Những người chỉ trích Boeing cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở thiết kế sai sót của máy bay phản lực dẫn đến thảm họa, mà còn do Boeing không nhanh chóng thừa nhận vấn đề về thiết kế sau vụ tai nạn đầu tiên và có lệnh cấm bay vào lúc đó, điều vốn đã có thể đã ngăn chặn được vụ tai nạn thứ hai.
Robert Clifford, luật sư kiện Boeing thay mặt cho gia đình các nạn nhân của vụ tai nạn thứ hai, cho biết: “Boeing có thể đã khắc phục sự cố nhanh hơn nhiều và tốn ít chi phí hơn cũng như ngăn chặn được vụ tai nạn thứ hai. Họ đánh cược bằng mạng sống và sự mất mát của người dân”.
Vào năm 2021, Boeing đã thừa nhận trách nhiệm pháp lý trong hai vụ tai nạn, đồng ý bồi thường thiệt hại.
Theo CNN, thật trớ trêu khi việc Boeing tập trung vào lợi nhuận thay vì chất lượng máy bay đã dẫn đến việc công ty rơi vào tình trạng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử hơn 100 năm của mình, với 5 năm thua lỗ sâu và nhiều khoản lỗ dự kiến sẽ còn ở phía trước.
Năm 2018, Boeing đã đạt thành tích cao, lần đầu tiên báo cáo doanh thu chạm mốc hơn 100 tỷ USD và dự kiến sẽ còn tăng trưởng hơn nữa. Hãng cũng vừa mới bắt đầu bàn giao chiếc 737 Max. Sự tập trung ngắn hạn vào lợi nhuận quả thực đã tạo ra lợi nhuận nhưng để lại hậu quả lâu dài.
Trong năm đó, đối thủ Airbus của họ mới là phía đang gặp khó khăn khi phải đối diện sai lầm trị giá 25 tỷ USD: chiếc máy bay phản lực siêu tốc A380 hóa ra nhận được rất ít nhu cầu từ các hãng hàng không và hành khách. Mặc dù vậy, hai công ty vẫn cạnh tranh nhau về số lượng đơn đặt hàng và giao hàng.
Nhưng chỉ chưa đầy một thập kỷ, tất cả đã thay đổi.
Airbus đã giao 735 máy bay thương mại vào năm ngoái. Boeing chỉ có 528. Đơn đặt hàng ròng và số lượng máy bay tồn đọng đang chờ chế tạo cho thấy sự mất cân bằng lớn hơn nữa. Trong khi Airbus được dự báo sẽ có lợi nhuận ròng 4,7 tỷ USD cho năm 2023, thì Boeing được dự báo sẽ báo lỗ 3,6 tỷ USD.
Bất chấp những tổn thất và vị thế thị trường của Boeing bị suy yếu nghiêm trọng, rất ít khả năng hãng này có thể ngừng hoạt động. Chưa kể, bất kỳ khách hàng nào của Boeing hủy đơn đặt hàng ngày hôm nay sẽ phải xếp hàng chờ sau hơn 8.600 đơn hàng máy bay tồn đọng mà Airbus đã đồng ý chế tạo cho các khách hàng hiện tại của mình.
Tham khảo CNN
Nguồn tin: https://genk.vn/nguon-con-cho-su-cau-tha-cua-boeing-may-bay-thieu-bu-long-ben-trong-day-rac-va-chai-ruou-rong-van-giao-cho-khach-hang-chinh-phu-20240207093548443.chn