Vào năm ngoái, dòng sản phẩm robot dọn dẹp đầu bảng của Ecovacs là Deebot X2 Omni đã gây được ấn tượng mạnh với người dùng khi có kiểu dáng vuông vắn khác lạ, cùng với việc trang bị không thiếu bất cứ một tính năng nào. Nhưng cũng vì là sản phẩm đầu bảng nên Deebot X2 Omni có giá bán khá cao, lên tới gần 35 triệu Đồng trong những ngày đầu tiên mở bán, vượt qua ‘budget’ của nhiều hộ gia đình.
Vậy các sản phẩm dễ tiếp cận hơn như chiếc Ecovacs Deebot T20e Omni không có những điểm đặc biệt tạo sự khác biệt thì có đáng mua hay không?
Trải nghiệm robot dọn dẹp Ecovacs T20e Omni
Thiết kế đơn giản nhưng vẫn thấy được sự cao cấp
Như đã đề cập, thì hình dáng bên ngoài vuông vức là 1 điểm đặc biệt trên dòng X2 Omni, và có vẻ như Ecovacs sẽ ‘để dành’ thiết kế này cho các sản phẩm cao cấp, còn sản phẩm tầm trung, giá rẻ thì vẫn sẽ trung thành với kiểu dáng tròn trịa.
Deebot T20e Omni nhìn giống với bao robot dọn dẹp khác: một ‘cục’ hình tròn màu trắng, kèm theo một ‘cục gù’ là hệ thống cảm biến laser phục vụ công nghệ tránh đồ vật mà hãng gọi là TrueMapping 2.0.
Khi đi sâu hơn vào các chi tiết, ta vẫn thấy được những chi tiết hoàn thiện cho thấy đây vẫn là một sản phẩm tầm trung, cận cao cấp chứ không thuộc phân khúc giá rẻ. Ví dụ như tấm nhựa ở mặt lưng của sản phẩm được sơn bóng, cầm chắc chắn và lắp vào robot bằng nam châm cho cảm giác rất ‘mượt’.
Nút bấm điều khiển trên robot không phải là nút bấm vật lý mà làm cảm ứng, tích hợp luôn đèn báo hiệu để mặt trên nhìn sạch sẽ, ít chi tiết nhất có thể. Chất lượng hoàn thiện nói chung của Deebot T20e Omni được tôi đánh giá cao, cầm thử trên tay rồi lắc qua lại không thấy có những thành phần lêu ‘lọc xọc’, tất cả mọi thứ đều chắc chắn.
Tất nhiên rồi, với thiết kế có ‘cục gù’ ở bề mặt trên thì Deebot T20e Omni sẽ không có khả năng ‘len lỏi’ được vào những nơi chật hẹp giống như các sản phẩm có hệ thống cảm biến chìm như Deebot X2 Omni, nhưng trong quá trình sử dụng máy của tôi thì máy chưa bị mắc vào gầm ghế hay gầm bàn.
Về khả năng tránh đồ vật trong nhà, nếu như đã có bản đồ 3D được thiết lập thì robot sẽ tự động tránh luôn, còn những món đồ nào ‘khác lạ’ thì robot sẽ chạm nhẹ rồi lùi lại và đi theo hướng khác. Nó có thể vượt qua những dây mỏng, còn dây quá dày (ví dụ như dây nồi cơm điện, dây đèn) thì Deebot T20e Omni vẫn có thể bị tắc, cần gỡ rối để sử dụng tiếp.
Lực hút mạnh, tính năng ‘lắc hông’ nhìn khá vui
Đã nằm ở phân khúc tầm trung, cận cao cấp nên Deebot X2 Omni cũng đã có đầy đủ những tính năng dọn dẹp: hút rác bằng chổi, lau nhà bằng bông lau xoay, đế sạc có thể hút rác từ robot, hút nước bẩn và tiếp thêm nước sạch cũng như rửa bông lau mỗi lần sử dụng để tránh bị hôi.
Nâng cấp lớn nhất của Deebot T20e Omni so với các sản phẩm giá rẻ hơn đó là lực hút cao tới 7100 Pa, so với mức 5000 – 5500 Pa thường thấy. Thực chất không phải lúc nào ta cũng cần lực hút tối đa này, vì bụi bẩn bình thường không bị ướt thì vẫn luôn được dọn một cách dễ dàng bởi các robot hút bụi khác.
Tuy vậy với các bụi bẩn ‘cứng đầu’ hơn như bị ướt hay cát nặng mà chúng tôi thử nghiệm, thì có lực hút cao tới 7100 Pa sẽ là lợi thế. Tôi cũng thường sử dụng chế độ ‘Quản gia 2.0’ của robot này (bật trong ứng dụng Ecovacs), có thể tự động điều chỉnh lực hút để phù hợp với nhu cầu dọn dẹp, nên cũng không cần phải chỉnh bằng tay.
Bên cạnh khả năng hút bụi khô thì Deebot T20e Omni cũng có cả bông lau xoay, một loại lau nhà hiệu quả hơn so với giẻ lau vì có thể ‘kỳ cọ’, tạo áp lực xuống sàn. Với T20e Omni ta có 2 bông lau quay ‘OZMO Turbo 2.0’ tốc độ 180 vòng một phút bằng rộng cơ 25.000 RPM, tạo áp lực 6N xuống sàn nhà.
Không có kiểu dáng vuông vắn, dễ dàng ‘rúc’ vào góc nhà để lau như X2 Omni, nhưng T20e Omni lại có 1 tính năng để thực hiện nhiệm vụ tương tự. Khi đi tới góc nhìn, T20e Omni sẽ lắc phần ‘đuôi’ chỗ gắn bông lau để đưa chúng vào gần với tường nhất có thể, theo công bố là chỉ cách khoảng 3mm.
Đây là một giải pháp khá thông minh, cũng giúp T20e Omni giữ kiểu dáng tròn truyền thống dễ ‘xoay sở’ hơn so với X2 Omni khi đi vào góc. Hơn nữa nhìn chiếc robot của mình ‘lắc hông’ khi đi tới chân tường nhìn cũng khá vui vẻ đấy chứ!
Ngoài ra thì đây cũng là những bông lau có thể di chuyển lên – xuống khoảng 9mm để tránh làm ướt thảm. Trong ứng dụng, ta cũng có những tùy chọn khác là ‘né’ luôn khi thấy thảm, còn mặc định là khi đi lên thảm T20e Omni vẫn sẽ dọn dẹp bụi khô.
Như đã đề cập thì sau khi dọn dẹp và trở về với đế sạc thì đế cũng sẽ rút nước bẩn và tiếp thêm nước sạch cho robot luôn, với mỗi thùng đựng nước đều có dung tích 4L. Khả năng rửa bông lau của T20e Omni đã có sự tinh giảm so với chiếc X2 Omni cao cấp, vì chỉ giặt bằng nước nhiệt độ phòng chứ không phải là nước nóng, sau đó sấy khô bằng không khí nóng.
2 tính năng khác người dùng cũng cần nâng cấp lên phiên bản cao cấp hơn để có đó là camera truyền hình ảnh tới smartphone (dùng để làm camera an ninh có thể di chuyển được trong trường hợp cần thiết) và ra lệnh bằng giọng nói với YIKO.
Cá nhân tôi không sử dụng nhiều 2 tính năng này, đặc biệt là với tính năng điều khiển giọng nói thì ta vẫn có thể kết nối với Alexa và Google Assistant, chỉ bất tiện là ta phải ra lệnh trên các thiết bị khác chứ không ‘nói’ trực tiếp tới robot như YIKO mà thôi.
Đơn giản nhưng ‘làm tốt chuyên môn’
Có giá bán 14.900.000 Đồng, Ecovacs Deebot T20e Omni là một robot đơn giản hơn hẳn so với flagship Deebot X2 Omni có giá bán cao gấp đôi lúc ra mắt và gấp rưỡi trong thời điểm hiện nay. Tuy vậy, ta vẫn có một robot lau dọn với đầy đủ những tính năng thường xuyên sử dụng, vẫn có sự ‘rảnh tay’ nhờ dock sạc đa năng.
So với các sản phẩm của các thương hiệu khác, Deebot T20e Omni nổi bật nhờ lực hút mạnh mẽ, kèm khả năng ‘lắc’ để lau những góc nhà một cách sạch sẽ hơn. Với những bạn chỉ cần robot lau dọn để… lau dọn nhà một cách hiệu quả chứ không cần phải quá thông minh, thì đây là lựa chọn đáng để tâm trong phân khúc dưới 20 triệu Đồng.
Nguồn tin: https://genk.vn/trai-nghiem-robot-don-dep-ecovacs-deebot-t20e-omni-luc-hut-manh-lac-hong-de-don-goc-nha-20240302151414553.chn