Trong thống kê chính thức, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết có khoảng 2 tỷ chiếc điều hòa đang hoạt động trên khắp toàn cầu, biến đây trở thành một trong những thiết bị gia dụng phổ biến nhất thế giới. Với việc dân số loài người đã đạt 8 tỷ, trung bình, cứ mỗi 4 người, bất kể tuổi tác, lại có một chiếc điều hòa.
Cũng theo IEA, trong 3 thập kỷ tiếp theo, việc phụ thuộc vào điều hòa của con người sẽ tăng vọt. Số điều hòa đã tăng gấp 3 kể từ những năm 1990 tới nay và sẽ tiếp tục tăng bằng lần vào năm 2050, nhất là khi thời tiết ngày càng nóng và nhiều người cũng giàu lên. Trong bối cảnh những kỷ lục nắng nóng liên tiếp bị phá vỡ, điều hòa sẽ vẫn là phương “thuốc tiên” để đáp ứng nhu cầu làm mát của con người và tăng hiệu suất làm việc.
Xuất hiện lần đầu tiên trong những năm 1900, điều hòa ban đầu là sản phẩm xa xỉ dành cho người giàu có hoặc giải quyết vấn đề mà các ngành công nghiệp gặp phải. Đến những năm 1940-1950, điều hòa trở nên phổ dụng hơn khi người ta nhận thấy năng suất làm việc ở nơi có điều hòa cao vượt trội so với những nơi không có. Các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… cũng đồng loạt được trang bị thiết bị này. Sau đó, điều hòa tiếp tục được cải tiến để góp mặt trên các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hỏa.
Không chỉ tạo cơn sốt ở Mỹ hay châu Âu, tại Đông Nam Á, giá trị của điều hòa cũng sớm được nhận ra. Ngay từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước, Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã mô tả điều hòa chính là một trong những chiếc chìa khóa thành công của quốc đảo nhiệt đới này.
“Điều hòa là phát minh quan trọng nhất với chúng tôi. Nó đã thay đổi bản chất của nền văn minh và khiến các vùng nhiệt đới cũng phát triển được. Không có điều hòa, bạn chỉ có thể làm việc vào sáng sớm hoặc chiều muộn”, ông Lý nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, con người đã phụ thuộc rất nhiều vào điều hòa. Thậm chí, đây còn là một “động lực quan trọng” để phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có khí hậu nóng. Thế nhưng, điều hòa ngày càng để lộ ra nhiều điểm yếu mà có thể đẩy con người vào những “kịch bản tồi tệ” nếu không có những thay đổi cho phù hợp.
Khi cơn bão Ida tàn phá Louisiana với lũ lụt thảm khốc và gió mạnh vào tháng 8/2021, có hơn 1 triệu người rơi vào tình cảnh mất điện. Ngay sau đó, nắng nóng xuất hiện. Nhiệt độ tăng nhanh chóng lên hơn 32 độ C khiến tình trạng oi bức, ngột ngạt bao trùm cả một vùng rộng lớn.
Nắng nóng được chứng minh là thứ nguy hiểm nhất ở New Orleans, khi gây ra tới 9/14 ca tử vong liên quan tới bão ở thành phố này. Sự kết hợp giữa bão, nhiệt độ cao và mất điện suốt nhiều ngày đã tạo ra một “kịch bản ác mộng”. Thế nhưng, điều đó được dự báo sẽ ngày càng phổ biến hơn khi các hoạt động của con người đang không ngừng làm trái đất nóng lên, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Và điều hòa – thứ vũ khí tối tượng chống lại nắng nóng – sẽ không còn bất khả chiến bại.
Trên thực tế, điều hòa nhiệt độ còn lâu mới có thể đạt tới ngưỡng hoàn hảo. Đây là thiết bị tiêu thụ điện năng lớn, vốn hầu hết được tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Càng đốt nhiều than, dầu và khí gas để tạo ra điện vận hành những chiếc điều hòa, con người lại càng làm trái đất nóng hơn. Như một vòng luẩn quẩn, điều hòa có thể làm mát ngay tức cho một không gian nhưng lại đang góp phần nung nóng cả hành tinh. Đó là chưa kể tới sự bất bình đẳng trong xã hội, khi rất nhiều người nghèo không được hưởng tiện ích từ thiết bị này.
Số lượng điều hòa tăng theo cấp số nhân sẽ đẩy lưới điện vào tình trạng quá tải, nhất là khi thời tiết cực đoan với những trận nắng nóng, mưa bão… trăm năm có một đang xuất hiện với cường độ thường xuyên và liên tục. Theo báo cáo từ Climate Central, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận, thời tiết cực đoan chịu trách nhiệm cho 80% số vụ mất điện trên khắp nước Mỹ từ năm 2000 đến 2023.
Jen Brady, nhà phân tích dữ liệu cấp cao tại Climate Central, cho biết: “Mọi khía cạnh của thời tiết đang tác động lên mạng lưới điện vốn đã dễ bị tổn thương và thực sự đang thử thách nó”.
Trong khi đó, Michael Webber, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Texas ở Austin, nói rằng mạng lưới điện ở Mỹ vốn được thiết kế cho nhu cầu của các điều kiện thời tiết trong quá khứ chứ không phải đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Có nhiều ví dụ chứng minh cho luận điểm ấy. Trong đợt nắng nóng hồi tháng 8/2020 ở California, nhà điều hành lưới điện chủ chốt của bang đã phải cắt điện luân phiên hàng trăm nghìn ngôi nhà. Đây là lần đầu tiên họ phải làm như vậy trong 2 thập kỷ. Năm 2021, nắng nóng thiêu đốt vùng tây bắc Thái Bình Dương khiến các thiết bị điện bị cong vênh, gây tình trạng mất điện của hàng chục nghìn người dưới cái nóng 38 độ C.
Vấn đề này không riêng của người Mỹ. Hồi tháng 6 vừa qua, nhiệt độ ở miền nam châu Âu đã tăng lên gần 40 độ. Các vùng Albania, Bosnia, Croatia và Montenegro đã phải trải qua tình trạng mất điện kéo dài hàng giờ do nhu cầu tăng vọt. Tình trạng thiếu điện cũng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên khắp toàn cầu.
Mất điện khi trời nóng không chỉ gây ra khó chịu về mặt cảm giác mà có thể gây chết người theo đúng nghĩa đen. Nhiệt độ cao có thể tác động đến các cơ quan quan trọng của cơ thể, gây kiệt sức vì nóng, say nắng hay thậm chí là tử vong.
“Khi trời lạnh, người ta có nhiều cách để sưởi nhưng khi trời nóng, điện và điều hòa có lẽ là cứu cánh duy nhất”, Brian Stone Jr., giáo sư chuyên về quy hoạch và thiết kế môi trường đô thị tại Viện Công nghệ Georgia, cho biết.
Theo vị giáo sư này, mất điện kết hợp với nắng nóng sẽ là sự kiện “nguy hiểm nhất” liên quan đến khí hậu mà chúng ta có thể tưởng tượng. Các nghiên cứu của ông còn đưa ra một cảnh báo đáng giật mình: “Trong những đợt nắng nóng kéo dài từ 3 đến 4 ngày và mất điện, một nửa người dân thành phố Phoenix, Arizona, Mỹ sẽ phải nhập viện vì các vấn đề liên quan tới nhiệt và hơn 13.000 người sẽ chết”.
Giáo sư Stone nói rằng, khí hậu ở các thành phố là quá khắc nghiệt và người dân sẽ phải vật lộn để thích nghi. Thực tế, việc quá phụ thuộc vào điều hòa không khí khiến khả năng chịu đựng của con người giảm sút và họ sẽ không thể chống chọi khi mất điện kéo dài biến những chiếc máy lạnh trở nên vô dụng. Ngay cả khi kịch bản toàn thành phố mất điện trong thời gian dài rất khó xảy ra nhưng khủng hoảng khí hậu vẫn khiến con người lo lắng.
Để tránh những kịch bản ác mộng, con người phải ngay lập tức giảm tình trạng ô nhiễm, vốn đang nung nóng hành tinh. Đây mới chính là phương pháp thích ứng lâu dài và tốt nhất chống lại cái nóng và thời tiết khắc nghiệt chứ không phải những chiếc điều hòa.
Ngoài ra, việc bê tông hóa các thành phố cũng khiến diện tích cho cây xanh giảm sút. Từ thực tế đó, Giáo sư Stone cho rằng con người cần thiết kế các khu đô thị xanh hơn, mát mẻ hơn để giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Những tòa nhà, những công trình kiên cố cũng cần thích ứng tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt để giảm nhiệt độ một cách thụ động.
Đây cũng là điều mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khuyến cáo. Các chuyên gia hàng đầu về năng lượng của IEA khuyên người dùng nên lựa chọn thiết bị làm mát một cách thông minh và hướng tới môi trường. Để đạt mục tiêu phát thải ròng, việc tăng cường sử dụng máy điều hòa không khí hiệu suất cao cần phải đi cùng với thiết kế tòa nhà và các khu vực lân cận để tạo hiệu ứng làm mát thụ động. Con người cũng cần thay đổi hành vi sử dụng điều hòa với việc đơn giản nhất là đặt nhiệt độ cao hơn một chút, từ 24-25 độ C.
“Khi trái đất nóng lên, việc đảm bảo nhu cầu làm mát được đáp ứng một cách công bằng và bền vững là điều quan trọng hàng đầu”, IEA nhấn mạnh.
Nguồn tin: https://genk.vn/dieu-hoa-khong-con-la-thuoc-tien-dac-tri-nhung-dot-nang-nong-khung-khiep-kich-ban-ac-mong-se-xay-ra-ngay-mot-nhieu-20240710081103471.chn