Nếu từng đến thăm thành phố Barcelona của Tây Ban Nha, chắc chắn, bạn sẽ bị ấn tượng bởi một tượng đài cao hơn 60 mét ở bến cảng Port Vell của thành phố. Tượng đài có chân đế hình bát giác, xung quanh đó là các bức phù điêu mô tả cảnh thiên sứ đang bay lượn.
Dựng trên đó là một chiếc cột đá cao 40 mét, và trên đỉnh chiếc cột đá, người ta đặt một bức tượng bằng đồng cao 7,2 mét, điêu khắc hình ảnh một người đàn ông mặc Âu phục, hai mắt nhìn xa xăm, một tay chỉ về phía bên kia bờ Đại Tây Dương, tay còn lại cầm một cuộn bản đồ.
Đó chính là Christopher Columbus, người được mệnh danh là nhà hàng hải vĩ đại nhất thế giới, người đã tìm ra Châu Mỹ.
Cuộc hải trình vĩ đại nhất lịch sử
Câu chuyện về Christopher Columbus dẫn chúng ta quay ngược trở lại khoảng thời gian của thế kỷ 15. Khi các cường quốc phong kiến ở Châu Âu thi nhau mở rộng hoạt động thương mại xuyên lục địa, họ đã để ý tới những thị trường rộng lớn ở Châu Á.
Bởi Châu Á nằm ở phía đông, người Châu Âu sẽ phải dựa vào các tuyến đường trên bộ, băng qua Trung Đông để tới được Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Mặc dù vậy, tuyến đường này thường xuyên bị kiểm soát bởi các toán cướp, các quốc gia Hồi Giáo hoặc Đế chế Mông Cổ, khiến hoạt động giao thương trở nên đắt đỏ và nguy hiểm.
Bối cảnh này thôi thúc các cường quốc Châu Âu phải tìm kiếm ra một tuyến đường mới để đến Châu Á, tốt nhất là băng qua đại dương không thuộc quyền sở hữu của ai cả. Các thủy thủ Bồ Đào Nha khi đó đã tìm thấy một tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Châu Phi để tới Ấn Độ.
Nhưng con đường này quá dài làm hải trình tốn rất nhiều thời gian. Do đó, vào những năm 1490, một số nhà thám hiểm Châu Âu, bao gồm cả Christopher Columbus, tin rằng bởi Trái Đất hình cầu, họ có thể giong buồm đi về phía tây Địa Trung Hải, rồi cứ thế băng qua Đại Tây Dương là sẽ tới được Châu Á.
Để kiểm chứng điều đó, Columbus đã thuyết phục được hai “nhà tài trợ thiên thần” là nhà vua Ferdinand II và hoàng hậu Isabella I của Tây Ban Nha, cung cấp thuyền, thủy thủ cùng lương thực và vũ khí cho mình thực hiện một chuyến hải trình băng qua Đại Tây Dương.
Vào ngày 3/8/1492, ông chính thức rời cảng Palos để thực hiện chuyến khám phá vĩ đại của mình. Columbus chỉ huy con thuyền Santa Maria, cùng hai thuyền nhỏ khác là Nina và Pinta với tổng cộng thủy thủ đoàn 90 người.
Họ đi tới một hòn đảo thuộc địa ở phía nam Tây Ban Nha, trước khi chính thức băng qua Đại Tây Dương. Chuyến hải trình kéo dài rõng rã 2 tháng trên biển, trước khi một thủy thủ của tàu Nina phát hiện ra đất liền vào ngày 12/10/1492.
Đó là một hòn đảo thuộc Bahamas ngày nay, nhưng ngay khi đặt chân xuống đó, Columbus đã tuyên bố hòn đảo thuộc sở hữu của triều đình Tây Ban Nha. Ông tự đặt tên cho nó là San Salvador, trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “Thánh Cứu Thế”, rồi tiếp tục đi về phía nam để tìm thấy những hòn đảo tiếp theo thuộc Cuba, Haiti và Cộng hòa Dominica ngày nay.
Tin rằng tất cả những miền đất ấy đều thuộc Ấn Độ ở Châu Á, Christopher Columbus đã quay trở lại Tây Ban Nha để báo tin mừng, không mảy may biết mình đã tìm ra một lục địa hoàn toàn mới.
Di sản gây tranh cãi
Tháng 3/1493, đoàn thuyền Columbus trở về Tây Ban Nha, ông được triều đình và nhân dân đón tiếp như người hùng. Vua Ferdinand II ngay lập tức phong cho Columbus làm Phó vương và Toàn quyền các thuộc địa ở “Ấn Độ” mà ông tuyên bố đã khám phá ra được.
Sau đó, ông tiếp tục thực hiện tổng cộng 4 cuộc hải trình tới eo biển Trung Mỹ để thiết lập chế độ thuộc địa ở các vùng đất này, nơi mà Columbus vẫn tin là vùng ngoại vi của Châu Á.
Tại các hòn đảo này, Columbus đã xây dựng các pháo đài, sử dụng vũ lực để bắt thổ dân địa phương phải cống nạp vàng. Theo lệnh của Columbus, mỗi thổ dân trên 14 tuổi phải nộp một lượng vàng tương đương một chiếc chuông nhỏ mỗi tuần.
Điều đó đẩy thổ dân Châu Mỹ đến chỗ căm phẫn nhưng không thể làm gì được. Đến mức cùng quẫn, họ đã đi phá các kho bánh của người Tây Ban Nha, rồi tự tử bằng cách nhịn đói, ăn rễ cây độc hoặc thậm chí nhảy khỏi vách đá.
Một số nhà sử học nhận định về di sản của Christopher Columbus nói rằng ông ấy là một bậc thầy trên biển, nhưng là thảm họa trên đất liền. Thực tế là chế độ cai trị của Columbus không hề đem lại hiệu quả. Lượng vàng mà ông mang về từ các thuộc địa ở Châu Mỹ quá ít ỏi, khiến ngay cả nhà vua Tây Ban Nha cũng không hài lòng.
Dần dần, Columbus bị thất sủng, ông bị tước chức Toàn quyền. Đến năm 1504, người ủng hộ đắc lực nhất cho những chuyến hải trình của ông là Nữ hoàng Isabella qua đời. Columbus đã hy vọng di chúc của Nữ hoàng sẽ ban cho ông quyền sở hữu các quần đảo ở Tây Ấn Độ, nhưng hy vọng này cuối cùng đã tan biến.
Cuộc đời Columbus xuống dốc kể từ đó. Cho tới ngày 20/5/1506, Columbus qua đời một cách thê lương, không có tài sản, không có quyền lực, và không còn vinh dự.
Mặc dù vậy, vinh dự của Columbus đã được phục dựng lại khi những người hậu thế của ông ở Châu Âu tiếp tục khám phá Tân Thế Giới để phát hiện ra đó không phải Ấn Độ. Cả một lục địa mới đã mở ra bước ngoặt lớn cho lịch sử Châu Âu.
Đó là kỷ nguyên xâm chiếm và khai phá thuộc địa ở Châu Mỹ. Nhờ có con đường mà Columbus khai phá, Châu Âu mới giải quyết được mọi vấn đề của mình, từ sự gia tăng dân số, nguồn vàng và tài nguyên vật liệu khan hiếm.
Các thuộc địa Châu Mỹ đã trở thành cái nôi cho nền kinh tế và khoa học, công nghiệp ở Châu Âu phát triển. Columbus vì vậy có thể là biểu tượng cho sự bóc lột người dân bản địa ở Châu Mỹ, nhưng lại là người hùng của cả Châu Âu.
Một bằng chứng cho điều đó là có tới 25 ngôi làng ở Châu Âu nhận Christopher Columbus là “thành hoàng” của mình. Họ đều tuyên bố Christopher Columbus được sinh ra ở đó, và từng là một người con ở đó.
Bí ẩn nguồn gốc xuất thân của Christopher Columbus
Theo các tài liệu chính thống, Christopher Columbus sinh năm 1451 tại thành phố Genoa, một vùng đất thuộc nước Ý ngày nay. Tên khai sinh của ông theo tiếng Ý là Cristoforo Colombo. Cha của Columbus tên là Domenico Colombo, làm nghề dệt len và bán hàng nhỏ. Còn mẹ ông là Susanna Fontanarossa, xuất thân từ một gia đình tiểu thương.
Columbus lớn lên tại Genoa, học nghề hàng hải từ khi còn trẻ và bắt đầu sự nghiệp đi biển. Không những vậy, ông còn làm cướp biển. Năm 1476, Christopher di cư sang Bồ Đào Nha, tham gia trận hải chiến giữa Bồ Đào Nha – Genoa. Sau đó, ông đề nghị vua Bồ Đào Nha tìm một con đường hàng hải chạy về phía Tây thẳng đến phương Đông nhưng không được chấp nhận.
Sự từ chối của vua Bồ Đào Nha đã đẩy Columbus đến Tây Ban Nha vào năm 1485, nơi ông kiên trì thuyết phục vua Ferdinand II và hoàng hậu Isabella I suốt 7 năm trước khi nhận được lời chấp thuận tài trợ của mình.
Bằng chứng về việc Christopher Columbus là người Ý dựa chủ yếu trên một bản di thư của ông viết ngày 22/8/1498, nói rằng ông sẽ để lại điền trang của mình tại Genoa cho gia đình, vì đó “là nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên”, ông viết.
Tuy nhiên, các nghi ngờ đã nảy sinh khi các sử gia không tìm được bất cứ thư từ hoặc giấy tờ nào liên quan đến bút tích của Columbus, trong đó ông sử dụng tiếng Ý. Nói cách khác, Columbus có thể không hề biết tiếng Ý.
Một số người giải thích rằng Columbus sở dĩ không dùng tiếng Ý, do tiếng mẹ đẻ của ông là tiếng địa phương Liguria và thứ tiếng này không có chữ viết. Nhưng số khác cho rằng Columbus không biết tiếng Ý đơn giản vì thực ra ông là người Tây Ban Nha.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao con trai của một người thợ dệt len bình thường ở Ý lại có được kiến thức, hoài bão và các kỹ năng ngoại giao cần thiết để thực hiện được một trong những hành trình táo bạo nhất trong lịch sử nhân loại?
Điều đó có thể được giải thích nếu Columbus thực ra được sinh ra ở Tây Ban Nha, trong một gia đình giàu có. Điều này cho phép ông kết hôn với một quý tộc Bồ Đào Nha và có các trao đổi thư từ liên tục với giới thượng lưu, cuối cùng cho phép ông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của triều đình.
Thậm chí, còn có giả thuyết cho rằng Christopher Columbus là con trai bất hợp pháp của Giáo Hoàng Innocent VIII. Mặc dù có rất ít bằng chứng khoa học để ủng hộ cho giả thuyết này, nhưng ít nhất nó cũng giải thích tại sao Columbus lại cương quyết giữ im lặng về quá khứ của mình.
Theo đó ông thực ra là một hiệp sĩ dòng Đền, thành viên của một đội quân tôn giáo đầy thanh thế và huyền bí được thiết lập vào năm 1118 nhằm bảo vệ người hành hương và mộ chúa Jesus từng được nhắc đến trong tiểu thuyết ăn khách The Da Vinci Code.
Nhưng đó vẫn chưa phải những tưởng tượng bay bổng nhất về thân thế của Christopher Columbus. Một trong những giả thuyết vô căn cứ nhất nói rằng ông ấy thực ra là người Ấn Độ, đã bị gió bão cuốn sang Châu Âu và toàn bộ chuyến hành trình của Columbus chỉ là đang tìm đường về nhà.
Hài cốt và những tiết lộ mới về DNA của ông
Cho đến tận ngày nay, các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi xem Columbus thực ra là người nước nào? Điều đó lẽ ra có thể được xác định từ xét nghiệm DNA. Nhưng khó khăn nằm ở chỗ, ngay cả hài cốt của Columbus cũng là một bí ẩn.
Nhà hàng hải vĩ đại mất ngày 20/5/1506 tại Valladolid, một thành phố phía Bắc Tây Ban Nha. Theo di nguyện, xác ông được lọc bỏ thịt chỉ để lại xương – như một phong tục tập quán thời đó. Và từ đây, một câu chuyện mới bắt đầu.
Bộ hài cốt Christopher Columbus đã có những chuyến phiêu bạt bốn phương không khác gì chủ nhân của nó lúc còn sống. Di chúc của Columbus nói rằng ông muốn được chôn cất tại đảo Hispaniola, ngày nay thuộc Cộng hòa Dominica, một trong những hòn đảo đầu tiên mà ông tìm thấy ở Châu Mỹ.
Tuy nhiên phải 36 năm sau khi mất, hài cốt của ông mới được chuyển đến Hispaniola. Trước đó, con trai của Columbus là Diego đã giữ xương của cha mình ở Seville, một thành phố ở Tây Ban Nha.
Chính Diego cũng là người di táng cha mình tới nhà thờ ở đảo Hispaniola vào năm 1942, khi cuối cùng ông cũng được thừa kế di sản của cha mình và trở thành toàn quyền của hòn đảo. Columbus đã an nghỉ ở đây khoảng gần 300 năm, cho đến khi Tây Ban Nha mất đảo Hispaniola vào tay người Pháp năm 1795, hài cốt Columbus đã được chuyển tới Cuba, vẫn còn là thuộc địa Tây Ban Nha hồi đó.
Sau khi Cuba giành độc lập sau cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ năm 1898, di hài Columbus lại được đưa về Thánh đường Sevilla ở Tây Ban Nha. Tại đây, bộ hài cốt của ông được an táng và đặt trong một ngôi mộ hết sức cầu kỳ.
Mặc dù vậy, vào năm 1877, một tốp thợ khi sửa chữa thánh đường Santo Domingo trên đảo Hispaniola lại tìm thấy một chiếc hộp bằng chì có chứa xương bên trong. Bên ngoài hộp được khắc chữ “Người đàn ông lừng lẫy và xuất chúng, Christopher Columbus”.
Điều này khiến nhiều người cho rằng thực ra bộ xương của Columbus chưa từng rời khỏi đảo Hispaniola.
Mặc dù vậy, trong một chương trình truyền hình mới lên sóng ở Tây Ban Nha có tên “DNA của Columbus: Nguồn gốc thực sự của ông ấy”, các nhà khoa học nước này cho biết họ đã đối chiếu gen được tìm thấy trong hài cốt ở Thánh đường Sevilla ở Tây Ban Nha với gen hài cốt của hai người con trai của Columbus là Diego và Fernando.
Kết quả trùng khớp cho thấy hài cốt ở Sevilla chính là của Christopher Columbus.
Nhưng điều bất ngờ nhất thậm chí còn chưa dừng lại ở đó. Sau khi phân tích mẫu DNA từ hài cốt của bộ ba, họ đã phát hiện ra gia đình Columbus thực ra có nguồn gốc Do Thái.
Vào thế kỷ 15, có khoảng 300.000 người Do Thái sống tại Tây Ban Nha trước khi bị buộc phải cải đạo hoặc lưu vong bởi vua Ferdinand II và nữ hoàng Isabella. Việc trục xuất người Do Thái diễn ra năm 1492, trùng với thời điểm Columbus bắt đầu hành trình khám phá châu Mỹ.
Có một giả thuyết khả dĩ cho rằng Columbus là người Do Thái, được sinh ra ở Tây Ban Nha vào thời điểm xảy ra cuộc đàn áp tôn giáo và thanh trừng sắc tộc dữ dội, khiến ông ấy phải cải đạo sang Công Giáo đồng thời giấu kín lai lịch của mình.
Tất cả những phát hiện mới này tiếp tục đan cài thêm vào câu chuyện vĩ đại của Christopher Columbus, nhà hàng hải lỗi lạc nhất thế giới, người đã tìm ra Châu Mỹ và khiến chúng ta có cảm tưởng như hải trình của ông ấy vẫn còn đang tiếp tục.
Nguồn: Theguardian, CNN, NPR, DW
Nguồn tin: https://genk.vn/he-lo-moi-ve-hai-cot-va-than-the-bi-an-cua-christopher-columbus-nguoi-dau-tien-tim-ra-chau-my-20241019152109746.chn