Một sự kiện chấn động của ngành hàng không đã diễn ra vào ngày 17/2/2024 vừa qua: Một luồng gió “quái vật” đã gầm lên trên bầu trời bang Washington (Mỹ) ở độ cao 10.668 mét so với mặt đất, độ cao bay cho máy bay, với tốc độ 426 km/giờ, Washington Post thông tin.
Văn phòng Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (NWS) của Mỹ phục vụ khu vực Washington-Baltimore cho biết tốc độ gió 426 km/giờ là tốc độ lớn thứ hai đo được kể từ khi hồ sơ đo đạc sức gió bắt đầu vào những năm 1950 của thế kỷ 20.
[Tốc độ gió khủng khiếp nhất được ghi nhận ở độ cao tương đương là 429 km/giờ vào ngày 6/12/2002, chỉ nhỉnh hơn luồng gió năm 2024 một chút].
3 “nạn nhân” bất đắc dĩ của luồng gió quái vật
Luồng gió kỳ quái này đã khiến ít nhất 3 máy bay thương mại lao đi với tốc độ trên 1.287 km/giờ (tương đương 357 mét/giây) – tốc độ này nhanh hơn vận tốc âm thanh trong không khí là 331 mét/giây.
Trong số đó có Chuyến bay Virgin Atlantic số 22, từ Sân bay quốc tế Washington Dulles (Bắc Virginia, Mỹ) đến Sân bay Heathrow (London, Anh), cất cánh lúc 22h45 thứ Bảy 17/2 và phải hạ cánh trước dự kiến 45 phút.
Được tăng cường nhờ cơn gió cực mạnh, máy bay phản lực Virgin Atlantic đã đạt tốc độ tối đa 1.290 km/giờ lúc 23:20 Thứ Bảy, dữ liệu từ công cụ theo dõi trực tuyến Flight Aware cho biết. Máy bay phản lực Virgin Atlantic đạt được vận tốc đó ngay phía trên Đại Tây Dương, ở phía đông Long Island khi nó đang đạt được độ cao gần 11.000 mét và đi vào dòng gió xoáy tốc độ cực cao.
Sau khi thoát khỏi dòng gió xoáy xa hơn về phía bắc, tốc độ của chiếc máy bay chững lại ở mức từ 965 km/giờ đến 1.126 km/giờ, vẫn nhanh hơn một chút so với tốc độ di chuyển thông thường của máy bay thương mại.
Mặc dù tốc độ tối đa của máy bay đạt 1.290 km/giờ, cao hơn tốc độ âm thanh, nhưng máy bay này đã không phá vỡ rào cản âm thanh vì nó di chuyển trong dòng gió xoáy một cách thụ động.
Rào cản âm thanh là sự gia tăng lớn về lực cản khí động học và các tác động không mong muốn khác mà máy bay/vật thể khác gặp phải khi nó đạt đến tốc độ âm thanh.
“Nạn nhân” thứ hai là Chuyến bay 64 của United Airlines từ Sân bay Quốc tế Newark Liberty (Newark, bang New Jersey, Mỹ) đến Sân bay Humberto Delgado (Lisbon, Bồ Đào Nha) khởi hành lúc 20:35 tối thứ Bảy 17/2.
Theo quan sát của Flight Aware, máy bay của United Airlines đã đạt tốc độ kinh hoàng 1.343 km/giờ (tương đương 373 mét/giây) ngay ngoài khơi Bờ Đông nước Mỹ. Chuyến bay 64 này, nhờ đó, đã đến Lisbon sớm 20 phút.
Không chịu thua kém, Chuyến bay 120 của American Airlines từ Philadelphia, Mỹ đến Doha, Qatar đã đạt vận tốc “vô địch” trong 3 nạn nhân, gần 1.351 km/giờ (tương đương 375 mét/giây). Tốc độ này được xếp vào hàng cao nhất trong lịch sử.
Các chuyến bay tốc độ cao này diễn ra chưa đầy một tháng sau khi chuyến bay của China Airlines (Trung Quốc) đạt tốc độ 1.329 km/giờ trên Thái Bình Dương. Máy bay của China Airlines cũng được đẩy đi bởi dòng gió xoáy đạt vận tốc 402 km/giờ. Vào thời điểm đó, người ta cho rằng chuyến bay này có thể đã lập kỷ lục không chính thức về tốc độ bay thương mại, không bao gồm các chuyến bay siêu thanh Concorde.
Thứ gì đứng đằng sau sự hình thành của luồng gió quái vật?
Theo các chuyên gia khí tượng Mỹ, nguyên nhân của sự hình thành dòng gió xoáy cực mạnh gây chú ý vào ngày 17/2/2024 là do sự tương phản giữa nhiệt độ siêu lạnh ở vùng Đông Bắc và không khí ấm hơn ở miền Nam nước Mỹ.
Sự kết hợp của các mức nhiệt độ cực đoan này đã tạo ra hiệu ứng gió ngược giúp giảm thiểu lượng tuyết rơi ở khu vực thủ đô Washington D.C., chuyển hướng hệ thống thời tiết đã ảnh hưởng đến các bang về phía bắc của Mỹ hai lần trong một tuần.
Văn phòng Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (NWS) của Mỹ đã đưa ra cảnh báo những máy bay đi ngược dòng gió xoáy này.
Mặc dù chưa có báo cáo nào về các vấn đề xảy ra với các chuyến bay bay về hướng Tây (bay ngược) trong hiện tượng này, nhưng kiến thức phổ biến trong ngành hàng không là bay ngược dòng gió xoáy tốc độ cực cao có thể dẫn đến thời gian bay dài hơn, tăng mức tiêu thụ nhiên liệu và nhiễu loạn.
Nhà khí tượng học Lisa Green nhấn mạnh điểm này, lưu ý rằng tác động của dòng gió xoáy thường không mang lại lợi ích và có thể gây ra thách thức lớn hơn cho máy bay nếu di chuyển theo hướng ngược lại.
Nhìn chung, sự kiện này nhấn mạnh mối quan hệ năng động giữa điều kiện khí quyển và hàng không, nêu bật các hiện tượng tự nhiên như dòng gió xoáy có thể tác động đáng kể đến hoạt động bay và trải nghiệm du lịch/di chuyển là như thế nào.
Tham khảo: Washingtonpost, Wonderfulengineering
Nguồn tin: https://genk.vn/luong-gio-ma-quai-khien-may-bay-lao-nhanh-hon-toc-do-am-thanh-gioi-khi-tuong-chan-dong-2024022409193339.chn