Hãng bảo hiểm thiết bị điện tử và gia dụng Allstate Protection Plans vừa công bố báo cáo cho biết số người làm hỏng điện thoại tại Mỹ trong năm 2023 và con số thật đáng kinh ngạc: 78 triệu người Mỹ đã làm hỏng điện thoại trong năm vừa qua. Mặc dù vậy, con số này cũng đã giảm đi so với năm 2020.
Cùng với số lượng khổng lồ điện thoại bị hỏng là chi phí sửa chữa màn hình – linh kiện quan trọng nhất trên smartphone – cũng tăng vọt. Allstate cho biết, nếu trong năm 2018 người Mỹ chi khoảng 3,4 tỷ USD cho việc sửa chữa màn hình điện thoại thì con số này đã tăng vọt lên 8,3 tỷ USD trong năm 2022. Kể từ khi smartphone lần đầu xuất hiện tại nước Mỹ cho đến nay, người tiêu dùng Mỹ đã chi khoảng 149 tỷ USD cho việc sửa chữa các thiết bị liên lạc.
Mặc dù vậy, báo cáo mới từ Allstate cho thấy, dường như người dùng smartphone đang cẩn thận hơn với các thiết bị này. Cho dù có đến 78 triệu người Mỹ làm hỏng điện thoại trong năm 2023, con số này vẫn khả quan so với 87 triệu người Mỹ trong năm 2020. Nói một cách chính xác hơn, số người Mỹ làm hỏng điện thoại của họ đã giảm 10,3% từ năm 2020 đến năm 2023 theo Allstate.
Allstate ước tính 31 trong mỗi 100 chủ sở hữu smartphone tại Mỹ đã làm hỏng thiết bị trong năm qua. May mắn thay, chỉ có 8% mất điện thoại vĩnh viễn do hỏng hóc và 5% khác bị mất trộm điện thoại vào năm 2023. Các vấn đề hàng đầu được báo cáo bởi chủ sở hữu điện thoại thông minh năm ngoái bao gồm màn hình bị hỏng (67%), vấn đề về Wi-Fi hoặc kết nối (28%), sự cố với màn hình cảm ứng (24%), cổng sạc bị hỏng (22%), hư hỏng do nước (21%), pin hoạt động không đúng (21%), góc cạnh bị vỡ (20%), sự cố với loa của điện thoại (17%), móp ở góc hoặc cạnh của điện thoại (15%), camera hoạt động không chính xác (14%), và micro bị lỗi (11%).
Báo cáo cũng cho thấy vai trò quan trọng của smartphone trong cuộc sống ngày nay. Vai trò này quan trọng đến mức Allstate tính toán rằng 27% người Mỹ sẽ sửa chữa thiết bị của mình ngay ngày hôm sau sau khi màn hình bị hỏng. 36% chủ sở hữu smartphone cũng nói rằng nếu thiết bị của họ có nút bị hỏng, họ sẽ chờ không quá một ngày để sửa chữa. 30% cho biết điều tương tự về loa hỏng, 29% cho micro hỏng, và 22% cho camera hỏng.
Mặc dù 38% người Mỹ có điện thoại hỏng sẽ thay thế bằng một thiết bị mới, 32% quyết định tiếp tục sử dụng điện thoại dù hỏng hóc. 23% đưa thiết bị hỏng của họ đến cửa hàng sửa chữa trong khi 17% tự mình thử sửa chữa.
Việc sửa chữa điện thoại hỏng cũng khá tốn kém. Khảo sát của Allstate phát hiện ra rằng 49% người Mỹ sẽ không trả tiền để sửa chiếc điện thoại vẫn hoạt động vì chi phí sửa chữa. Chi phí trung bình để sửa chữa smartphone là 302 USD; mặc dù vậy 47% người Mỹ cho biết chi phí sửa chữa trung bình của họ là 150 USD hoặc ít hơn.
Vậy điều gì xảy ra với các smartphone bị hỏng? Allstate cho biết, 40% người dùng sẽ dùng điện thoại hỏng như thiết bị dự phòng và 35% sẽ trao đổi những chiếc điện thoại bị hỏng này để giảm giá của một chiếc điện thoại mới. 27% tái chế những chiếc điện thoại này, 22% tặng chúng cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình, 19% bán điện thoại hỏng của họ, và 14% vứt chúng vào thùng rác. 38% người Mỹ nói rằng họ sẽ quan tâm đến việc mua một chiếc điện thoại tân trang mặc dù 35% trong số những người bày tỏ sự quan tâm như vậy sẽ mua một thiết bị tân trang vì lý do môi trường.
Cuộc khảo sát của Allstate được thực hiện trên 1.500 người sở hữu smartphone tại Mỹ vào tháng 5 năm 2023 và thêm 1.004 người khác vào tháng 12 năm 2023.
Nguồn tin: https://genk.vn/kinh-hoang-so-nguoi-my-bi-hong-dien-thoai-trong-nam-2023-gan-bang-dan-so-viet-nam-20240315194136155.chn