Trung Quốc đã cho cả thế giới thấy toàn bộ sức mạnh của mình trong ngành năng lượng mặt trời khi lắp đặt nhiều tấm pin hơn cả Mỹ hồi năm ngoái. Giá bán buôn giảm gần 1 nửa, trong khi hoạt động xuất khẩu tăng 38%.
Tại phiên họp thường niên trước đó, Thủ tướng Li Qiang (Lý Cường) khẳng định Trung Quốc sẽ đẩy nhanh xây dựng trang trại sử dụng năng lượng mặt trời cũng như các dự án điện gió và thủy điện. Việc tăng cường chi tiêu cho năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời, chính là nền tảng cho quyết định cược lớn vào công nghệ mới nổi. Các nhà lãnh đạo cho biết “bộ ba công nghiệp mới” – tấm pin mặt trời, ô tô điện và pin lithium – đã thay thế “bộ ba cũ” là quần áo, đồ nội thất và thiết bị.
Theo The New York Times, năng lượng mặt trời là phần mới nhất trong chương trình kéo dài 2 thập kỷ nhằm giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra rất nhiều các khoản trợ cấp, bao gồm phần lớn chi phí sản xuất các tấm pin mặt trời và một phần chi phí lắp đặt.
Trong khi đó, tại châu Âu, các quan chức cay đắng nhận ra rằng cách đây chục năm, Trung Quốc đã trợ cấp cho các nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời trong khi chính phủ EU lại ủng hộ việc mua sản phẩm được sản xuất ở bất cứ đâu. Điều đó dẫn đến sự bùng nổ trong hoạt động mua hàng của người tiêu dùng từ Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại cho ngành năng lượng mặt trời châu Âu. Làn sóng phá sản quét qua ngành công nghiệp cũng khiến lục địa này phụ thuộc phần lớn vào các sản phẩm của Trung Quốc.
“Các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời của chúng tôi. Nhiều doanh nghiệp trẻ đã bị đẩy ra ngoài bởi các đối thủ cạnh tranh được trợ cấp mạnh mẽ từ Trung Quốc”, Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cho biết.
Được biết, lợi thế về chi phí của Trung Quốc là rất lớn. Một đơn vị nghiên cứu của Ủy ban châu Âu trong một báo cáo hồi tháng 1 cho biết các công ty Trung Quốc có thể sản xuất tấm pin mặt trời với công suất phát điện từ 16 đến 18,9 cent/watt. Trong khi đó, các công ty châu Âu tốn 24,3-30 cent/watt còn các công ty Mỹ mất khoảng 28 cent.
Ngoài ra, Trung Quốc cấp đất cho các nhà máy sản xuất pin mặt trời với giá thấp hơn thị trường. Phía ngân hàng quốc doanh cũng cho vay rất nhiều với lãi suất thấp dù một số công ty năng lượng mặt trời thua lỗ và phá sản.
Giá điện thấp ở Trung Quốc tạo ra sự khác biệt lớn. Than cung cấp 2/3 lượng điện trên cả nước, song các công ty Trung Quốc vẫn cố gắng giảm chi phí hơn nữa bằng cách lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời ở sa mạc phía Tây – nơi đất công về cơ bản là miễn phí. Sau đó, các công ty sẽ sử dụng điện từ những trang trại này để tạo ra nhiều polysilicon – một trong những nguyên vật liệu tạo ra tấm pin mặt trời.
Khủng hoảng chuỗi cung ứng, nếu xét trên phương diện tích cực, đang mở đường cho công cuộc phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch của giới chức toàn cầu, trong đó có Trung Quốc. Nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang rót hàng tỷ USD vào các nhà máy polysilicon – nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất tấm pin mặt trời. Trong bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng đẩy giá một loạt các mặt hàng, từ khí đốt tự nhiên đến thịt bò trên khắp các siêu thị, polysilicon chỉ là một trong số vô vàn các nguyên liệu thô xuất hiện trong chuỗi khủng hoảng nguồn cung vốn được cho là vấn đề mang tính chất ‘tạm thời’.
‘Tạm thời’ bởi lẽ Trung Quốc vẫn đang sử dụng sức mạnh công nghiệp của mình để giữ vững vị thế thống trị thị trường năng lượng điện mặt trời – lĩnh vực then chốt giúp thế giới chống lại những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
“Việc mở rộng hàng tỷ công suất polysilicon của Trung Quốc sẽ tháo gỡ được một nút thắt quan trọng. Chúng tôi kỳ vọng nguồn cung này sẽ được đẩy mạnh vào những năm tiếp theo với mức giá hợp lý hơn”, Tony Fei, chuyên gia phân tích của BOCI Research, nói.
Hiện tăng trưởng điện mặt trời tại Trung Quốc không hề có dấu hiệu chậm lại, nhất là trong bối cảnh chính phủ nước này đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Động lực chủ yếu đến từ việc Trung Quốc có hầu hết mọi thứ cần thiết để sản xuất polysilicon một cách nhanh nhất và rẻ nhất, từ hầm mỏ, nhà máy đến nhân công.
Như vậy, sức mạnh sản xuất của Trung Quốc là không thể chối cãi. Hàng nhập khẩu giá rẻ từ đại lục thậm chí còn khiến một số doanh nghiệp EU rơi vào khủng hoảng. Thông báo đóng cửa sản xuất đang chồng chất. Ngành thiết bị điện mặt trời châu Âu cảnh báo một nửa công suất sản xuất có thể biến mất trừ khi chính phủ vào cuộc.
Dẫu vậy, Bộ trưởng Kinh tế Đức quan ngại rằng việc hạn chế nhập khẩu pin mặt trời từ Trung Quốc có thể cản trở sự phát triển nhanh chóng của năng lượng xanh châu Âu, từ đó khiến 90% thị trường trở nên đắt đỏ. Các công ty lắp ráp, lắp đặt pin mặt trời nhập khẩu tại EU cũng có nguy cơ phá sản.
“Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã được trợ cấp chiến lược hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm”, Gunter Erfurt, CEO Meyer Burger, nhà sản xuất thiết bị của Thụy Sĩ, nói và cáo buộc một số doanh nghiệp Trung Quốc đang bán hàng với giá thấp hơn cả chi phí sản xuất.
Theo: The New York Times, Reuters
Nguồn tin: https://genk.vn/vu-khi-bi-mat-cua-trung-quoc-khien-the-gioi-khoc-thet-co-the-giam-50-gia-ban-buon-pin-mat-troi-ban-duoc-nhieu-hon-ca-my-khien-chau-au-hoi-han-vi-da-lam-1-viec-20240323112238213.chn