Dự án Aquiline vào những năm 1960
Một trong những nỗ lực công nghệ tham vọng nhất trong Chiến tranh Lạnh là việc chế tạo máy bay không người lái hình chim để hoạt động giống như máy bay do thám mini. Nhóm Dự án Aquiline đã lên kế hoạch trang bị một phi đội gồm 12 “con chim” ELINT (intel điện tử) và các thiết bị cảm biến lấy mẫu không khí để nhắm mục tiêu vào trung tâm thử nghiệm tên lửa và bãi thử hạt nhân.
CIA thậm chí còn lên kế hoạch lắp đặt một hệ thống đẩy bằng đồng vị phóng xạ có thể chuyển đổi nhiệt thải từ các đồng vị phân hủy (như plutonium) thành điện năng, tăng sức chịu đựng và thời gian bay của chim lên 30 ngày hay gần 58.000 km.
Dữ liệu sẽ được truyền tới DC-6 hoặc U-2R và hoạt động cùng với trinh sát có người lái SR-71 Blackbird. Tuy nhiên, đội máy bay không người lái hình chim trên chưa bao giờ được hoàn thiện tại căn cứ bí ẩn thuộc Khu vực 51 ở Nevada. Không rõ tại sao Aquiline lại bị hủy bỏ nhưng một trong những vấn đề có thể là những thiết bị này bay thấp nên rất dễ bị bắn hạ nếu thông tin về chương trình bị rò rỉ.
Chiến dịch mèo nghe lén vào những năm 1960
Khi các đặc vụ CIA muốn nghe lén, họ đã nghĩ đến những con mèo lang thang ra vào khu vực họp. Các kỹ thuật viên đã tạo ra một máy phát dài 1,9cm để gắn vào vùng da ở đáy hộp sọ của con mèo. Một chiếc micro được đặt trong ống tai và một chiếc ăng ten được gắn vào bộ lông dài của con mèo.
Theo The Wizards of Langley, chiếc đuôi được dùng làm ăng ten. Tuy nhiên, bắt mèo nghe lén là một chuyện nhưng khiến chúng làm theo mệnh lệnh lại là chuyện khác. Những chú mèo bỏ việc khi đói và phớt lờ “người xử lý” CIA của nó. Một bản ghi nhớ của CIA đã được biên tập lại có nội dung đã bị xóa bỏ nói rằng: “Các yếu tố môi trường và an ninh khi sử dụng kỹ thuật này trong một tình huống thực tế ở nước ngoài buộc chúng tôi phải kết luận rằng điều đó sẽ không thực tế”.
Máy bay không người lái Insectothopter vào những năm 1970
CIA đã thử nghiệm một loại máy bay không người lái từ rất sớm vào những năm 70. Đó là loại máy bay không người lái “côn trùng” ngụy trang thành một con chuồn chuồn. Một chiếc micro có kích thước bằng hạt nhỏ được giấu trong đầu.
Một người thợ đồng hồ đã giúp chế tạo thiết bị có bộ dao động chất lỏng thu nhỏ cho cánh và một lượng nhỏ khí tạo ra sức đẩy. Nó cũng có tia laser hoạt động để liên kết dữ liệu cho tải trọng cảm biến âm thanh. Thật không may, con chuồn chuồn không hoạt động tốt trong gió, vì vậy CIA đã loại bỏ phương tiện này mặc dù mong muốn phát triển robot mới của họ vẫn không dừng lại.
Robot cá da trơn Charlie vào những năm 1990
Charlie, con cá da trơn robot của CIA, được thiết kế vào những năm 1990 để thử nghiệm khả năng của các phương tiện không người lái dưới nước. Đuôi của Charlie che giấu thân tàu chịu áp lực, hệ thống dằn, thông tin liên lạc và hệ thống đẩy. CIA không cho biết Charlie được sử dụng để thu thập thông tin tình báo hay chỉ lấy mẫu nước, nhưng có vẻ như nơ không ngại bơi ngược dòng.
Diều hâu do thám vào cuối những năm 1960
Chim bồ câu gián điệp đã được sử dụng kể từ Thế chiến I, vì vậy, Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển (ORD) của CIA khởi động một dự án kéo dài 6 tháng ở California nhằm huấn luyện một con diều hâu đuôi đỏ đeo máy ảnh quanh cổ. Kế hoạch là để diều hâu chụp ảnh hệ thống phòng thủ chiến lược, radar tấn công Flat Twin của Liên Xô kết hợp với hệ thống Tallinn.
Tuy nhiên, máy ảnh chỉ có thể chụp một bức ảnh và loài chim này cần được huấn luyện tỉ mỉ để phát hiện mục tiêu. Sau đó, CIA đã phát hiện ra rằng diều hâu đuôi đỏ là loài được bảo vệ nên đã hạn chế việc vận chuyển chúng. Thay vào đó, CIA chuyển sang huấn luyện quạ, nhưng họ sẽ phải vận chuyển con chim bằng thuyền lên vùng Baltic và qua các kênh đào của Đan Mạch và Thụy Điển, nơi Liên Xô theo dõi chặt chẽ việc di chuyển của tàu thuyền. Cuối cùng, CIA đã quyết định từ bỏ dự án.
Chiến dịch ám sát thời Chiến tranh Lạnh
ORD của CIA cũng kế thừa nghiên cứu bao gồm chương trình MKUltra trong đó các nhà khoa học tìm cách kiểm soát hành vi của con người. Theo cuốn The Wizards of Langley của Jeffrey T. Richelson, Bộ phận Dịch vụ Kỹ thuật tối mật đã đặt các điện cực vào não chó và các động vật khác, sau đó sử dụng tín hiệu vô tuyến để hướng dẫn chúng thực hiện các khóa học cụ thể. Richelson viết: “Bộ phận Dịch vụ Kỹ thuật này cũng đặt các điện cực vào não của động vật máu lạnh như rắn” với mục tiêu thực hiện các vụ ám sát.
Bồ câu do thám Tacana vào những năm 1970
Chim bồ câu dẫn đường có khả năng tìm đường về nhà đáng kinh ngạc – ngay cả khi ở cách xa hàng trăm km, vì vậy chúng được sử dụng để mang những thông điệp bí mật trong Thế chiến I và Thế chiến II. Vào những năm 70, CIA đã nâng cao dự án Tacana bằng một vài thủ thuật kỹ thuật.
Chim bồ câu được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ trong Chiến tranh Lạnh tại các địa điểm bí mật ở Liên Xô. Thay vì mang những thông điệp bí mật, chúng mang theo những chiếc camera có thể tự động chụp ảnh các địa điểm quân sự nhạy cảm và những địa điểm bí mật. Việc chim bồ câu đã thực hiện bao nhiêu nhiệm vụ vẫn là tin mật
Những chú quạ chuyển phát nhanh thời kỳ Chiến tranh Lạnh
CIA thậm chí còn huấn luyện một con quạ để thả các thiết bị nghe lén lên bệ cửa sổ cũng như vận chuyển và thu hồi các vật thể nhỏ. Theo báo cáo, mục tiêu đã được đánh dấu bằng chùm tia laser đỏ nhấp nháy và một chiếc đèn được thiết kế đặc biệt sẽ thu hút con chim trở lại.
Cơ quan đã chuyển giao thành công một thiết bị nghe lén ở Châu Âu nhưng không thu được âm thanh nào. Theo cuốn sách “Spycraft: The Secret History of the CIA’s Spytechs” của Robert Wallace, mặc dù những chú quạ của ORD có thể đặt các thiết bị nghe lén trên bệ cửa sổ, nhưng tiếng ồn xung quanh khiến ý tưởng này trở nên không thực tế.
Thả chuột chết thời Chiến tranh Lạnh
Chuột chết được cho là một công cụ ở mức độ ít phức tạp hơn về mặt kỹ thuật nhưng vẫn hữu ích. CIA từng khoét rỗng một con chuột để sử dụng nó như một thiết bị lưu trữ nhằm chuyển tin nhắn cho một điệp viên đang hoạt động tại hiện trường. Về cơ bản nó là một phương tiện liên lạc bí mật.
Nguồn tin: https://genk.vn/cia-su-dung-dong-vat-cho-cac-chien-dich-do-tham-tuyet-mat-nhu-the-nao-20240211140539693.chn