Thế giới vừa có 13 tháng liên tiếp phá vỡ kỷ lục nhiệt độ hàng tháng ghi nhận được. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử khí tượng học, nhiệt độ trung bình trên Trái Đất không chỉ cao hơn, mà còn bỏ xa các mức kỷ lục cũ trong suốt hơn 1 năm.
Nghiên cứu trên tạp chí Nature chỉ ra mùa hè năm 2023 và 2024 là những mùa hè nóng nhất Bắc Bán Cầu trong lịch sử 2.000 năm trở lại đây, nghĩa là kể từ thời đại Hai Bà Trưng.
Nhìn vào biểu đồ dưới đây, có thể thấy Thỏa thuận Paris năm 2015 đã bị phá vỡ. Khi đó, 196 quốc gia đã cam kết hành động để chống lại biến đổi khí hậu, bằng cách giữ cho nhiệt độ Trái Đất không cao hơn quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Gần 1 thập kỷ đã trôi qua, nhiều quốc gia gần như đã không làm gì cả. Và Hoa Kỳ – đất nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới trong 120 năm qua, thậm chí đã rút khỏi Thỏa thuận Paris từ 4 năm nước.
Bạn có thể hỏi: Tất cả những điều này thì liên quan gì đến sự xuất hiện của siêu bão Yagi? Câu trả lời là có, rất liên quan là đằng khác.
Việc nền nhiệt của Trái Đất đã liên tục cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là nguyên nhân trực tiếp biến Yagi – từ một cơn bão cấp 1 (CAT1) với sức gió 119 km/h – trở thành một siêu bão cấp 5 (CAT5), cấp mạnh nhất trên thang bão Saffir-Simpson, với sức gió lên tới 260 km/h.
Điều đáng nói là quá trình tăng liền 4 cấp của Yagi diễn ra ngay trên Biển Đông, trong chưa đầy 30 tiếng đồng hồ. Cả về mặt địa lý lẫn thời gian, đó đều là những kỷ lục chưa từng có tiền lệ trong lịch sử khí tượng.
Thông thường, những cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào miền bắc Việt Nam sẽ bắt đầu hình thành trên vùng biển Tây Thái Bình Dương. Sau khi đi qua Philippines, bão sẽ giảm cấp và tiếp tục giảm cấp một lần nữa khi quét qua đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Nhưng bão Yagi thì khác, nó đã có tới 2 lần tăng cấp trở lại, trên Biển Đông, sau khi đã đi qua Philippines và ngay trên Vịnh Bắc Bộ, khi đã vượt qua đảo Hải Nam, Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân, quyết định một cơn bão tăng cấp như vậy, chính là độ ấm của nước biển.
Các nhà khoa học cho biết nước biển ấm là điều kiện tiên quyết để hình thành bão và giúp bão tăng cấp, bởi nó cung cấp hơi nước và năng lượng cho đĩa mây bồi tụ. Nước biển ấm vì vậy được ví như “thức ăn” của một cơn bão.
Sẽ không có một cơn bão nhiệt đới nào có thể xuất hiện trên vùng biển có nhiệt nhiệt độ nước thấp hơn 26,5 độ C. Và để bão trở thành siêu bão, nước biển phải ấm hơn 29 độ. Bỏ xa con số đó, nhiệt độ nước đo được ở Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ trong tháng qua đã có thời điểm vượt ngưỡng 32 độ C, như một hệ quả từ sự nóng lên của toàn bộ Trái Đất.
Một nghiên cứu trên tạp chí Science cho biết, với 2,2 độ C tăng lên, sức gió trung bình của bão trên Trái Đất sẽ tăng thêm 16 km/h. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Journal of Wind Engineering and Industrial Aerodynamics dự báo cơ hội để các cơn bão ở Tây Thái Bình Dương tăng cấp thành siêu bão là 31%. Nghĩa là cứ 3 cơn bão thì sẽ có 1 siêu bão.
Trong kịch bản nếu nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C liên tục trong 13 tháng qua, bão Yagi sẽ chỉ đạt cường độ tối đa CAT3 hoặc CAT4. Yagi sẽ đổ bộ Việt Nam khi nó suy yếu xuống CAT2, và mức độ thiệt hại khi đó có thể giảm từ 30-50% so với hiện tại.
Nhưng đó là “nếu“, còn những gì thực sự xảy ra thì đã xảy ra. Trái Đất vừa có chuỗi nhiệt độ kỷ lục trong suốt 13 tháng. Và nó không chỉ khiến Việt Nam, mà tất cả các quốc gia khác từ Bắc Mỹ cho tới Châu Âu, từ Trung Đông cho tới Châu Úc đều phải chứng kiến những thảm họa thiên tai hết sức khốc liệt.
Bão Yagi, hóa ra, chỉ là “giọt nước tràn ly” của chuỗi nhiệt độ kỷ lục đó, một phần cuối trong “trailer” Trái Đất 1,5 độ C, nhưng là phần mở đầu cho những gì có thể xảy ra trong thời gian sắp tới.
“Tại sao chúng ta phải bận tâm đến con số 1,5 độ C? Bởi vì hành tinh của chúng ta là một khối các hệ thống phức tạp được kết nối. Mỗi phần nhỏ của một độ nóng lên toàn cầu đều gây ra những tác động dây chuyền. Sự khác biệt giữa 1,5 và 2 độ có thể là sự khác biệt giữa sự tuyệt chủng và sự sống còn”.
Đó là tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, được trích ra từ bài phát biểu của ông tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, nhân Ngày Môi trường Thế giới năm nay. Vào thời điểm nó được phát sóng trực tiếp trên toàn thế giới, Trái Đất đang ở trong tháng thứ 13 liên tiếp phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ.
Chuỗi nhiệt trên thực tế đã bắt đầu từ tháng 6 năm 2023, ghi dấu ấn của nó trên bề mặt hành tinh bằng một trận cháy rừng lịch sử ở Bắc Mỹ:
Hơn 15 triệu hecta, tương đương 4% diện tích rừng đã bị thiêu rụi trong “Mùa hè Đen” của Canada vào năm ngoái. Đám cháy đã thải ra gần 3 triệu tấn CO2 vào khí quyển, một lượng khí thải cao gấp 4 lần so với tổng lượng CO2 thải ra từ tất cả máy bay trên thế giới, hoặc tương đương với gần 650 triệu chiếc ô tô, trong vòng một năm.
Khói bụi dày đặc từ đám cháy rừng ở Canada đã thổi đến tận Hoa Kỳ. Bụi mịn của nó thậm chí được vận chuyển qua Đại Tây Dương để lắng đọng xuống Châu Âu. Cháy rừng đã khiến 8 lính cứu hỏa ở Canada thiệt mạng và hơn 250.000 người buộc phải sơ tán khỏi chỗ ở.
Cùng khoảng thời gian đó, một đợt hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới miền Nam Ấn Độ vào tháng 7/2023 đã khiến quốc gia này ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Sản lượng lúa sụt giảm kéo theo những lo ngại về El Nino đã khiến Ấn Độ, đất nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, phải tự bảo vệ an ninh lương thực của chính mình.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã khiến giá gạo tăng hơn 20%, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia nhập khẩu gạo chính từ Ấn Độ như Madagascar, Kenya và Senegal.
Tháng 8/2023, một làn sóng nhiệt quét qua Châu Âu đã khiến gần 48.000 người tử vong, với nhiệt độ cao nhất ghi nhận được tại Đảo Síp ngày 2/8 là 46 độ C, Tây Ban Nha ngày 10/8 là 46,8 độ C và Pháp ngày 23/8 là 42,4 độ C.
Trong đợt nắng nóng này, thành phố Lyon ở Pháp đã chứng kiến 17 ngày liên tiếp có nhiệt độ trên 30°C (9–25 tháng 8), đạt đỉnh điểm là 41,4 độ C vào ngày 24 tháng 8. Tại Tây Ban Nha, thành phố Bilbao ở bờ biển phía bắc đã lập kỷ lục mới với nhiệt độ 44,0 độ C vào ngày 23 tháng 8.
Ước tính 543 triệu người ở 35 quốc gia Châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi nắng nóng trong mùa hè năm ngoái.
Tháng 9/2023 chứng kiến một thảm họa nhân đạo xảy ra tại đất nước Bắc Phi Libya, sau khi cơn bão Daniel hình thành từ biển Địa Trung Hải đổ bộ vào quốc gia này. Bão gây ra lũ lụt khiến 2 con đập bị vỡ làm hơn 20.000 người chết và 11.000 người mất tích.
Điều đáng nói là các nhà khoa học đã cảnh báo biến đổi khí hậu có thể làm tần suất xuất hiện các cơn bão như Daniel ở Lybia tăng cao gấp 50 lần. Tỷ lệ bão đổ bộ các quốc gia khác ở Địa Trung Hải như Hy Lạp, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng gấp 10 lần dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Ba tháng cuối năm 2023 là khoảng thời gian mưa lớn xảy ra ở Bắc Mỹ và Châu Âu. New York đã phải hứng chịu những trận mưa như trút nước vào đầu tháng 10/2023. Trong khi đó, mưa lũ tại Anh đã khiến Andy Page, một nhà khí tượng học của Cơ quan dự báo thời tiết Anh (MET) phải thốt lên “Đây không phải thời tiết của mùa thu bình thường”.
Bất chấp những cơn mưa giải nhiệt, nhiệt độ toàn cầu trong 3 tháng cuối năm 2023 vẫn đạt đỉnh kỷ lục so với cùng kỳ, cao hơn 1,52 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đã có hơn 145 sự kiện thiên tai được báo cáo, ảnh hưởng tới hơn 47 triệu người, trong đó có 54.000 người tử vong và gây ra thiệt hại kinh tế trên 45 tỷ USD vào năm 2023. Và đó mới chỉ là con số tính riêng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Sang đến năm 2024, mức nhiệt kỷ lục của Trái Đất tiếp tục được giữ vững trong năm 2024, khi các quốc gia ở Nam Bán Cầu như Australia bước vào mùa hè khốc liệt. Cơ quan Khí tượng Australia ghi nhận mùa hè năm 2024 là mùa hè nóng thứ ba trong lịch sử nước này.
Tại một số tiểu bang như Tây Úc, nó là mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Ví dụ như thị trấn khai thác mỏ Pilbara của Paraburdoo, cách thủ phủ bang Perth khoảng 1.500 km về phía Bắc đã phải hứng chịu mức nhiệt tối đa lên tới 47℃ vào ngày 20/1, cao hơn 6℃ so với mức tối đa trung bình cùng kỳ hàng năm.
Trong khi đó, Brazil, một đất nước cũng nằm ở Nam Bán Cầu đã phải đối mặt với nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 3. Hệ thống thời tiết Alerta Rio tại Brazil cho biết nhiệt độ tối đa thực tế tại Rio de Janeiro vào ngày 18/3 lên tới 42 độ C.
Kết hợp với độ ẩm không khí, nó đã tạo ra kỷ lục nhiệt độ cảm nhận 62,3 độ C ở phía tây Rio vào lúc 9 giờ 55 giờ địa phương và là mức nhiệt độ cao nhất kể từ khi Alerta Rio bắt đầu thu thập dữ liệu khí tượng.
Tháng 4/2024, nắng nóng và độ ẩm ở Brazil được chuyển đổi thành những cơn mưa thảm họa. Rio Grande do Sul, tiểu bang phía bắc nước này, đã phải chứng kiến trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử với lượng mưa trung bình lên tới 700 mm.
Chỉ trong 2 tháng, tiểu bang này đã phải hứng chịu lượng mưa bằng một nửa lượng mưa trung bình hàng năm, ảnh hưởng tới hơn nửa triệu người ở 425 thành phố. Trong đó có hơn 100 người thiệt mạng, hơn 130 người mất tích và gần 400 người bị thương.
Cùng khoảng thời gian đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã trải qua những trận mưa lớn, gây ra lũ lụt quét qua các các xa lộ trên sa mạc. Mưa lũ đã làm gián đoạn hoạt động ở Sân bay Quốc tế Dubai – một trong những cảng trung chuyển hàng không lớn nhất thế giới — khiến nhiều tuyến bay trên hành tinh bị gián đoạn. Đây là kỷ lục lượng mưa cao nhất mà UAE từng ghi nhận trong 75 năm.
Mưa lũ “trả thù” cũng đã xảy đến ở Kenya vào đầu tháng 5, khiến 225 người chết, 160 người bị thường và hơn 212.000 người phải di dời nhà cửa. Sự kiện này xảy ra sau khi Kenya trải qua 4 mùa hạn hán liên tiếp, một trong những đợt hạn hán dài nhất trong lịch sử. Các nhà khoa học nước này cho biết các mô hình khí hậu tại Kenya đang bị phá vỡ, dẫn đến những trận mưa lớn cực độ xen kẽ với những đợt khô hạn kéo dài.
Thực tế đó cũng đã xảy ra ở Ấn Độ, khi mùa hè khô hạn quay trở lại, đất nước tỷ dân ở Nam Á vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm của mình sau 13 tháng liên tiếp ngưng xuất khẩu gạo. Nhiệt độ vào ban ngày ở Ấn Độ vào tháng 6/2024 đã đạt tới kỷ lục 50 độ C, trong khi đó, nhiệt độ ban đêm 37 độ C cũng là mức chưa từng được ghi nhận.
Trên khắp Châu Á, nắng nóng đã ảnh hưởng tới 619 triệu người ở Ấn Độ, 579 triệu người ở Trung Quốc và 231 triệu người ở Indonesia.
Theo dữ liệu của Chương trình Theo dõi Trái Đất Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU), tháng 6/2024 chính là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, với nền nhiệt toàn cầu cao hơn 1,64 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp.
Mức nhiệt này đã lặp lại những thảm họa thời tiết xảy ra trên toàn cầu trong mùa hè năm 2023. Cháy rừng vẫn tiếp diễn ở Canada, sóng nhiệt quay trở lại Bắc Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục ngừng xuất khẩu gạo.
Các nhà khoa học cho biết làn sóng nhiệt trong năm 2023-2024 là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động mạnh của chu kỳ Mặt Trời, sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển và đáng kể nhất là hiện tượng El Nino.
El Nino là hiện tượng yếu đi của gió mậu dịch trên Thái Bình Dương. Nó khiến cột nước biển ấm nhận được nhiều nhiệt từ Mặt Trời tràn từ Đông Nam Á về phía Nam Mỹ. Điều kiện này ngăn không cho nước lạnh từ đáy biển sâu trồi lên, khiến nền nhiệt trên khắp Thái Bình Dương và Trái Đất gia tăng.
Cho tới tận ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân của El Nino là gì. Họ chỉ quan sát thấy hiện tượng này sẽ xuất hiện ngẫu nhiên sau 3-7 năm và trong khoảng thời gian đó, Trái Đất sẽ rơi vào chu kỳ tích nhiệt.
El Nino sau đó cũng sẽ biến mất, bí ẩn như cách mà nó xuất hiện. Không một mô hình thời tiết nào hiện tại có thể dự đoán sự biến mất hay xuất hiện của El Nino. Nhưng một khi nó qua đi, các nhà khoa học biết rằng nước trên bề mặt Thái Bình Dương sẽ được sắp xếp trở lại. Và Trái Đất sẽ hạ nhiệt.
Trong tháng 7 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết hiện tượng El Nino trên Thái Bình Dương đã suy yếu. Gió mậu dịch đã thổi mạnh trở lại, tạo ra một điều kiện thời tiết trung tính được gọi là ENSO trên bề mặt Thái Bình Dương.
ENSO đã san phẳng đường thủy phân nhiệt bên dưới đại dương, tạo điều kiện cho cột nước lạnh dưới đáy biển đông Thái Bình Dương trồi lên, giúp Trái Đất hạ nhiệt. Kết quả là vào tháng 7 vừa rồi, chuỗi nhiệt độ kỷ lục của Trái Đất đã chấm dứt.
Nhiệt độ không khí và nước trên bề mặt hành tinh đã hạ xuống 0,04 độ C so với cùng kỳ năm ngoái. Nghĩa là Trái Đất đã tạm thời “hạ sốt” sau 13 tháng nóng đỉnh điểm kéo dài liên tục.
Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu vào tháng 7/2024 chỉ còn cao hơn 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nó đưa chúng ta quay trở lại dưới điểm tới hạn 1,5 độ C. Và nền nhiệt này được dự báo là sẽ còn giảm trong những tháng tới, khi La Nina xuất hiện.
La Nina là hiện tượng đối nghịch với El Nino. Nó xảy ra khi qua giai đoạn trung tính ENSO, gió mậu dịch thổi mạnh khiến cột nước lạnh phía Đông Thái Bình Dương trồi lên mạnh mẽ hơn nữa.
Trong những năm La Nina, các nhà khoa học quan sát thấy nhiệt độ toàn cầu sẽ hạ xuống, do đường thủy phân tầng nhiệt bên dưới Thái Bình Dương được điều chỉnh lại. Và theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), có tới 60% khả năng La Nina sẽ xuất hiện trong năm nay.
Trong khi La Nina có thể là một tin tốt, khi nó giúp cho Trái Đất hạ nhiệt, các rạn san hô dưới đáy đại dương phát triển trở lại và hệ sinh thái biển được củng cố. Không phải tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ sự kiện khí hậu này.
Chẳng hạn, khi La Nina xuất hiện, nước lạnh trồi lên ở phía Đông Thái Bình Dương có thể khiến độ ẩm không khí giảm, làm giảm lượng mưa và khiến các quốc gia Nam Mỹ đối mặt với hạn hán kéo dài.
Ngược lại, sự đứt gió ở vùng nhiệt đới do La Nina gây ra làm tăng khả năng hình thành các cơn bão trên Đại Tây Dương. Vào những năm La Nina xuất hiện, mùa bão Đại Tây Dương cũng sẽ hoạt động mạnh, ảnh hưởng tới phía Tây Hoa Kỳ, vùng biển Caribe và Vịnh Mexico.
Theo dự báo, La Nina năm 2024 nếu xuất hiện sẽ gây ra hơn 25 cơn bão mạnh đến mức phải đặt tên trên Đại Tây Dương.
Song song với quá trình đó, một mùa bão cũng sẽ xảy đến ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Quá trình đứt gãy gió nhiệt đới cộng hưởng với nước biển vẫn còn ấm, tích tụ nhiều hơi ẩm sẽ tạo ra các cơn bão mạnh.
Thực tế, trong những năm La Nina xảy ra, các quốc gia ở khu vực Australia và Đông Nam Á như Phillipines, Indonesia và Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều siêu bão cấp cuồng phong nhiệt đới.
Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam dự báo La Nina xuất hiện từ giờ tới cuối năm có thể gây ra nguy cơ mưa và bão lũ dồn dập. Cụ thể, từ nay đến cuối năm, Biển Đông có khả năng phải đón tiếp từ 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khoảng 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn cuồng phong hoặc bão mạnh.
Lịch sử của giai đoạn La Nina gần nhất có thể sẽ lặp lại, chẳng hạn như mùa bão năm 2020, Việt Nam đã phải đối mặt với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây ra 120 trận lũ quét, sạt lở đất và 265 trận giông lốc, sét làm 357 người tử vong.
Vì vậy, siêu bão Yagi vừa đổ bộ vào miền bắc Việt Nam có lẽ mới chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ La Nina mới đầy khốc liệt.
Có một sự thật gắn liền với khí hậu, đó là tính chu kỳ của nó. Từ các mùa trong một năm cho đến các chu kỳ Milankovitch gắn liền với độ lệch tâm và tuế sai quỹ đạo Trái Đất- thứ tạo ra những kỷ băng hà lặp đi lặp lại sau mỗi 100.000 năm – nhiệt độ trên hành tinh của chúng ta không phải một con số bất biến.
Các chu kỳ ENSO, El Nino và La Nina cũng vậy. Trong suốt hàng ngàn năm, El Nino đã tới rồi lại đi sau mỗi 3-7 năm. La Nina sẽ lặp lại những chu kỳ, thế vào chỗ trống nơi mà El Nino để lại. Nhiệt độ trên bề mặt Thái Bình Dương cứ tăng rồi lại giảm sau mỗi một vài năm, kéo theo sự biến thiên của nhiệt độ trung bình trên toàn Trái Đất.
Vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi kết thúc giai đoạn El Nino 2023-2024, Trái Đất cuối cùng cũng hạ nhiệt. Ngay lúc này, chúng ta đang sống trên một Trái Đất 1,48 độ C, và con số được dự báo sẽ còn hạ xuống ngưỡng 1,4 độ C khi La Nina hoạt động mạnh trong những tháng tới.
Thoạt nghe, nó như thể một chiến thắng của loài người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Thỏa thuận Paris, giữ nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vẫn đang được giữ vững. Nhưng liệu đó có phải là sự thật?
“Sự thật là…gần 10 năm kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết, mục tiêu giới hạn tình trạng nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C hiện đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định trong bài phát biểu “Một khoảnh khắc của sự thật” vào ngày Môi trường Thế giới năm nay.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Trái Đất đã trải qua 13 tháng nóng trên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là nền nhiệt kỷ lục trong năm dài nhất mà chúng ta từng ghi nhận kể từ khi theo dõi khí tượng.
Quay trở lại năm 2015, khả năng Trái Đất nóng vượt quá 1,5 độ C ngay cả với sự xuất hiện của El Nino là gần như bằng 0, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói. Vậy điều gì đã đưa chúng ta đến với ranh giới?
Đó không phải El Nino, chu kỳ Mặt Trời hay bất cứ sự vận động nào của hành tinh, đó chủ yếu là do hoạt động của chính loài người, những sinh vật nhỏ bé vô cùng trên hành tinh và trong vũ trụ.
Lý do khiến Trái Đất ngày nay đã nóng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nằm trong chính mệnh đề của nó: Quá trình công nghiệp hóa.
Kể từ khi loài người phát minh ra các loại máy móc sử dụng động cơ đốt ngoài và đốt trong, chúng ta đã khai thác các loại nhiên liệu như than đá và dầu mỏ để tận dụng năng lượng nhiệt từ phản ứng cháy của chúng.
Như một hệ quả, quá trình đốt nhiên liệu để sinh công đã tạo ra các loại khí như CO2 và metan, chúng hấp thụ năng lượng Mặt Trời khi ở trong khí quyển, sau đó phản xạ lại lượng nhiệt này xuống bề mặt đất khiến Trái Đất nóng lên theo một hiệu ứng được gọi là nhà kính.
Trước thời kỳ công nghiệp hóa, nồng độ CO2 trong khí quyển tự nhiên chỉ dừng lại ở ngưỡng 280 ppm (280 phần triệu). Nghĩa là, trong một triệu phân tử không khí thì mới có khoảng 280 phân tử CO2. Con số hiện tại là 429 ppm.
Càng ngày, loài người càng có nhiều máy móc và càng thải ra càng nhiều khí nhà kính. Nếu như vào những năm 1950, mỗi năm tổng lượng khí phát thải chỉ tương đương với 6 tỷ tấn CO2 thì con số đến năm 1990 đã là 22 tỷ tấn. Hiện tại, lượng phát thải đã tăng lên 0 tỷ tấn.
Kể từ năm 1751, tổng lượng CO2 tích lũy trong khí quyển đã vượt ngưỡng 1,6 nghìn tỷ tấn. Và đó mới là lượng CO2 phát thải tính cho hoạt động công nghiệp và đốt nhiên liệu hóa thạch, chưa tính đến carbon sinh ra từ hoạt động nông nghiệp của loài người.
“Dữ liệu mới nhất từ các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu công bố ngày hôm nay cho thấy giới hạn phát thải carbon còn lại để hạn chế tình trạng nóng lên lâu dài ở mức 1,5 độ C là khoảng 200 tỷ tấn. Đó là lượng CO2 tối đa mà bầu khí quyền của Trái Đất có thể hấp thụ nếu chúng ta muốn có cơ hội duy trì giới hạn nhiệt độ này“, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết.
“Sự thật là… chúng ta đang đốt ngân sách carbon với tốc độ chóng mặt – mỗi năm thải ra 40 tỷ tấn. Mọi người đều có thể làm một phép tính. Với tốc độ này, toàn bộ ngân sách carbon sẽ cạn kiệt trước năm 2030”.
“Sự thật là… chúng ta đang thải ra nhiều khí nhà kính đến mức vào năm 2030, nhiệt độ chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa”.
“Sự thật là… chúng ta đã phải đối mặt với giới hạn chọc thủng qua ngưỡng 1,5 độ C. Tổ chức Khí tượng Thế giới hôm nay báo cáo rằng có 80% khả năng nhiệt độ trung bình hàng năm toàn cầu sẽ vượt quá giới hạn 1,5 độ C trong 5 năm tới. Và có 50-50 khả năng nhiệt độ trung bình trong toàn bộ giai đoạn 5 năm tiếp theo sẽ cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp”.
Bởi vậy, thực sự là có quan trọng không khi nói chúng ta đang sống trên một Trái Đất 1,4 hay 1,5 độ C vào lúc này? Các tiêu đề nói rằng Trái Đất đã hạ nhiệt có thể gây hiểu nhầm rằng chúng ta đã hành động đủ mạnh mẽ để kiểm soát biến đổi khí hậu. Sự thật là chúng ta đã không.
Mọi thứ sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn vì chúng ta chưa ngừng làm những việc khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhiệt độ Trái Đất sẽ giảm, nhưng đó là vì La Nina đã mua thêm cho chúng ta một chút thời gian, có thể là 5-6 năm, trước khi ranh giới 1,5 độ C tiếp tục bị phá vỡ trở lại một lần nữa.
“Chúng ta đang chơi trò roulette Nga với chính hành tinh của mình. Chúng ta cần một lối thoát ra khỏi xa lộ dẫn tới địa ngục khí hậu”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết.
Câu trả lời là: “Có, chúng ta có thể”. “Sự thật là… quyền làm chủ tay lái vẫn đang nằm trong tay chúng ta”, ông Guterres nói.
“Giới hạn 1,5 độ vẫn gần như có thể đạt được. Hãy nhớ rằng – đó là một giới hạn dài hạn – được đo lường theo thập kỷ chứ không phải theo tháng hoặc năm. Vì vậy, việc vượt qua ngưỡng 1,5 độ trong một thời gian ngắn không có nghĩa là mục tiêu dài hạn của chúng ta đã thất bại.
Nhưng nó có nghĩa là chúng ta cần phải chiến đấu mạnh mẽ hơn. Ngay từ lúc này”.
Trong diễn văn của mình, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra 5 nhóm giải pháp cần thực hiện ngay để khống chế nhiệt độ Trái Đất dưới ngưỡng 1,5 độ C:
Trong suốt năm thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Hoa Kỳ, Anh và Đức thống trị các vị trí đầu bảng xếp hạng. Sau năm 1950, với sự gia tăng của giao thông thương mại, ngành vận tải biển đã trở thành một trong những tác nhân chính gây ra khí thải carbon. Trong cùng thời kỳ, sự mở rộng của Liên Xô đã giúp Nga vượt qua Đức để trở thành nước phát thải carbon lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng vươn lên chiếm vị trí thứ tư.
Thứ nhất, ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của việc cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu, đặc biệt từ các quốc gia thuộc nhóm G20, vì “các nước G20 sản xuất tới 80% lượng phát thải toàn cầu – họ có trách nhiệm và năng lực để đi đầu”.
“Các nền kinh tế tiên tiến của G20 phải tiến xa nhất và nhanh nhất trong vấn đề cắt giảm khí thải”, ông Guterres nói. Đồng thời, họ cũng có trách nhiệm hỗ trợ công nghệ và tài chính cho các quốc gia đang phát triển để cùng thực hiện cam kết về khí hậu.
Thứ hai, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đầm lầy và đại dương, vì chúng “hấp thụ carbon từ khí quyển” và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ Trái Đất ở mức an toàn. “Chúng ta phải bảo vệ chúng”, ông Guterres nhấn mạnh, để có thể giữ được mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C hoặc thậm chí kéo nhiệt độ trở lại nếu vượt quá ngưỡng này.
Thứ ba, ông Guterres kêu gọi thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, với nhận định “logic kinh tế khiến cho việc chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch là điều tất yếu không thể tránh khỏi”. Hiện tại, có khoảng 30% tổng nguồn cung cấp điện của toàn thế giới đã đến từ năng lượng tái tạo. Nhưng việc đầu tư chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cần được thực hiện mạnh mẽ hơn ở các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
Một lần nữa, để thực hiện được điều này thì họ cần có sự chung tay giúp đỡ từ các nền kinh tế đã phát triển, cả từ các nguồn tài chính công và tư nhân. Và điều này dẫn đến nhóm giải pháp thứ tư, đó là tài chính.
“Hệ thống tài chính toàn cầu phải là một phần của giải pháp khí hậu”, ông Guterres nói. “Bởi mọi sự thay đổi đều phải phụ thuộc vào tiền bạc”. Chi phi phí vốn quá cao đang khiến năng lượng tái tạo gần như nằm ngoài tầm với của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Bất chấp sự bùng nổ của năng lượng tái tạo trong những năm gần đây – các khoản đầu tư vào năng lượng sạch ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi– một khu vực chiếm gần 2/3 dân số thế giới – vẫn giữ nguyên ở mức cũ kể từ năm 2015.
“Ở Châu Phi, chỉ có dưới 1% các cơ sở năng lượng tái tạo được lắp đặt vào năm ngoái, mặc dù lục địa này rất giàu tài nguyên thiên nhiên và có tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng tái tạo”, ông Guterres nói. “Nếu tiền bạc là thứ giúp thế giới vận hành thì dòng tiền phân bổ không đồng đều ngày nay đang đẩy chúng ta tới bờ vực thảm họa”.
Ông kêu gọi các nước phát triển phải thực hiện cam kết nguồn tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu lên ít nhất 40 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, họ cần có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi tham gia vào quá trình chuyển đổi.
Cuối cùng, ông Guterres lên án mạnh mẽ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang cố gắng dùng mọi thủ đoạn để bảo vệ lợi nhuận của mình, cản trở sự tiến bộ của thế giới, nhất là các ý tưởng chuyển đổi năng lượng tái tạo.
“Hàng tỷ USD đã được chi ra để bóp méo sự thật, lừa dối công chúng và gieo rắc sự nghi ngờ”, ông nói. “Nhiều người trong ngành nhiên liệu hóa thạch đã tìm cách trì hoãn những hành động vì biến đổi khí hậu, vô liêm xỉ tự tẩy xanh mình thông qua các hoạt động vận động hành lang, đe dọa pháp lý và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ”.
Điều này bất chấp một thực tế, chính các công ty nhiên liệu hóa thạch, với lợi nhuận khổng lồ của mình, có thể trở thành những đầu tàu dẫn dắt nhân loại trên quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
“Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo trong ngành nhiên liệu hóa thạch hiểu rằng nếu các ngài không nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng sạch, chính các ngài đang đưa doanh nghiệp của mình vào ngõ cụt – kéo theo toàn thể nhân loại”, ông Guterres nói.
Các giải pháp mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra sẽ được đưa ra thảo luận kỹ càng hơn tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29), diễn ra vào tháng 11 tới tại Azerbaijan.
Một số giải pháp sẽ cần thời gian để thực hiện, nhưng ông Guterres hi vọng từ giờ cho tới COP30 vào tháng 11 năm sau tại Brazil, toàn bộ thế giới sẽ đạt được những tiến bộ lớn trong cam kết hành động vì biến đổi khí hậu.
“Sự thật là… cuộc chiến cho mục tiêu 1,5 độ C trong thập kỷ này thắng hay là thua sẽ phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo ngày nay. Tất cả sẽ phụ thuộc vào những quyết định mà các nhà lãnh đạo đưa ra – hoặc không đưa ra – đặc biệt là trong mười tám tháng tới”, ông Guterres nói, điểm lại những thảm họa khí hậu mà cả thế giới đã phải gánh chịu trong 13 tháng vừa qua:
– Nắng nóng khắc nghiệt đã thiêu đốt Châu Á với nhiệt độ kỷ lục – mùa màng thất bát, trường học phải đóng cửa và nhiều người tử vong.
– Các thành phố từ New Delhi, Bamako đến Mexico City đều nóng như thiêu đốt.
– Những cơn bão dữ dội đã phá hủy cộng đồng và cuộc sống tại Mỹ.
– Thảm họa hạn hán xảy ra trên khắp miền Nam Châu Phi.
– Mưa lớn gây ra lũ lụt ở Bán đảo Ả Rập, Đông Phi và Brazil.
– Tình trạng san hô toàn cầu bị tẩy trắng hàng loạt do nhiệt độ đại dương tăng cao chưa từng thấy, vượt xa những dự đoán tồi tệ nhất của các nhà khoa học.
“Các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta rằng nhiệt độ tăng cao có thể có nghĩa là: Sự sụp đổ của dải băng Greenland và dải băng Tây Nam Cực cùng với mực nước biển dâng cao thảm khốc; Sự phá hủy các hệ thống rạn san hô nhiệt đới và sinh kế của 300 triệu người; Sự sụp đổ của dòng hải lưu Labrador sẽ làm gián đoạn thêm các kiểu thời tiết ở châu Âu; Và hiện tượng tan chảy diện rộng của lớp đất đóng băng vĩnh cửu sẽ giải phóng lượng khí mê-tan khủng khiếp, một trong những loại khí giữ nhiệt mạnh nhất“, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
“Đã đến lúc phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu. Nhu cầu hành động là chưa từng có nhưng cơ hội cũng vậy. Chúng ta cần hành động, không chỉ để giải quyết vấn đề khí hậu mà còn hướng tới sự thịnh vượng kinh tế và phát triển bền vững”.
Nguồn tin: https://genk.vn/tu-mua-he-den-o-canada-den-sieu-bao-yagi-chung-ta-moi-chi-dang-dung-thu-mot-trai-dat-15-do-c-so-voi-thoi-ky-tien-cong-nghiep-20240907180946035.chn