Theo SWPC (Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian) của NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ), Trái Đất chuẩn bị hứng chịu một Bão Mặt Trời cấp G4 – gần 20 năm kể từ cơn bão tương tự vào năm 2005,
SWPC dự kiến sẽ xuất hiện ít nhất 5 vụ CME (phun trào vành nhật hoa) tại Mặt Trời vào thời điểm tối 10/5 giờ Mỹ (sáng và trưa 11/5 giờ Việt Nam).
Được biết SWPC đánh giá cường độ của Bão Mặt Trời theo thang G, từ G1 đến G5.
Đã có một số Bão Mặt Trời yếu (tạo ra cảnh cực quang ở một số khu vực) xảy ra từ đầu năm nay nhưng cần lưu ý rằng một cơn bão được cho là “đáng kể” xuất hiện gần nhất là vào tháng 1/2005.
Theo một phát ngôn viên của SWPC ông Shawn Dahl thì “Đây là một sự kiện rất hiếm khi xảy ra” và rằng “Cụm vết đen mặt trời được quan sát có đường kính gấp 16 lần đường kính Trái Đất và lớn nhất mà chúng tôi từng thấy trong một thời gian khá dài”.
Bão Mặt Trời tác động thế nào?
Theo nhà khoa học vũ trụ Steenburgh của SWPC giải thích rằng một Bão Mặt Trời cấp G4 được đánh giá là mạnh mẽ.
Khi CME (về cơ bản là các vụ nổ plasma và vật liệu từ tính trên Mặt Trời) di chuyển đến Trái đất, chúng mang theo từ trường có thể ảnh hưởng đến một số thiết bị điện và điện tử:
“Từ trường đó tác động lên các đường dây, đường ống và tạo ra dòng điện – thứ đáng lẽ không có ở đó” đồng thời cho biết có thể xảy ra các vấn đề với lưới điện, liên lạc vô tuyến và độ chính xác của định vị GPS.
Tuy nhiên sẽ không có vấn đề lớn ảnh hưởng tới máy ATM, điện thoại di động hoặc các công nghệ khác trừ khi xảy ra mất điện. Các chuyên gia của SWPC cũng cho biết rằng tin tốt là lưới điện ở Mỹ nói riêng và trên thế giới đã tốt hơn nhiều so với năm 2005.
Khi nào Bão Mặt Trời bắt đầu và nó kéo dài bao lâu?
Các nhà dự báo không thể xác định chính xác thời điểm CME sẽ tấn công Trái Đất nhưng họ dự đoán nó sẽ bắt đầu vào khoảng 20 giờ tối 10/5 giờ miền Đông nước Mỹ (7 giờ sáng 11/5 giờ Việt Nam) nhưng nhấn mạnh rằng thời điểm đó có thể trễ vài giờ.
Cũng theo SWPC, CME vẫn sẽ tiếp tục tác động với Trái Đất trong thời gian cuối tuần và đầu tuần tới.
Có thể “săn” cực quang hay không?
SWPC cho biết cực quang sẽ xuất hiện ở Bắc Bán Cầu.
Theo mô phỏng, người dân ở Canada, Viễn Đông Nga, Bang Alaska cùng các bang phía bắc nước Mỹ có thể thấy được hiện tượng này và cực quang có xu hướng mở rộng tới các bang Alabama và Bắc California.
Giám đốc điều hành của SWPC Michael Bettwy cho biết rằng căn cứ vào một số Bão Mặt Trời gần đây, cực quang có thể xuất hiện ở miền nam Bang Texas và thậm chí đến tận Trung Mỹ.
Ông Bettwy cũng nhấn mạnh rằng nếu muốn “săn” cực quang, người dân Mỹ có thể hướng camera điện thoại lên trời vì thấu kính của chúng nhạy cảm với ánh sáng hơn mắt người.
Cực quang là một hiện tượng quang học đặc trưng bởi nhiều màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió, bão Mặt Trời với tầng khí quyển bên trên Trái Đất.
Điểm cực bắc của Việt Nam nằm trong khoảng vĩ độ 23 độ Bắc còn khi Mặt Trời hoạt động mạnh nhất thì cực quang mới có thể xuất hiện ở vĩ độ từ 25-30 độ Bắc (thông thường ở khoảng vĩ độ 60 trở lên) nên khả năng thấy cực quang ở Việt Nam gần như bằng 0.
Nguồn tin: https://genk.vn/dung-cuong-neu-dien-dom-gap-van-de-chung-ta-dang-trai-qua-su-kien-20-nam-co-1-20240512081542173.chn