Dopamine là một chất hóa học mà chúng ta tạo ra trong não. Nó cần thiết cho trải nghiệm về niềm vui, và động lực. Càng nhiều dopamine được giải phóng khi chúng ta được khen thưởng hoặc trải nghiệm những hoạt động thú vị.
Hiện nay chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn khiến bản thân cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Khi đang ngồi một mình buồn chán, chỉ cần bật điện thoại, một thế giới thú vị sẽ được mở ra. Những kích thích này thường mang đến sự hưng phấn tức thì hay còn gọi là dopamine nhanh.
Tuy nhiên quá nhiều dopamine nhanh có thể khiến bạn “bội thực”. Bạn cần Facebook, Tiktok, Youtube để giải trí, nhưng chỉ một thời gian ngắn sẽ cảm thấy chán ngấy. Và sau đó, bạn lại cần thêm những hình thức khoái cảm mạnh mẽ hơn để cảm thấy cuộc sống trở nên vui vẻ. Dopamine cũng có thể dẫn đến chứng nghiện hành vi, chẳng hạn như nghiện cờ bạc, trò chơi điện tử, mạng xã hội, cocaine, rượu, cần sa, nicotine…
Có một trào lưu hiện nay được gọi là nhịn dopamine, được thực hiện nhiều nơi, trong số đó có thung lũng Silicon (Mỹ). Mục đích của việc nhịn dopamine là để cô lập bản thân khỏi những kích thích không lành mạnh của thế giới hiện đại, như thiết bị điện tử và mạng xã hội. Ý tưởng đó cho phép bộ não của bạn có cơ hội được nạp lại năng lượng tích cực, đồng thời giúp tăng năng suất trong công việc.
Theo Nhà tâm lý học Anna Lambke, tác giả cuốn sách Dopamine Nation, nếu cần một hoạt động mạnh mẽ để tạo ra dopamine, hãy thử cách sau. Trong não bộ của chúng ta, phần não xử lý khoái cảm cũng xử lý nỗi đau và chúng hoạt động giống như cán cân.
Chẳng hạn như khi ăn một miếng sô cô la, vì thích nó nên cơ thể sẽ giải phóng một chút dopamine. Lúc này cán cân sẽ nghiêng về phía khoái cảm. Sau đó cơ thể sẽ dừng tiết dopamine một thời gian đến khi chiếc cân trở lại mức cân bằng. Đây là lý do chúng ta cảm thấy buồn chán, thậm chí thất vọng khi dopamine đạt mức bão hòa.
“Vẫn là cơ chế đó, nhưng nếu ban đầu chúng ta nghiêng chiếc cân về phía nỗi đau chẳng hạn như tập thể dục hoặc tắm nước đá lạnh, cơ thể sẽ cần cảm giác dễ chịu để cân bằng, điều đó có nghĩa là chúng ta nhận được dopamine một cách gián tiếp. Và đó là cách mà tôi kê đơn cho bệnh nhân đang bội thực dopamine của mình”, bà Anna cho hay.
Theo BBC Science
Nguồn tin: https://genk.vn/canh-bao-boi-thuc-dopamine-khien-con-nguoi-lam-gi-cung-thay-chan-20240531180237564.chn