Counter-Strike 2 do Valve phát triển và phát hành đang là một trong những tựa game esports thịnh hành nhất thế giới, giải đấu lớn mang tên Perfect World Major vừa diễn ra tại Thượng Hải thu hút một lượng lớn người xem, có lúc lên tới hơn 1,3 triệu người, cho thấy sức hút khó cưỡng của tựa game bắn súng chiến thuật góc nhìn thứ nhất.
Nhưng lý do Counter-Strike 2 (CS2) thu hút đông đảo người chơi không chỉ nằm tại lối chơi dễ tiếp cận nhưng rất có chiều sâu, hay một cộng đồng đông đảo, mà nằm ở 2 yếu tố liên quan tới … đồng tiền.
CS2 được phát hành miễn phí trên Steam, và để có thể nhận vật phẩm miễn phí hàng tuần, bạn chỉ cần bỏ ra 14,99 USD (375.000 VNĐ theo giá game tại Việt Nam). Mỗi khi người chơi lên cấp, họ có thể chọn 2 trong 4 phần quà. Những phần quà này có trị giá từ vài trăm VNĐ cho tới hàng triệu đồng, càng khiến cộng đồng hứng thú tham gia chơi CS2.
Trong 4 phần quà, món giá trị nhất thường là một hòm vật phẩm ngẫu nhiên, có giá dao động từ 5.000 VNĐ cho tới 3.000.000 VNĐ (tính theo giá trị trên chợ Steam, nếu quy đổi ra tiền thật, mỗi hòm này sẽ có giá khoảng từ 3.000 VNĐ cho tới 1.800.000 VNĐ).
Giá của các vật phẩm này cũng thường xuyên dao động dựa trên cung, cầu và các biến động thị trường khác, không khác gì những mã chứng khoán được niêm yết công khai.
Việc tích trữ hòm có thể được coi là một phương thức đầu tư: nếu sở hữu 10 hòm với giá 5.000 VNĐ, bạn có cơ hội lãi 10.000 VNĐ nếu như giá hòm lên 6.000 VNĐ. Mỗi tuần, bạn có thể nhận tối đa một hòm miễn phí; trong trường hợp bạn chỉ nhận được hòm rẻ nhất có giá 5.000 VNĐ, bạn chỉ cần chơi 75 tuần (khoảng gần 19 tháng) là hòa vốn mua game.
Nhìn vào bài toán kinh tế đơn giản này, chúng ta có thể thấy tiềm năng kiếm tiền từ trò chơi CS2: cứ chơi là lãi, càng chơi nhiều thì lãi càng lớn, ấy là chưa kể nếu may mắn, bạn sẽ nhận được những hòm có giá trị lên tới cả chục, cả trăm, thậm chí cả triệu VNĐ.
Nhưng một người chơi thì chỉ có một cơ thể để chơi game: một phàm nhân không thể một mình điều khiển 3-4 nhân vật một lúc để kiếm hòm cho nhanh được. Và đó là lúc các “pháp sư Trung Hoa” trổ tài.
Bằng một cỗ máy đủ khỏe, có thể chơi tới 10 tài khoản một lúc, một “nhà đầu tư” có thể một mình điều khiển tới vài chục nhân vật.
Thông thường, họ sẽ tự lập một phòng chơi chung cho tất cả các nhân vật mà mình điều khiển, sử dụng một hệ thống trí tuệ nhân tạo cấp thấp để điều khiển các nhân vật, và ung dung nhìn … các cỗ máy tự hành kiếm tiền cho mình. Trong game, những nhân vật được máy điểu khiển kiểu này được gọi là “bot”.
Trên mạng xã hội X, một người dùng đã đăng tải lại một video trên TikTok, cho thấy một “trang trại cày hòm” ở Trung Quốc đang gặt hái thành quả như thế nào.
Trang trại cày hòm Counter-Strike 2 tại Trung Quốc – Video: Internet.
Video cho thấy mỗi máy có 10 tài khoản CS2 đang hoạt động, tổng cộng nhà đầu tư này đang sở hữu ít nhất 30 con bot “cày” tiền cho mình. May mắn cũng từ kiên nhẫn mà có: 1 trong 30 tài khoản này đã nhận được một vật phẩm hiếm có và đắt đỏ, một “hòm đen” có tên Operation Bravo Case, có giá hơn 1.500.000 VNĐ trên chợ Steam.
Những trang trại kiếm tiền kiểu này không hề hiếm, khiến vấn nạn bot tràn lan trong tựa game CS2. Người chơi đã nhiều lần phản ánh vấn đề này trên các diễn đàn và với nhà phát triển Valve, nhưng những “trang trại cày hòm” như trong video vẫn hoạt động mạnh.
Việc các nhà đầu tư lợi dụng lỗ hổng kinh tế của trò chơi vô hình trung làm giảm trải nghiệm chơi của cộng đồng. Vào game, một người chơi có thể gặp cảnh hàng chục con bot đang giao tranh, thậm chí chúng còn biết khi nào đang bị “soi” và dừng hoạt động, để tránh bị người chơi tố cáo vì những hành vi “không giống người”.
Ngay cả khi Valve thẳng tay cấm chơi những tài khoản dạng này, một nhà đầu tư vẫn có thể bỏ ra 14,99 USD để mua một tài khoản mới, và tiếp tục hành trình kiếm tiền. Nếu như Valve không có những động thái mạnh tay hơn, những trang trại “cày” hòm như vậy vẫn sẽ tồn tại.
Nguồn tin: https://genk.vn/tri-tue-nhan-tao-xam-lan-counter-strike-2-can-canh-trang-trai-cay-hom-tai-trung-quoc-20241225114657818.chn