Theo biểu đồ chất lượng không khí mới nhất tại Hà Nội, thủ đô của chúng ta ô nhiễm không khí ở mức “Không Lành Mạnh” liên tục trong 4 ngày đầu tháng 10, cụ thể từ 4/10 đến 7/10.
Trong đó, điều đáng nói là ngày hôm nay, 7/10, mức độ nhiễm bụi mịn PM2.5 sẽ đạt mức cao nhất trong 4 ngày từ 4-7/10 (xem ảnh). Theo đó, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 16 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo AQI, dự báo từ 12 giờ trưa đến 1 giờ chiều ngày 7/10, nồng độ bụi mịn PM2.5 sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 130,3 µg/m3 (micrograms/mét khối). Cùng ngày, từ khoảng 1 giờ chiều đến 2 giờ chiều ngày 7/10, nồng độ bụi mịn PM10 cũng đạt mức cao nhất, là 119,5 µg/m3 (xem ảnh).
Tính theo thời gian thực, hiện tại, chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội là 168. Chiếu theo giá trị của chỉ số theo Bảng AQI đối với ô nhiễm ôzôn và bụi mịn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thì chỉ số 168 thuộc mức Đỏ – Không Lành Mạnh; xếp thứ 4 trên thang đo ô nhiễm không khí gồm 6 thang.
Theo khuyến cáo của EPA, với mức độ ô nhiễm không khí Không Lành Mạnh này, một số người có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe nếu không có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Ngoài ra, những người thuộc nhóm nhạy cảm (như trẻ em, người già, người đang có các bệnh liên quan đến phổi) có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe.
AQI đưa ra lời khuyên nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí tại Hà Nội:
– Thứ nhất, tránh tập thể dục ngoài trời.
– Thứ hai, đeo khẩu trang khi đi ngoài trời.
– Thứ ba, đóng kín cửa để tránh không khí ô nhiễm lọt vào nhà.
– Thứ tư, sử dụng máy lọc không khí (nếu có).
Tác hại của bụi mịn PM2.5 đến sức khỏe
WHO cho biết, ô nhiễm không khí là một trong những rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe của nhóm người nhạy cảm, như trẻ em, người già.
Theo thông tin của WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới năm 2019; tỷ lệ tử vong này là do phần lớn tiếp xúc với các bụi mịn, từ đó gây ra bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư.
Khoảng 89% số ca tử vong sớm này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, và con số lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương của WHO.
Các chất gây ô nhiễm không khí bao gồm: Vật chất dạng hạt/bụi mịn (PM), Carbon monoxide (CO), Ozone (O3), Nitơ đioxit (NO2), Lưu huỳnh đioxit (SO2).
Trong số đó, bụi mịn PM2.5 (các hạt bụi có đường kính 2,5 micron trở xuống) có tác động cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe con người. Loại bụi mịn này phát thải từ quá trình đốt xăng, dầu, nhiên liệu diesel hoặc gỗ. Vì có kích thước cực kỳ nhỏ, PM2.5 có thể xâm nhập vào phổi, mạch máu.
Theo Ban Tài nguyên Không khí California, Mỹ (CARB):
Việc tiếp xúc PM2.5 trong thời gian ngắn (kéo dài tới 24 giờ) có liên quan đến tử vong sớm; tăng số lần nhập viện vì nguyên nhân tim hoặc phổi, viêm phế quản cấp tính và mãn tính, các cơn hen suyễn. Những tác động xấu đến sức khỏe này chủ yếu được báo cáo ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn tuổi mắc các bệnh tim hoặc phổi từ trước.
Tiếp xúc lâu dài (nhiều tháng đến nhiều năm) với PM2.5 có liên quan đến tử vong sớm, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tim hoặc phổi mãn tính, và làm giảm sự phát triển chức năng phổi ở trẻ em.
Đó là lý do, những gia đình có trẻ nhỏ, người già cần thực hiện các biện pháp như AQI đã nếu để hạn chế việc tiếp xúc với ô nhiễm bụi mịn PM2.5 liên tục, giúp cho sức khỏa của nhóm người này được đảm bảo an toàn.
Tham khảo: IQ Air, EPA, WHO, CARB
Nguồn tin: https://genk.vn/ha-noi-dang-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-bui-min-pm25-cao-gap-16-lan-dat-dinh-vao-12-gio-trua-nay-20241007114717273.chn