Có hai nhóm người thường xuyên nghe radio. Hầu hết, là những người phổ thông xung quanh ta, thường xuyên nghe đài FM/AM hoặc internet radio. Nhóm còn lại gồm số ít, là những “kẻ săn sóng” ở tần số cao (còn được gọi là sóng ngắn), bên cạnh tần số rất cao và siêu cao, được sử dụng bởi các thiết bị liên lạc trong ngành an ninh và thậm chí cả tín hiệu vệ tinh.
“Dân chơi” sóng ngắn thường bắt các tín hiệu truyền ở tần số cực cao, từ các đài phát thanh quốc tế phát sóng ở Trung Quốc, Cuba, Iran hoặc Romania, hoặc giao tiếp giao thông hàng hải và hàng không.
Năng lượng tần số vô tuyến sóng ngắn có khả năng truyền đến bất kỳ vị trí nào trên Trái đất vì nó chịu ảnh hưởng của sự phản xạ tầng điện ly. Do đó, các tín hiệu sóng ngắn có khả năng truyền rất xa, xuyên lục địa, khác với các đài phát thanh địa phương.
Nhưng bên cạnh những chương trình phát sóng tin tức, giải trí thông thường, đôi khi những thợ săn sóng sẽ bắt được tín hiệu của một số kênh bí ẩn, với giọng người đọc đều đều các con số, ký tự hoặc địa danh lặp lại không theo quy luật nào. Đôi khi chúng được đọc trực tiếp, đôi khi bằng mã Morse và đôi khi bằng phương tiện truyền nhiễu kỹ thuật số. Đây được gọi chung là các đài đọc số.
Ví dụ về một số đài đọc số mà các YouTuber “săn” được:
Các đài đọc số đã tồn tại kể từ Thế chiến thứ nhất. Suốt nhiều năm qua, chúng đã thu hút được sự chú ý từ các nhà báo, nhà phát triển trò chơi điện tử và nhà làm phim. Bất chấp sự chú ý này, có rất ít lời giải thích được đưa ra về chúng. Thông thường, chúng được mô tả là “ma quái”, “rùng rợn” hoặc “bí ẩn” và cuộc thảo luận chỉ dừng lại ở đó.
Điều này có thể khiến một số người thất vọng, nhưng những đài đọc số này không phải là tín hiệu từ người ngoài hành tinh hay thiết bị kiểm soát tâm trí, cũng không phải là tàn tích của thời Chiến tranh Lạnh – đúng hơn, chúng là một phần trong các phương tiện liên lạc phức tạp của các cơ quan tình báo và quân đội.
Sự lợi hại của đài đọc số
Mật mã học, môn khoa học về mã hóa văn bản và dữ liệu, đã có từ thời Caesar. Trước khi phát minh ra radio, các thông điệp bí mật có thể được truyền tải bằng các chữ cái được mã hóa hoặc thông qua tín hiệu ánh sáng. Đài phát thanh xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 và nhanh chóng được đưa vào sử dụng trong quân sự. Một ví dụ nổi bật nhất là khi Đức bắt được đường truyền lệnh qua radio của Quân đội Sa hoàng, giúp nước này giành chiến thắng lớn ở Đông Phổ năm 1914.
Việc sử dụng đài đọc số lần đầu tiên được phát hiện là vào những năm cuối của Thế chiến thứ nhất, khi chúng được gửi bằng mã Morse ở tần số sóng thấp và trung bình. Sóng ngắn được đưa vào sử dụng vào đầu những năm 1920 để gửi tin nhắn được mã hóa. Khi hướng vào tầng điện ly theo một góc, tín hiệu sóng ngắn sẽ phản xạ trở lại Trái đất ở khoảng cách rất xa ngoài đường chân trời. Điều này rất thuận tiện cho các hoạt động tình báo ở nước ngoài hoặc để bộ chỉ huy quân đội gửi lệnh đến các đơn vị ở xa.
Nhưng nếu những tín hiệu này có thể được nghe thấy trên toàn thế giới, ngay cả bởi thường dân thì tất nhiên các tin nhắn phải được mã hóa. Đó là lý do chúng ta có hệ thống One-time pad (OTP).
OTP được coi là hệ thống mã hóa không thể phá vỡ về mặt toán học duy nhất, thường là một tờ giấy ghi các số ngẫu nhiên theo nhóm có 5 chữ số trở lên. Để giải mã OTP, cần 2 bản sao duy nhất của tin nhắn, một do người gửi giữ và một do người nhận giữ. Thông thường, chúng có kích thước rất nhỏ để dễ dàng che giấu, hoặc làm từ vật liệu dễ cháy để có thể hủy đi nhanh chóng sau khi sử dụng.
Phương thức mã hóa và giải mã của OTP là cực kỳ đơn giản nhưng không thể giải bởi nó hoàn toàn ngẫu hứng. Ở đây chỉ trình bày phương pháp thuộc loại sơ khai nhất, nhưng các phương pháp cao cấp hơn cũng có cơ chế tương tự.
Đầu tiên, các chữ cái trong bảng chữ cái sẽ được chỉ định với một con số nhất định, ví dụ như A là 01, B là 02, C là 03… cứ thế cho hết bảng chữ cái.
Bước đầu tiên, người gửi sẽ viết ra thông điệp và các con số tương ứng theo hàng.
Bước 2, sử dụng các con số hoàn toàn ngẫu nhiên từ bản sao 1 của OTP, cộng vào các con số ở dãy trên. Ví dụ, OTP có các số lần lượt là 72, 42, 57, 14… như hình dưới đây.
Ta được kết quả là một dãy số mới hoàn toàn ngẫu nhiên (94, 47, 75…). Nếu kết quả lớn hơn 100, chỉ lấy 2 số cuối. Dãy số này sau đó được chia thành nhóm 5 và gửi đi bằng đài đọc số: 91477 53634 39230…
Để giải mã, người nhận sử dụng bản sao 2 của OTP với các con số trùng khớp bản sao 1. Thay vì cộng vào như quá trình giải mã, họ sẽ trừ đi để ra kết quả.
Từ kết quả này, họ chuyển đổi thành chữ cái như quy ước ban đầu của tổ chức. Ví dụ, 19 là S trong bảng chữ cái, 05 là E,… cứ thế giải mã từng chữ cái một để ra thông điệp ban đầu.
Để OTP không thể bị phá giải, điều kiện tiên quyết là dãy OTP phải dài ngang với thông điệp mã hóa, gồm các số hoàn toàn ngẫu hứng, không bao giờ được tái sử dụng và chỉ có 2 bản sao.
Quy trình này đơn giản nhưng hiệu quả cao: Bên thứ ba chỉ có thể giải mã tin nhắn nếu họ có thể truy cập vào OTP của người nhận. Điều này đôi khi xảy ra nhờ hoạt động phản gián, bằng cách sử dụng điệp viên hai mang hoặc bằng cách bắt giữ người nhận, nhất là khi anh ta đang nhận tín hiệu. Một số sự kiện trong thế kỷ 20 đã chứng minh rằng trên thực tế, các cơ quan tình báo đã sử dụng những tín hiệu này.
Từ năm 1945 đến năm 1956, CIA và SIS của Anh đã phái điệp viên hỗ trợ lực lượng du kích chống Liên Xô ở các nước vùng Baltic, Belarus và Ukraine. Hầu hết đều bị bắt cùng với máy phát vô tuyến và cuốn sách gồm nhiều trang OTP. KGB đã sử dụng các mã này để buộc các điệp viên bị bắt phải gửi tín hiệu về cho sở chỉ huy các thông tin giả. Năm 1988, KGB đã giới thiệu những cuốn sách mã và máy phát này trong một bộ phim truyền hình có tên “The Game”.
Năm 1983, KGB phát hiện ra điệp viên CIA Alexander Ogorodnik, một nhà ngoại giao Liên Xô nhận nhiệm vụ từ các đài phát thanh của Mỹ. Một trường hợp nổi tiếng khác là vụ “Bộ ngũ Cuba” năm 2001, trong đó các điệp viên Cuba bị bắt tại Mỹ, và các chương trình phát sóng sóng ngắn được sử dụng làm bằng chứng chống lại họ. Tin nhắn gồm các con số được gửi đến các điệp viên qua radio và được nhập vào một máy tính xách tay Toshiba.
Sau đó, nó được giải mã bằng một đĩa mềm đặc biệt chứa khóa giải mã. Năm 2013, một cặp vợ chồng người Đức bị đưa ra xét xử vì làm gián điệp cho Nga và tiết lộ bí mật quân sự. Họ cũng đã nhận được tin nhắn từ sóng ngắn và bị phát hiện khi đang nhận tin nhắn.
Đài đọc số ngày nay
Các đài đọc số hoạt động tích cực nhất bắt đầu từ khoảng năm 1960, khi các kênh như The Lincolnshire Poacher, The Swiss Rhapsody và Gongs được phát sóng. Hoạt động đã sụt giảm nhiều sau sự sụp đổ của Liên Xô, vì nhiều cơ quan tình báo sử dụng các trạm số có liên hệ với KGB, như Stasi và Cơ quan An ninh Romania.
Về phần mình, nhiều cơ quan tình báo phương Tây bắt đầu sử dụng các phương tiện truyền tin nhắn được mã hóa mới như steganography, bao gồm việc mã hóa tin nhắn bằng hình ảnh hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật số nào. Tuy nhiên, các nhóm giám sát đài đọc số đã chỉ ra rằng cơ quan tình báo đối ngoại SVR của Nga vẫn sử dụng rộng rãi phương thức này.
Các quốc gia khác sử dụng đài đọc số có thể bao gồm cả Triều Tiên. Từ năm 2000 đến năm 2016, Triều Tiên đã tiếp tục phát sóng các tin nhắn được mã hóa trực tiếp từ đài phát thanh nhà nước – Đài phát thanh Bình Nhưỡng – được ngụy trang dưới dạng các bài toán hoặc vật lý cho “sinh viên đại học ở xa”.
Không phải tất cả các đài đọc số được truyền bằng ngôn ngữ bản địa mà có thể dùng ngoại ngữ.. Cũng cần lưu ý rằng quân đội sử dụng chúng cho cả mục đích ngoài tình báo. Ví dụ, đài “Buzzer” nổi tiếng của Nga đã được quân đội Nga sử dụng nội bộ để gửi nhiệm vụ và mệnh lệnh tới các đơn vị quân đội Nga khác nhau trong nước. Điều này được thể hiện một phần qua việc các trạm của họ gửi tín hiệu vào ban ngày, và do hoạt động của tầng điện ly vào thời điểm này, thông điệp đó không được truyền tải tốt tới Tây Âu và Mỹ.
Rất dễ dàng để nghe các đài này. Bạn không nhất thiết cần có đài sóng ngắn; ngày nay hầu hết các đài đều được xác định bằng phần mềm và có thể nghe từ xa trên internet. Vì những máy thu này được vận hành bằng phần mềm nên mọi người trên khắp thế giới có thể kết nối trực tuyến và vận hành từ xa, chưa kể cộng đồng “săn” đài đọc số cũng tồn tại và hoạt động tích cực trên Internet.
Nguồn tin: https://genk.vn/giai-ma-dai-doc-so-bi-an-hang-thap-ky-cua-nganh-tinh-bao-20240712172017908.chn