Báu vật đó là một lọ son môi được khai quật tại TP Jiroft – phía Đông Nam Iran. Gọi là báu vật, bởi quá trình phân tích đem về một loạt kết quả gây sốc, khiến lọ son môi trở thành bằng chứng về một thế giới “vượt thời gian” ở Trung Đông cổ đại.
Theo Live Science, lọ son môi này gần như tự xuất hiện một cách hết sức thú vị.
Vào năm 2001, một trận lũ trên sông Halil đã quét qua một số nghĩa trang trong vùng, vốn có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Dòng nước chảy xiết đã đẩy chiếc lọ tuyệt đẹp – có thể từ mộ một mỹ nữ Trung Đông cổ đại – lên gần mặt đất, cùng nhiều món đồ tùy táng khác.
Rất nhiều thứ đã bị trộm mất từ kho hiện vật được tự nhiên khai quật này nhưng các nhà khảo cổ đã may mắn tìm được lọ son môi.
Trải qua hàng thập kỷ nghiên cứu, nó được tiết lộ là một kho báu vô song, bởi quá trình xác định niên đại cho thấy hiện vật đã gần 4.000 năm tuổi, có thể có từ năm 1936 trước Công nguyên.
Với thời đại đó, một lọ son trang điểm – thứ có vẻ thông thường với các quý cô ngày nay – không chỉ là món hàng xa xỉ mà còn là một phát minh có tầm vóc lớn.
Trải qua hàng ngàn năm trong mộ sâu, son trong lọ vẫn giữ được màu đỏ cam tươi sáng kèm ánh nhũ tuyệt đẹp.
Các phân tích cho thấy đó là một hỗn hợp được tạo ra bằng cách sử dụng hematit – một loại khoáng chất oxit màu đỏ rực rỡ – nghiền nát, trộn với các khoáng chất khác như maganite và braunite.
Các hạt thạch anh nghiền mịn được thêm vào hỗn hợp để tạo ra ánh nhũ lung linh. Ngoài ra còn có dấu vết của sợi thực vật, có thể được thêm vào để tạo ra mùi thơm.
“Có sự tương đồng đáng kinh ngạc với cách làm son môi hiện đại” – các nhà nghiên cứu thừa nhận trong bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí Scientific Reports.
Một sự trùng hợp thú vị khác là màu đỏ cam ánh nhũ cũng là một trong những sắc màu “hot trend” gần đây.
Chiếc lọ son đựng son được làm bằng đá xanh clorit mịn, mô phỏng hình dạng những chiếc lọ làm bằng một loại sậy đầm lầy bản địa.
Mặc dù không xác định được cụ thể báu vật này đã phát lộ từ ngôi mộ cổ nào, song từ các ghi chép cổ đại, các nhà nghiên cứu biết được rằng nó là một vật dụng thiết thân của phụ nữ Iran cổ đại.
Các ghi chép còn cho thấy họ còn dùng một loại bột màu đen khác là sormeh để làm bút kẻ mắt và vẽ henna, ngoài ra còn có mỹ phẩm riêng để nhuộm tóc và da.
Báu vật này không chỉ là bằng chứng cho các mô tả cổ xưa về mỹ nữ Trung Đông với đôi mắt đen kẻ đậm, môi đỏ thắm, mà còn là bằng chứng về một nền văn minh đáng thán phục hàng ngàn năm trước.
Nguồn tin: https://genk.vn/bau-vat-ky-dieu-chui-len-tu-mo-my-nu-4000-nam-tuoi-20240224225936383.chn