Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề môi trường nghiêm trọng toàn cầu, chỉ sau biến đổi khí hậu. Trong đó thói quen sử dụng nhựa một lần là nguyên nhân quan trọng dẫn đến lượng rác thải nhựa ra môi trường ngày càng lớn.
Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa đủ để bao quanh 4 vòng Trái đất. Dự kiến đến 2050, khối lượng rác thải nhựa ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng cá. Ô nhiễm vi nhựa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người và các loài sinh vật, làm giảm đa dạng sinh học, tăng suy thoái môi trường.
Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam), năm 2021, Việt Nam phát sinh khoảng 2,93 triệu tấn rác thải nhựa. Đáng lưu ý trong đó có 18% rác thải nhựa phát sinh không được thu gom.
Trong số rác thải nhựa được thu gom, chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp và đốt rác, chỉ có khoảng 10% được tái chế, tạo ra những thách thức môi trường rất lớn. Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, một trong những giải pháp được các chuyên gia đề cập là tìm các vật liệu thay thế nhựa dùng một lần.
Theo TS Lê Trọng Lư, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện nay có 3 hướng nghiên cứu chính trong việc tìm ra các vật liệu thay thế rác thải nhựa một lần.
Hướng thứ nhất là đưa vật liệu nhựa phân huỷ sinh học vào nhựa tổng hợp để rút ngắn thời gian phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Hướng thứ hai là phát triển các sản phẩm nhựa phân huỷ sinh học, thân thiện với môi trường. Hướng thứ ba là sử dụng các sợi thiên nhiên như sợi đay, sợi tre làm vật liệu sử dụng thay thế túi nhựa một lần.
Tuy nhiên, theo TS Lư, việc phát triển các sản phẩm thay thế nhựa một lần và đưa vào sử dụng rộng rãi gặp một chướng ngại rất lớn là vấn đề giá thành.
Trong khi giá các sản phẩm túi ni lông dùng một lần làm từ nhựa tổng hợp rất rẻ, các sản phẩm nhựa phân huỷ sinh học hay sản phẩm từ sợi tự nhiên có giá thành cao hơn nhiều. “Người dân đi chợ được cho không túi ni lông nhưng sản phẩm thay thế như nhựa phân huỷ sinh học, túi làm từ sợi thiên nhiên có thể mất vài nghìn đồng”, TS Lư nêu thực tế.
Vì vậy, theo chuyên gia này, bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu các vật liệu thay thế, cần có chính sách ưu đãi hoặc có giải pháp tuyên truyền để người dân sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Các chuyên gia của WWF, trong báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022 tại Việt Nam cũng đề xuất giải pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn vòng đời của nhựa để nâng cao khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm phát thải chất thải nhựa, coi đây là yêu cầu cấp thiết.
Các chuyên gia đề xuất, trong quá trình sản xuất, cần thực hiện nghiên cứu thiết kế bao bì nhựa để tăng khả năng thu hồi, tái sử dụng và tái chế. Đẩy mạnh các nghiên cứu để sản xuất túi ni lông có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thu gom, vận chuyển chất thải nhựa tại các khu đô thị, khu vực nông thôn và khu vực ven biển, đặc biệt chú trọng làm sạch chất thải nhựa tại các thủy vực như ao hồ, dòng sông và bãi biển.
Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng , rải đường giao thông và sản phẩm khác. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nhựa cũng như xây dựng, cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải nhựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
Nguồn tin: https://genk.vn/ba-loai-vat-lieu-co-the-thay-the-nhua-dung-mot-lan-20240805183429782.chn