Một số lưu ý khi ăn dưa hấu
Không nên ăn dưa hấu trước và sau bữa ăn
Dưa hấu là loại hoa quả chứa nhiều nước, nếu ăn ngay trước và sau bữa ăn, những thành phần trong phần lớn lượng nước trong dưa hấu sẽ làm loãng dịch tiêu hóa trong dạ dày, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của cơ thể. Đồng thời với lượng nước lớn vào cơ thể sẽ chiếm phần lớn dung tích chứa của dạ dày gây cảm giác no, giảm yếu tố kích thích ăn uống, ảnh hưởng tới sức khỏe (đặc biệt là sức khỏe trẻ em, thai phụ).
Không nên ăn nhiều dưa hấu lạnh
Trong tiết trời ngày hè oi bức, ăn dưa hấu lạnh luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong nhu cầu giải khát, đẩy lùi cơn nóng bức. Tuy nhiên, điều đó lại ảnh hưởng vô cùng lớn đến dạ dày của bạn, nên đảm bảo nhiệt độ giữ dưa hấu còn tươi ngon là tốt nhất, không cần quá lạnh.
Cách đơn giản và hiệu quả nhất là nên để dưa hấu nguyên quả vào ngăn cuối cùng của tủ lạnh, giữ ở nhiệt độ từ 8 – 10 độ C. Ở nhiệt độ này vừa đảm bảo dưa tươi ngon vừa giữ nguyên mùi vị của dưa. Mỗi lần ăn không nên vượt quá 500 gram, ăn từ từ là tốt nhất.
Ngoài ra đối với những người sâu răng, người có hệ tiêu hóa hoạt động không tốt cần đặc biệt chú ý, không nên ăn dưa lạnh là tốt nhất, bởi khi gặp lạnh đột ngột, răng sâu sẽ vô cùng đau nhức, hệ tiêu hóa hoạt động lại không hiệu quả gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không ăn chuối cùng dưa hấu
Dưa hấu chứa hàm lượng đường cao, lên tới khoảng 15% và rất giàu kali. Trong khi đó, chuối cũng rất giàu kali, khoảng 300-500 mg/100g. Do đó, với những bệnh nhân mắc suy thận không nên ăn kết hợp cùng lúc 2 loại trái cây có chứa hàm lượng kali cao như chuối và dưa hấu. Nếu hàm lượng kali trong máu tăng cao có thể gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.
Không ăn dưa hấu đã bổ ra quá lâu
Mùa hè nhiệt độ cao, vi khuẩn phát triển mạnh. Nếu dưa hấu đã bổ ra để quá lâu trong nhiệt độ phòng sẽ bị vi khuẩn xâm nhập, khi ăn vào có thể gây ra các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy.
Những người không nên ăn dưa hấu
Người viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày được Đông y cho là do âm suy, nóng trong gây nên. Do dưa hấu có tác dụng lợi tiểu, người viêm loét dạ dày nếu ăn nhiều dưa hấu có thể làm cho toàn bộ phần nước cần thiết để phục hồi chỗ viêm loét bị đào thải ra ngoài, khiến tình trạng bệnh thêm kéo dài.
Người chức năng thận kém
Thận hoạt động kém làm cho chức năng bài tiết nước trong cơ thể giảm, dễ gây phù chi dưới và toàn thân. Người mắc bệnh thận nếu ăn quá nhiều dưa hấu sẽ gây ra tình trạng hấp thụ nước mà không kịp đào thải, do đó lượng nước tích trữ quá nhiều trong cơ thể, thể tích máu tăng cao, gây ra chứng phù nhanh và dễ suy tim cấp tính.
Người mắc bệnh tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn ít dưa hấu. Trong dưa hấu có 5% các loại đường, do đó ăn dưa hấu làm tăng lượng đường trong máu. Người bình thường do kịp thời phân dịch tuyến insulin nên đường trong máu, đường trong ống tiết niệu duy trì ở trạng thái bình thường. Còn người mắc bệnh tiểu đường do tuyến insulin hoạt động kém nên ăn dưa hấu sẽ làm tăng đường trong máu, nếu tình hình bệnh nặng có thể gây rối loạn trao đổi chất. Vì thế, người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế lượng đường hấp thụ mỗi ngày. Nếu ăn quá nhiều dưa hấu trong một ngày thì nên giảm lượng đường trong các thực phẩm khác để tránh tình trạng bệnh trở thành nghiêm trọng.
Sản phụ
Sản phụ ăn nhiều dưa hấu dễ gây tổn thương tỳ vị bởi thể chất của sản phụ tương đối kém và suy nhược. Đây là điều mà các sản phụ cần đặc biệt lưu ý và không nên ăn nhiều dưa hấu.
Người bị cảm lạnh
Dưa hấu là loại quả có tính hàn, giải nhiệt, được chế biến thành nước giải khát trong mùa hè mà rất nhiều người ưa thích, đây là loại đồ uống thanh nhiệt rất tốt. Tuy nhiên, đối với người bị cảm lạnh, khi nhiệt độ cơ thể bị giảm xuống ở mức bình thường mà vẫn ăn dưa hấu thì sẽ làm cho cơ thể lạnh thêm, dẫn đến triệu chứng sốt cao, khát nước, đau họng nặng hơn…
Nguồn tin: https://genk.vn/an-dua-hau-nho-ky-nhung-luu-y-nay-de-tranh-ruoc-benh-vao-than-20240510143645737.chn