Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng bình đẳng trước cơ hội này, dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, gần 40% việc làm trên toàn cầu sẽ chịu tác động của trí tuệ nhân tạo.
Giám đốc IMF cảnh báo: “Chúng ta đang ở trên đỉnh của một cuộc cách mạng công nghệ có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tăng thu nhập trên toàn thế giới. Nhưng nó cũng có thể khiến nhiều việc làm biến mất và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng”.
Một trong những yếu tố khiến AI trở nên độc đáo là khả năng tác động đến những công việc đòi hỏi kỹ năng quan trọng.
Giám đốc Kristalina Georgieva cho rằng, các nền kinh tế tiên tiến phải đối mặt với rủi ro lớn hơn do AI gây ra nhưng họ cũng có nhiều cơ hội hơn để tận dụng lợi ích từ trí tuệ nhân tạo.
Theo báo cáo của IMF, AI ban đầu có ít tác động đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, khả năng được hưởng lợi từ AI của các đối tượng này cũng thấp hơn. Điều này có thể làm gia tăng sự chênh lệch về kỹ thuật số và sự cách biệt về thu nhập giữa các nước. Cũng theo báo cáo, những người lao động lớn tuổi hơn sẽ có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những thay đổi mà AI mang lại cao hơn.
Do đó, có tới 60% việc làm có thể bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo ở các nền kinh tế thuộc các quốc gia đang phát triển.
Một nửa số ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế sẽ được hưởng lợi với năng suất công việc tăng lên và đối với nửa còn lại, AI sẽ thay thế con người thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.
Sự phát triển kéo theo rủi ro, tăng nguy cơ làm giảm số lượng việc làm và đẩy mức lương giảm. Đáng chú ý, một số ngành nghề nhất định sẽ biến mất.
Giám đốc IMF ước tính, 40% việc làm bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của AI ở các nền kinh tế mới nổi và 26% ở các nước kém phát triển. Cuộc cách mạng do những công nghệ này gây ra đang được phân bổ không đồng đều.
Nhiều quốc gia không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động có tay nghề cao để khai thác lợi ích của AI sẽ làm tăng nguy cơ việc công nghệ này cuối cùng sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.
Bà Kristalina Georgieva cảnh báo, trong hầu hết các kịch bản, AI sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng nói chung. Điều quan trọng là các quốc gia phải thiết lập mạng lưới an toàn xã hội toàn diện và cung cấp các chương trình đào tạo lại cho những người lao động.
Ở các nước kém phát triển, AI sẽ khiến việc làm ít bị đe dọa hơn, tuy nhiên, nó lại giúp gia tăng năng suất ở các nước phát triển. Điều này mang đến cơ hội tăng sự giàu có về mặt kinh tế của các quốc gia này với phần còn lại của thế giới.
Nguồn tin: https://genk.vn/ai-de-doa-40-viec-lam-tren-the-gioi-2024012109464192.chn