Ngày 29/5/2024, Tổng công ty Viglacera – CTCP ( Mã chứng khoán: VGC – Hose) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội đã thông qua báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư năm 2024…
Tại đại hội, lãnh đạo VGC cho biết năm 2023, Viglacera đứng trước những thách thức chưa từng có: biến động bất ổn của tình hình địa chính trị; kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái, khiến hoạt động kinh doanh trong nước cũng ảnh hưởng nặng nề; cộng thêm những khó khăn trong kinh doanh bất động sản. Dù vậy, kết quả hoạt động của Tổng công ty vẫn vượt kế hoạch, duy trì sự ổn định, tiếp tục khẳng định vị thế của doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng.
Theo đó, năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tổng công ty Viglacera – CTCP là 1.602 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch năm. Đặc biệt, công ty mẹ đã thể hiện vai trò đầu tàu với doanh thu thuần 5.337 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.911 tỷ đồng, đạt 146% kế hoạch năm, tăng 201 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của công ty mẹ là 10,7%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 22,1%. Cũng trong năm 2023, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu toàn Tổng công ty đạt 46,3 triệu USD, tăng trưởng 53% so với năm trước.
Đại hội đồng cổ đông VGC cũng đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức 2023 là 22,5% bằng tiền mặt, cao hơn so với kế hoạch đã phê duyệt (20%). Đồng thời, thông qua mục tiêu năm 2024: doanh thu hợp nhất đạt 13.353 tỷ đồng, công ty mẹ đạt 4.939 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.110 tỷ đồng, công ty mẹ đạt 1.100 tỷ đồng; Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của công ty mẹ dự kiến đạt 2.880 tỷ đồng; Chia cổ tức năm 2024 của công ty mẹ là 20%/năm…
Theo đại diện Hội đồng quản trị VGC, mục tiêu trên đã được xét đến các yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến thị trường trong lĩnh vực vật liệu, chi phí nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng, đặc biệt giá nguyên vật liệu nhập khẩu và giá xăng dầu .
Để đạt được các kế hoạch đề ra, trong 2024, VGC sẽ tiếp tục đẩy mạnh 2 lĩnh vực cốt lõi.
Cụ thể, với lĩnh vực vật liệu, Tổng công ty sẽ thực hiện tái cơ cấu lại các đơn vị sản xuất theo hướng tăng năng suất lao động, giảm chi phí, giảm giá thành để đáp ứng yêu cầu của thị trường; Tập trung nghiên cứu lựa chọn các mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; Phát huy hiệu quả sản phẩm kính siêu trắng, đá nung kết, các sản phẩm sau kính; Tập trung phát triển các dòng sản phẩm mới. Đồng thời, triển khai thực hiện đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm tại nhóm sứ vệ sinh-sen vòi, gạch ốp lát; Tiếp tục khảo sát, đầu tư mở rộng và đầu tư mới các mỏ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (feldspar, cát)…
Đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, VGC sẽ rà soát đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án khu công nghiệp và nhà ở đang triển khai, tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tại các dự án nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước; Đầu tư bổ sung các hạng mục công trình tiện ích, cải thiện chất lượng môi trường, tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại các khu công nghiệp theo hướng xanh và thông minh; Tiếp tục tìm kiếm các dự án khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ – khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mới tại nhiều địa phương.
“Tổng công ty luôn ưu tiên thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính Phủ và tham gia triển khai Chương trình đầu tư 50.000 căn nhà ở công nhân trong giai đoạn 2022-2030. Dự kiến trong năm nay, sẽ hoàn thành đầu tư 2.180 căn nhà ở xã hội, đầu tư đồng bộ tiện ích tại các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm tạo môi trường tốt cho các cư dân về sinh sống”, lãnh đạo VGC chia sẻ.
Với khu công nghiệp Vi-Mariel tại Cuba, VGC sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đủ quỹ đất kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê. Đồng thời, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để triển khai giai đoạn 2 (nếu có)…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/vgc-chia-co-tuc-22-5-bang-tien-mat.htm