Theo đề án, TP.HCM đặt ra các mốc thời gian 2035, 2045 và 2060 để hoàn thành tổng chiều dài hệ thống metro toàn thành phố đạt 510 km.
Cụ thể, đến năm 2025 TP.HCM sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183 km metro gồm các tuyến số 1, số 2, số 3, số 4, số 5 và số 6. Đến năm 2045, thành phố xây dựng thêm khoảng 168,36 km metro nhằm hoàn thiện các tuyến từ 1 đến 6 và xây dựng thêm tuyến số 7, nâng tổng chiều dài tuyến lên khoảng hơn 351 km.
Đến năm 2060, thành phố dự kiến sẽ xây dựng và hoàn thành mới các tuyến số 8 (dài 42,8 km), tuyến số 9 (dài 28,32 km) và tuyến số 10 (dài 87,84 km), nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km. Về lộ trình và ưu tiên đầu tư, các tuyến metro được ưu tiên triển khai lần lượt nằm trên các hành lang có nhu cầu hành khách đi lại lớn, phù hợp với loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn trong đô thị; đồng thời đầu tư tuyến xuyên tâm trước, rồi đến các tuyến vành đai.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư sơ bộ giai đoạn từ nay đến năm 2035 vào khoảng 790.528 tỷ đồng. Kinh phí này không bao gồm chi phí đã đầu tư xây dựng cho tuyến 1 Bến Thành – Suối Tiên và một phần chi phí đã giải ngân cho tuyến 2 Bến Thành – Tham Lương trước năm 2025.
Trong đó, nhu cầu nguồn vốn cho giai đoạn 2021 – 2025 là 7.189 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và nguồn vốn đã được xác định cho tuyến metro số 2. Nhu cầu nguồn vốn cho giai đoạn 2026 – 2030 (bao gồm cả chi phí khai thác, vận hành) là 465.078 tỷ đồng, dự kiến lấy từ nguồn tăng thu của ngân sách thành phố giai đoạn 2024 – 2030 và nguồn dự kiến đề xuất trung ương tăng tỷ lệ TP.HCM được hưởng theo phân cấp, và nguồn vốn dự kiến phát hành trái phiếu của TP.HCM. Nhu cầu vốn cho giai đoạn 2031 – 2035 (giai đoạn hoàn thành 7 tuyến metro, bảo đảm mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 183 km) cần khoảng 318.261 tỷ đồng, cũng dự kiến lấy từ các nguồn tương tự.
Ngoài ra, nhằm tạo sự đồng bộ trên toàn hệ thống metro, Sở này đã đề xuất thống nhất xây dựng khổ đường ray đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 80 – 160 km/h cho các tuyến metro trên địa bàn. Lý giải về đề xuất này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng hiện nay các dự án metro tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA có ràng buộc hoặc ưu tiên sử dụng sản phẩm có xuất xứ nước tài trợ vốn; do vậy vẫn có sự khác biệt về kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khai thác vận hành, gây khó khăn trong việc đồng bộ hóa quản lý, kết nối trung chuyển…
Lấy ví dụ tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sử dụng vốn ODA của Nhật, các trang thiết bị, đầu máy, toa tàu, công nghệ đào tạo và quản lý của Nhật, trong khi tuyến metro Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sử dụng vốn ODA và công nghệ của Trung Quốc…
Ngoài các nguồn vốn huy động nói trên, TP.HCM cũng sẽ huy động vốn từ các nguồn vay, nguồn thu quyền sử dụng đất, nguồn thu từ phát triển đô thị theo định hướng TOD (Transit Oriented Development – mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường), kiều hối… Các tuyến metro cũng tạo ra cơ hội để phát triển TOD, tăng giá trị quỹ đất xung quanh các nhà ga; phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tp-hcm-trinh-de-an-xay-dung-metro-xuyen-thanh-pho.htm