Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã nêu vấn đề này tại kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố khóa X cuối tuần qua khi giải trình báo cáo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng đến năm 2030, thành phố vẫn giữ nguyên 22 đơn vị hành chính gồm thành phố Thủ Đức (đô thị loại I), 16 quận và 5 huyện. Trong giai đoạn này, các huyện nói trên sẽ không lên thành phố (tương tự như trường hợp thành phố Thủ Đức), thay vào đó sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để đạt tiêu chuẩn đô thị loại III. Song song đó, thành phố cũng tập trung gia tăng nội lực, định hình rõ nét mô hình “thành phố trong thành phố” đối với thành phố Thủ Đức.
TP.HCM tiến hành xây dựng Đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 – 2030. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra một trong những chương trình đột phá về đổi mới quản lý của Thành phố là “Chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030”.
Để bảo đảm điều kiện, cơ sở cho việc “Chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030”, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã chủ trương đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện nghiên cứu xây dựng Đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030. Sau đó, các huyện cũng xây dựng đề án riêng và đều đồng loạt mong muốn được lên thành phố trước năm 2030, với lý do khó đạt được các tiêu chí lên quận.
Trước đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; lập Chương trình phát triển đô thị TP.HCM song song với công tác lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đô thị để xây dựng Đề án công nhận loại đô thị tương ứng đối với từng thành phố dự kiến thành lập trong tương lai trên ranh giới hành chính các huyện hiện hữu.
Tại phiên giải trình vừa qua, ông Phan Văn Mãi cho biết hiện nay thành phố đang tập trung “gia cố” và định hình rõ nét về mô hình thành phố Thủ Đức. Quy hoạch chung của Thành phố giai đoạn 2030 – 2040 là sẽ xây dựng TP.HCM gồm 5 vùng đô thị, gồm: Vùng trung tâm (các quận nội thành hiện hữu), vùng Thủ Đức, khu Nam, khu Tây Bắc và khu Tây Nam. Sau năm 2030, nếu các khu Nam, Tây Bắc và Tây Nam hội đủ các tiêu chí thì có thể lên thành phố, tương tự như thành phố Thủ Đức. Riêng đối với huyện Cần Giờ, các cơ quan chức năng sẽ rà soát, tính toán thêm nhằm xác định trở thành khu riêng biệt, hay thuộc khu Nam. “Trong trường hợp nếu tách được Cần Giờ ra thì thành phố sẽ có tất cả 6 vùng”, ông Mãi nói thêm.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, đến sau năm 2030, Thành phố sẽ có cấu trúc như sau: Vùng trung tâm gồm các quận nội thành là đô thị đặc biệt; 4 đô thị trực thuộc (hướng tâm) là thành phố Thủ Đức, 3 đô thị loại II hay loại III gồm phía Bắc với Hóc Môn – Củ Chi, phía Tây với Bình Chánh và phía Nam với Nhà Bè, Cần Giờ và quận 7. Trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về sự phù hợp quy hoạch, phân loại đô thị và loại đơn vị hành chính, chính quyền thành phố sẽ xây dựng các đề án thành lập đơn vị hành chính mới, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hiện nay, hồ sơ Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Ủy ban nhân dân TP.HCM hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6, dự kiến phê duyệt trong quý III năm nay.
Được biết, tại một hội thảo về đề án chuyển các huyện ngoại thành lên quận cách đây không lâu, các chuyên gia đã lý giải vì sao các huyện chưa đủ tiêu chí lên quận. Cụ thể, muốn chuyển thành quận, các huyện phải đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt và đồng thời 100% các xã phải đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường; trong khi hầu hết các địa phương này đang còn khá nhiều diện tích đất nông nghiệp.
Cũng vì vậy mà các huyện đã lập đề án lên thành phố không phải chuyển đổi sang quận; bởi vì điều này đáp ứng mục tiêu chuyển các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị, và vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc (thành phố có nội thị và ngoại thị). Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, ngay cả việc bỏ qua quận để lên thẳng thành phố trực thuộc thành phố như trường hợp Thủ Đức cũng cần hội đủ 4 nhân tố: Cung ứng và chăm lo nhà ở cho người dân; tạo điều kiện tiếp cận tốt dịch vụ và an sinh xã hội; người dân cần thích nghi với môi trường sống ở đô thị; và ý thức, tuân thủ pháp luật cao.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tp-hcm-cac-huyen-se-khong-len-thanh-pho-den-nam-2030.htm