Ngày 13/3/2024, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 16, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Đề án công nhận các khu vực dự kiến thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh hoàn thiện đề án, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện Nghị quyết số 54 (ngày 10/12/2019) của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 108 (ngày 26/01/2024) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, mục tiêu quy hoạch đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế…
Do đó, việc xây dựng Đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập trở thành thành phố trực thuộc trung ương đạt tiêu chí loại I là yêu cầu khách quan, phản ánh vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập, phát huy thế mạnh đặc trưng “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thông minh và thân thiện môi trường”.
Trong tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phạm vi nghiên cứu lập đề án gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phạm vi đánh giá nội thị gồm 2 quận: quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương (tách ra từ TP. Huế hiện nay).
Các đô thị trực thuộc tỉnh: thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền.
Các huyện ngoại thành: Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang và khu vực dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Căn cứ khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết số 26/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị: “Đô thị được công nhận loại đô thị khi có các tiêu chí đạt điểm tối thiểu và tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 75 điểm trở lên”.
Qua rà soát, đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị Thừa Thiên Huế đạt tổng số điểm đạt 84,92 điểm/100 điểm, đảm bảo điều kiện để đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.
Trong 63 tiêu chuẩn, Thừa Thiên Huế có 28 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa. Có 28 tiêu chuẩn đạt quy định, trong đó có 08 tiêu chuẩn áp dụng đô thị có yếu tố đặc thù theo quy định của Nghị quyết 26…
Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 07 di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Trong đó, Quần thể di tích cố đô Huế là Di sản thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Việt Nam (1993 – di sản vật thể); Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 – di sản phi vật thể); Mộc bản triều Nguyễn (2009 – di sản tư liệu); Châu bản triều Nguyễn (2014 – di sản tư liệu); Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 – di sản tư liệu) và 02 di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) và được áp dụng đô thị có yếu tố đặc thù là phù hợp theo quy định tại Nghị quyết số 26 về phân loại đô thị.
Trên cơ sở tờ trình ở trên, để bảo đảm tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND tỉnh sớm trình Bộ Xây dựng thẩm định Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng bảo đảm yêu cầu phát triển đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, cảnh quan đô thị trong thời gian tới.
Theo chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, dân số toàn đô thị khoảng 1.500.000 người đến năm 2030. Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 70%. Đến năm 2045, dân số toàn đô thị khoảng 1.850.000 người. Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 75%. Tầm nhìn đến năm 2065, dân số toàn đô thị có thể dung nạp tối đa khoảng 2.300.000 người. Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 77%.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang hoàn thiện các hồ sơ trình các Bộ, ban, ngành, Chính phủ để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Trước đó, đầu năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã lấy ý kiến người dân về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, gần 90% người dân chọn phương án tên gọi “thành phố Huế” khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sau hơn 01 tháng tỉnh triển khai việc này.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/thua-thien-hue-bao-dam-dieu-kien-de-hinh-thanh-do-thi-loai-i.htm