TP.HCM đã tổ chức 2 lần báo cáo lấy ý kiến để hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cho TP.HCM. Các đơn vị tham mưu đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ ngành trung ương, địa phương cùng đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn chỉnh đồ án.
KHẮC PHỤC “VẾT DẦU LOANG”
Thông tin tại hội nghị cuối kỳ (lần 3) lấy ý kiến “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”, vừa được UBND TP.HCM tổ chức ngày 28/12/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chủ trì cho ra phiên bản gần cuối quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Như vậy, hiện nay đã có sự đồng bộ giữa Quy hoạch chiến lược quốc gia, Quy hoạch Vùng Đông Nam bộ và giờ là Quy hoạch chung TP.HCM.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho rằng lần này cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa về không gian phát triển, không gian đô thị, về mô hình đô thị đa trung tâm, các điều kiện để kết nối, phát huy. Đây cũng là điểm khắc phục tại sao trong thời gian qua dù có ý tưởng, có quy hoạch nhưng không thực hành được mà vẫn là “vết dầu loang”.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TP.HCM cần chú trọng đến không gian sông nước trong quy hoạch. Sông Sài Gòn đang và sẽ trở thành một biểu tượng của thành phố thì hướng tổ chức không gian thế nào? Thành phố có nhiều sông và nhiều mặt nước như thế thì cách nghiên cứu về tổ chức không gian cũng phải rất đặc biệt để tạo nên vị thế cho thành phố. Tính chất hướng biển của TP.HCM là một nội dung cũng rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố.
9 NHÓM NỘI DUNG CẦN ĐIỀU CHỈNH
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, TP.HCM được tổ chức theo 5 vùng đô thị với 5 trung tâm chính. Đó là trung tâm TP.HCM hiện nay, trung tâm TP. Thủ Đức, trung tâm thành phố phía Bắc (khu vực giao giữa Vành đai 3 và Quốc lộ 22 đến cao tốc Mộc Bài – TP.HCM), trung tâm thành phố phía Tây (khu vực Tân Kiên) và trung tâm thành phố phía Nam (khu vực Phú Mỹ Hưng mở rộng về phía Nam).
Đơn vị tư vấn cho rằng cần xây dựng các trục từ TP.HCM kết nối với các đô thị lớn trong vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hình thành các vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 3, Vành đai 4; xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đồng thời, TP.HCM cần tập trung mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu công nghệ thông tin tập trung; xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế; hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết trong quá trình triển khai quy hoạch chung thì Sở Giao thông vận tải đã cùng với đơn vị tư vấn cập nhật những nội dung liên quan đến quy hoạch vùng. TP.HCM giao cho Sở Giao thông vận tải làm việc trực tiếp với Sở Giao thông các tỉnh trong vùng cập nhật các tuyến kết nối hiện hữu, quy hoạch hiện hữu, tuyến kết nối bổ sung quy hoạch. Ví dụ như nối với Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương…, đơn vị tư vấn đã cập nhật, bổ sung vào quy hoạch.
Ngoài ra, có 9 nhóm nội dung quy hoạch chính cần được điều chỉnh. Cụ thể, Mô hình phát triển: Mô hình đa cực hướng đến mô hình thành phố đa trung tâm. Tổ chức thành các lưu vực sống và làm việc có sức hấp dẫn. Hướng phát triển: Cả 4 hướng từ vùng đô thị trung tâm.
Quy mô đất xây dựng đô thị: Đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới và đảm bảo thuận lợi, có tính khả thi cao hơn. Quy mô dân số và phân bố dân cư: Dự báo đủ các thành phần dân số để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo chất lượng đô thị với tầm nhìn đến năm 2060.
Phát triển đô thị có bản sắc: Đô thị lấy không gian cảnh quan cây xanh mặt nước làm trung tâm – GOD. Phát huy giá trị đô thị lịch sử – COD, được sự hỗ trợ của kết nối hạ tầng. Điều chỉnh các khu đơn năng quy mô lớn thành các khu phức hợp đa chức năng nhằm tăng tính khả thi, chất lượng và giá trị, hình thành các khu vực trọng điểm phát triển.
Giao thông: Tăng cường kết nối giao thông liên vùng; Bổ sung giao thông công cộng quy mô lớn – TOD; Tối đa khả năng kết nối mạng đường giao thông cấp 2 và cấp 3. Vấn đề mở rộng các đường hiện hữu, lựa chọn thay thế bằng các tuyến đường mở mới đi qua khu vực có giá trị giải toả thấp hơn và khả năng tái phát triển hai bên đường, tái định cư tại chỗ cao hơn.
Quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu trong tổ chức không gian và khuyến nghị điều chỉnh thiết kế chi tiết của một số khu chức năng trong các vùng có vai trò hỗ trợ thoát lũ để đảm bảo hỗ trợ thoát nước và liên kết sinh thái.
Hạ tầng xanh, bền vững: Dự trữ nguồn nước. Nâng tỷ lệ điện sạch; Sử dụng công nghệ xử lý CTR tiên tiến. Tối đa tỷ lệ xử lý nước thải.
Định hướng phát triển là thành phố đa tâm và đa dạng không gian sinh thái, hội tụ nguồn lực phát triển đô thị bởi sông Sài Gòn và 9 trục phát triển; lan tỏa cơ hội kinh tế theo 2 vành đai và hành lang kinh tế biển…
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị đơn vị tư vấn, Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát, tiếp thu ý kiến đóng góp để tổ chức các cuộc trao đổi chuyên sâu về các chủ đề trong thời gian tới.
Ông Mãi đặc biệt lưu ý phải rút kinh nghiệm từ quy hoạch chung TP. Thủ Đức, do đó công tác chuẩn bị hồ sơ phải hết sức chặt chẽ. Lẽ ra quy hoạch chung TP. Thủ Đức phải phê duyệt tháng 12/2022 nhưng đến bây giờ chưa xong giải trình, đã trễ 1 năm và còn trễ nữa. Chúng ta không để bài học này lặp lại với đồ án quy hoạch chung TP.HCM.
“Do đó, thành phố rất mong được lắng nghe hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch lần này nhằm rút ngắn được thời gian phải giải trình, phải hoàn thiện và phấn đấu trình hồ sơ trong quý 1/2024 để có thể sẽ được phê duyệt trong thời gian ngắn nhất sau khi có hồ sơ hoàn chỉnh”, ông Mãi nói.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/quy-hoach-chung-tp-hcm-khac-phuc-vet-dau-loang.htm