Khu đô thị Chu Lai (nằm trên địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được quy hoạch dựa trên cơ sở đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018.
Về tính chất, Khu kinh tế mở Chu Lai là khu đô thị với các chỉ tiêu tương đương đô thị loại II. Theo đồ án Quy hoạch, Khu đô thị Chu Lai được phân thành 02 khu vực:
Khu vực 1 là khu vực phát triển đô thị phía Tây Nam đường Võ Chí Công, với diện tích 195,24 ha. Đây là khu vực phát triển đô thị sinh thái trong tổng thể Khu đô thị Chu Lai, với trục trung tâm là trục điểm nhấn của toàn bộ khu đô thị. Khu vực 1 bao gồm các khu vực ở mang tính chất sinh thái, hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khu vực nhà ở chỉnh trang cho phù hợp với không gian cảnh quan chung Khu đô thị Chu Lai; các khu chung cư cao tầng và văn phòng, công trình dịch vụ công cộng nằm hai bên trục cảnh quan song lập; hệ thống công trình hỗn hợp, dịch vụ, văn phòng, khách sạn tập trung tạo nên các tiện ích đặc trưng, kết hợp cùng bến thuyền tạo thành cụm cảnh quan nổi bật cho toàn bộ khu đô thị.
Khu vực 2 là khu vực phát triển đô thị Đông Bắc đường Võ Chí Công, diện tích khoảng 134,08 ha. Đây là khu đô thị hỗn hợp, mật độ dân cư tập trung cao, gồm: Các khu ở đô thị mật độ cao; khu ở mang tính chất du lịch và nghỉ dưỡng; khu nhà ở xã hội, công nhân và tái định cư; khu trung tâm dịch vụ hỗn hợp ven sông với các công trình; tận dụng cảnh quan ven sông để tạo lập không gian sống sinh thái gắn với mặt nước, đồng thời hỗ trợ điều hòa nước cho toàn khu đô thị.
Khu vực Chu Lai – Quảng Nam được Bộ Chính trị chọn để xây dựng Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước theo Thông báo số 232-TB/TW ngày 10/7/1999 và Thông báo số 79-TB/TW ngày 27/9/2002.
Ngày 05/6/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chính thức xác lập mô hình khu kinh tế ven biển đầu tiên tại Việt Nam.
Sau gần 15 năm hình thành và phát triển, đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai đã trở thành một trong những trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đây cũng là khu vực phát triển đô thị, là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, trung tâm cơ khí – điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; trung tâm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai – Kỳ Hà; đồng thời là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Khu kinh tế mở Chu Lai có tổng diện tích tự nhiên 27.040 ha, trải dài trên 16 xã, phường, thị trấn vùng đông ven biển của huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Khu kinh tế mở Chu Lai bao gồm:
Tiểu khu phi thuế quan, gắn với cảng Kỳ Hà bao gồm các hoạt động: sản xuất hàng xuất khẩu và hàng phục vụ tại chỗ (cả gia công, tác chế); thương mại hàng hóa (bao gồm cả xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tam nhập – tái xuất, phân phối, siêu thị bán lẻ); thương mại dịch vụ (phân loại, đóng gói, vận chuyển giao nhận hàng hoá quá cảnh, bảo quản, kho tàng bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, vui chơi, kho giải trí, nhà hàng ăn uống); xúc tiến thương mại…
Khu thuế quan gồm: các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu giải trí đặc biệt, khu dịch vụ, khu dân cư và hành chính.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/quang-nam-phe-duyet-do-an-quy-hoach-phan-khudo-thichu-lai-hon-329ha.htm