BỆ PHÓNG CHO NỀN KINH TẾ
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khá lớn so với các tháng trong năm, đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số giải ngân cao nhất trong các năm trở lại đây.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện.
FDI tăng mạnh là một dấu ấn tích cực, phản ánh sự ổn định và khả năng hấp thụ nguồn vốn quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần nguồn lực bổ sung để thúc đẩy sản xuất và kinh doanh, việc gia tăng vốn FDI thực hiện càng khẳng định vai trò quan trọng của đầu tư nước ngoài trong việc duy trì đà phát triển bền vững của nền kinh tế.
FDI “ĐỔ MẠNH” VÀO BẤT ĐỘNG SẢN
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ khi đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Đây là con số cao chỉ sau năm 2008 và cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Việc dòng vốn đổ vào bất động sản tăng mạnh cũng phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển bền vững của thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là thời điểm “chớm nở” của một chu kỳ mới trong bất động sản. Hiện nay, Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững; tăng trưởng kinh tế ổn định và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tạo ra nhu cầu ngày càng cao về nhà ở và dịch vụ liên quan; sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, bao gồm các dự án giao thông, điện, nước và tiện ích công cộng, giúp nâng cao chất lượng sống và gia tăng giá trị bất động sản, càng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy FDI “đổ” vào lĩnh vực này.
NHỮNG “ĐIỂM NÓNG” FDI THU HÚT LÀN SÓNG ĐẦU TƯ
Số vốn FDI mới thu hút chủ yếu tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định, có nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… như Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang.
Kết thúc tháng 11, với thu hút FDI đạt hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, chiếm vị trí “á quân” cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI, Quảng Ninh hiện nằm trong những điểm “hút FDI” mạnh mẽ nhất cả nước. Trong số đó có 29 dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt 1.651,09 triệu USD và 20 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 217,41 triệu USD.
Đặc biệt, ngày 1/11/2024, Quảng Ninh có thêm thành phố thứ 5 khi Đông Triều chính thức lên thành phố theo Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Do đó, cú hích mạnh mẽ từ sự kiện này không chỉ là cột mốc lịch sử mà còn là “đòn bẩy vàng”, đưa khu vực này trở thành “thỏi nam châm” hút dòng vốn và cơ hội đầu tư.
Theo lời khuyên từ các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, xu hướng chọn bất động sản hiện nay phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: Đất ở lâu dài, vùng giá còn thấp, có thổ cư, đất thuộc các địa phương chuẩn bị lên thị xã, thành phố,… Đặc biệt, các nhà đầu tư nên mua và nắm giữ trong một thời gian đủ dài, trở thành tài sản tích lũy lớn. Đây là tiền đề chống lạm phát, đồng thời khi tích lũy được nhiều tài sản, thị trường vào chu kỳ tăng giá “phi mã”, mỗi tài sản sẽ giống như một “doanh nghiệp” riêng và ra sức kiếm tiền.
Hiện nay, thành phố Đông Triều đang được tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, phấn đấu trở thành đô thị sầm uất, vùng động lực phát triển, trục tăng trưởng phía Tây của tỉnh. Nắm bắt được những tiền đề này, đặc biệt khi sở hữu nhiều lợi thế như vùng giá còn “mềm” của vùng đất mới tiềm năng, các nhà đầu tư thức thời đang có xu hướng nhanh chóng tìm về “vùng trũng” bất động sản Đông Triều.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/lan-song-fdi-dang-lan-toa-manh-me-den-nhung-dia-phuong-giup-gia-tang-suc-hut-vao-bat-dong-san.htm