Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản ghi nhận những tín hiệu tích cực, về thu hút vốn đầu tư và số doanh nghiệp bất động sản đăng ký mới…
GẦN 2 TỶ USD VỐN NGOẠI ĐỔ VÀO BẤT ĐỘNG SẢN
Theo số liệu từ đơn vị này, tính đến ngày 20/5/2024, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đầu tư mới duy trì mức tăng cao so cùng kỳ, kể cả về số dự án và vốn đầu tư. Cụ thể, có 1.227 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, (tăng 27,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 50,8% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, có 440 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, (giảm 9,3% so với cùng kỳ). Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 2,08 tỷ USD, (giảm 8,7% so với cùng kỳ); có 1.158 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 9,4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 1,05 tỷ USD, (giảm 68,2% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập chung vào 17 ngành trên tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, bao gồm: công nghiệp chế tạo chế biến… Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, (sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo), với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,98 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, (tăng 70,8% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, dữ liệu cũng ghi nhận trong tháng 5, cả nước có hơn 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 93,2 nghìn tỷ đồng, và số lao động đăng ký gần 72,6 nghìn lao động. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 64,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 601,2 nghìn tỷ đồng, và tổng số lao động đăng ký 426,4 nghìn lao động; đã tăng 4,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký, tăng 5% về số lao động, so với cùng kỳ năm trước.
Riêng ngành bất động sản, 5 tháng đầu năm, cả nước có 1.782 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, bằng 102,2% so với cùng kỳ 2023. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.529 doanh nghiệp, bằng 124,7% so với cùng kỳ.
Từ thông tin trên có thể thấy tình hình hoạt động bất động sản xuất hiện nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt tại TP.HCM, báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê TP.HCM cũng thể hiện trong tháng 5, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản của thành phố đạt 101.814 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,4%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ khác của thành phố là 172.491 tỷ đồng, tăng 8,6%. Trong đó, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 101.814 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,4%. Như vậy, bước qua tháng 5, ngành kinh doanh bất động sản TP.HCM đón nhận thêm một tháng khởi sắc. Trước đó, 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 80.845 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
NHU CẦU ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM VẪN HIỆN HỮU
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản tổ chức và doanh nghiệp. Nhu cầu từ nhà đầu tư, đặc biệt là trong khu vực rất lớn, đơn cử như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản vô cùng quan tâm đến các tài sản thương mại đang vận hành, cũng như những dự án nhà ở. Mặt khác, với lợi thế của Việt Nam nằm ở dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.
Cũng theo vị này, dù vẫn tồn tại không ít thách thức, thăng trầm của chu kỳ thương mại song về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến tất cả lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam. Một số nhà đầu tư chuyên môn hơn, họ đang chú ý đến các trung tâm dữ liệu, một số khác tập trung vào logistics, khu công nghiệp, kho bãi. Phần lớn FDI liên quan đến sản xuất, vì vậy FDI quốc tế tập trung vào các địa điểm sản xuất chất lượng cao.
Điều này cho thấy nhu cầu về khu vực sản xuất chất lượng cao ngày càng lớn, cùng với nhà đầu tư bán lẻ và khách sạn chuyên biệt. “Mặc dù việc hoàn thành giao dịch bất động sản thực tại tại Việt Nam có thể gặp thách thức, nhưng chắc chắn nhu cầu luôn hiện hữu”, chuyên gia Savills bình luận.
Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, cho rằng đúng như dự báo, bước vào năm 2024, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Sau khoảng 1 năm, những cơ chế, chính sách nhằm “giải cứu” thị trường bất động sản bắt đầu phát huy hiệu quả hơn trong thực tế. Hơn nữa, các dự án luật sửa đổi, bổ sung liên quan chặt chẽ đến thị trường bất động sản được Quốc hội thông qua đã tạo tâm lý ổn định cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển dự án. Chỉ số tâm lý thị trường tăng lên do mức độ hài lòng được cải thiện rõ rệt, cùng với lãi suất ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp hơn trước đây, sẽ trở thành điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản trong năm 2024”, Giám đốc khu vực miền Nam cho hay.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định để giúp thị trường bất động sản năm 2024 và những năm tiếp theo phục hồi tốt hơn, phát triển bền vững, Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn. Việc điều hành chính sách tín dụng cần nghiên cứu, áp dụng các gói tài chính ưu đãi về lãi suất đối với cả chủ đầu tư, lẫn người mua nhà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận với nguồn vốn ngoại. Cùng với đó, nghiên cứu phương án giảm thuế đối với ngành hàng là đầu vào của bất động sản, tiếp tục áp dụng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm, giãn, hoãn, miễn một số loại thuế, phí.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/kinh-doanh-bat-dong-san-tich-cuc-hon-trong-5-thang-dau-nam.htm