Ngày 29/8, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh phối hợp với Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng (IIB) và VFA Group tổ chức tọa đàm “Nhận diện dòng tiền và đón sóng bất động sản kết nối hạ tầng cao tốc” nhằm cập nhật thông tin về nhận diện dòng tiền và thị trường bất động sản.
DÒNG TIỀN VÀO BẤT ĐỘNG SẢN VẪN CÒN “HẸP”
Tại tọa đàm, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học & Kinh tế ứng dụng, nhận định thị trường bất động sản hiện nay đang rất nghịch lý khi năm nay dù kinh tế còn khó khăn nhưng dòng tiền vào thị trường bất động sản có nhiều triển vọng. Bên cạnh vùng nền của dự án bất động sản (dân cư tập trung và sẽ tập trung) thì hoạt động kinh doanh của thị trường bất động sản còn lệ thuộc vào dòng tiền đầu tư vào thị trường này…
Tuy nhiên, cũng còn những tác động hạn chế dòng tiền vào thị trường bất động sản 2024 như: áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp nên dòng tiền bị thu hẹp, hoạt động kinh doanh trên thị trường vẫn gặp khó khăn khi thanh khoản giảm, hàng tồn kho tăng, lo ngại tình trạng nợ xấu… Một nguyên nhân khác là vàng và tỷ giá USD tăng mạnh cũng khiến dòng tiền ngừng chảy vào bất động sản.
Tính đến tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu dự kiến 5-7%, làm hạn chế tín dụng với các công ty kinh doanh không tốt. Tổng dư nợ tín dụng đến 30/6/2024 là 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, tập trung vào tháng 6 với nguồn cung ra hơn 487 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, mức huy động chỉ tăng 1,5% khiến các ngân hàng có thể gặp khó về nguồn vốn.
Tín dụng bất động sản hiện chưa thuận lợi, 6 tháng đầu năm là hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng dư nợ, tăng 6,8% so với cuối năm 2023, nhưng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ tăng 1,86% so với cuối năm 2023. Dòng vốn lũy kế dư nợ “chôn” nhiều trong dự án lớn so với dòng vốn mới kinh doanh. Đăc biệt, thị trường bất động sản có thanh khoản thấp, hàng tồn tăng, tỷ lệ doanh thu/hàng tồn chỉ khoảng 2,3%.
Qua những số liệu trên, TS. Đinh Thế Hiển dự báo dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn. Trong 2 năm tới 2025 – 2026, dòng vốn quan trọng nhất đầu tư vào bất động sản vẫn từ nhà đầu tư và tín dụng ngân hàng. Tín dụng ngân hàng sẽ khả quan từ quý 2/2025 nhưng vốn nhà đầu tư sẽ tăng mạnh từ quý 2/2026.
Nhận định về hoạt động của thị trường, TS.Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng (IIB), cho hay thị trường từ nay tới cuối năm 2024 nếu có “ấm lại” thì cũng chủ yếu tập trung ở thị trường thứ cấp. Bước sang năm 2025, thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố vĩ mô và việc thực thi các luật mới liên quan đến bất động sản…
KẾT NỐI HẠ TẦNG CAO TỐC, ĐÓN SÓNG BẤT ĐỘNG SẢN
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng thời gian qua, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi tích cực tại một số địa bàn và phân khúc, nguồn cung được cải thiện và giao dịch đã trở lại. Hiệu quả của dự án hạ tầng được hiện thực hóa khi sự phát triển các dự án bất động sản đi theo bền vững và có sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Về kế hoạch đầu tư công của Chính phủ đối với khu vực phía nam, nhiều dự án quy mô lớn từ sân bay, vành đai 3 TP.HCM đang xây dựng, vành đai 2 TP.HCM khép kín các đoạn còn lại, vành đai 4 ấn định thời gian triển khai, cùng nhiều tuyến đường được mở rộng tại khu tây và khu đông TP.HCM, các đường cao tốc và nhiều dự án cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Các chuyên gia đánh giá việc Chính phủ đẩy mạnh hạ tầng để thúc đẩy kinh tế, thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý các dự án bất động sản sẽ không thể phát huy vai trò là hạt nhân của đô thị nếu các dự án hạ tầng giao thông kết nối không được hình thành. Nói cách khác, hiệu quả của một dự án hạ tầng chỉ được hiện thực hóa khi sự phát triển các dự án bất động sản đi theo phải bền vững và có sự dẫn dắt đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng pháp lý chưa rõ ràng và các thủ tục hành chính còn phức tạp. Nhiều dự án bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư.
Dẫu vậy, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Các chuyên gia dự báo rằng, trong những năm tới, thị trường sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông lớn, cũng như các chính sách thúc đẩy phát triển đô thị và công nghiệp của Chính phủ.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ket-noi-ha-tang-cao-toc-thuc-day-thi-truong-bat-dong-san.htm