Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Hải Phòng có 30 phường được chuyển đổi từ xã (quận Hồng Bàng 3, quận An Dương 10, TP. Thuỷ Nguyên 17), trong đó, có nhiều phường vẫn chưa hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, cần tiếp tục được cấp vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng nông thôn mới kiểu mẫu.
TOÀN BỘ 137 XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
Năm 2021, Hải Phòng có Nghị quyết 14/2021 về xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu trên địa bàn. Theo đó, Hải Phòng sẽ chi hơn 17.856 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố (gồm hơn 16.510 tỷ đồng vốn đầu tư công và 1.346 tỷ đồng vốn sự nghiệp, vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác) để hỗ trợ 137 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nguồn vốn này được chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 2021-2025 phân bổ hơn 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, giai đoạn 2026-2030 sẽ phân bổ hết hơn 1.300 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại.
Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các xã của thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm nâng cao đời sống vật chất, cải thiện điều kiện sống người dân nông thôn. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại theo hướng đô thị, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đưa thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn đạt trên 70 triệu đồng/năm.
Theo kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công của UBND TP. Hải Phòng, lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 được chia ra làm các giai đoạn: Giai đoạn 2021-2023, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 84 xã; Giai đoạn 2024-2025, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 45 xã. Trước đó, giai đoạn 2020-2021, khi chưa có nghị quyết về nông thôn mới kiểu mẫu, Hải Phòng đã triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã.
Đến hết năm 2024, Hải Phòng đã phân bổ hơn 10.690 tỷ vốn đầu tư công trong tổng số hơn 17.856 tỷ dự chi cho chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cho các xã thực hiện tổng cộng 2.605 các công trình, dự án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, có 1.987 công trình đường giao thông, 215 trường học, 369 nhà văn hoá, 32 công trình y tế và 2 công trình về thu gom, xử lý môi trường.
Từ nguồn vốn đầu tư công, các huyện đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo, sữa chữa nhựa hoá được 952km đường trục chính từ đường huyện về đến các trung tâm xã, đường trục chính liên xã có chiều rộng tối thiểu 9m và 1.410km đường thôn, liên thôn có chiều rộng tối thiểu 7m được cứng hoá bê tông, bê tông nhựa đạt tiêu chí ô tô đi lại thuận lợi. Toàn bộ 2.295km đường, ngõ xóm trên địa bàn 137 xã được bê tông, bê tông nhựa đảm bảo tiêu chí vận chuyển hàng hoá thuận tiện. Các xã cũng hoàn thành việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp 1.852km2 đường trục chính nội đồng đạt tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số hơn 6.000km đường giao thông nông thôn mới được đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng này mới chỉ có 50% số đoạn, tuyến của những tuyến đường này đạt tiêu chí đường nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài tiêu chí xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội kể trên, những tiêu chí về y tế, giáo dục, môi trường đối với xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng được đầu tư mạnh mẽ. Đến tháng 7/2024, Hải Phòng có 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, trong số này mới có 54 xã đạt đầy đủ tiêu chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
HOÀN THIỆN TIÊU CHÍ TẠI CÁC XÃ CHUYỂN THÀNH PHƯỜNG
Trong khi đang hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu thì từ ngày 1/1/2025, thành phố Hải Phòng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 1232/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, từ 137 xã tại các huyện ngoại thành được sắp xếp, chuyển đổi thành 77 xã 30 phường.
Đối với 30 phường sau sắp xếp, có 3 xã của huyện An Dương nhập về hình thành 3 phường của quận Hồng Bàng là các phường Đại Bản, An Hưng, An Hồng. Còn lại 16 xã của huyện An Dương được sắp xếp, chuyển đổi thành 10 phường của quận An Dương. Tại huyện Thuỷ Nguyên, từ 33 xã, thị trấn được sắp xếp chuyển đổi thành 17 phường và 4 xã thuộc TP. Thuỷ Nguyên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng các xã được nhập về khu vực đô thị, được sắp xếp, chuyển đổi thành phường chưa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (trong đó chủ yếu là tiêu chí về hạ tầng giao thông). Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND TP. Hải Phòng cần có cơ chế, chính sách để tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại khu vực xã nông thôn vừa được chuyển thành đô thị.
Đồng thời, để đạt mục tiêu năm 2025: toàn bộ các xã của Hải Phòng hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị TP. Hải Phòng đẩy mạnh tiến độ cấp gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của giai đoạn 2021-2025 và cấp luôn hơn 1.300 tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2026- 2030 trong năm tài chính 2025 để các địa phương có nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vướng mắc lớn nhất trong thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu không phải việc thay đổi, sắp xếp đơn vị hành chính. Vướng mắc chính là năng lực điều hành dự án của một số địa phương còn hạn chế, dẫn đến việc lựa chọn danh mục đầu tư, triển khai dự án của một số ban quản lý dự án các huyện chưa sát thực tế, dẫn đến việc dự án phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, do giá đất biến động tăng mạnh, nhiều hộ dân chỉ đồng ý hiến tặng đất làm đường giao thông, không đồng ý hiến đất làm vỉa hè, rãnh thoát nước… nên việc thực hiện đầy đủ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Hơn 621.000 m2 đất được hiến để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng, để xây dựng toàn bộ các xã thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, toàn thành phố có 26.758 tổ chức, hộ gia đình đã hiến tổng cộng 621.000 m2 đất (hơn 317.000 m2 đất ở, hơn 304.000 m2 đất nông nghiệp) với giá trị quy đổi hơn 4.556 tỷ đồng.
Trong số này có 19.770 trường hợp đủ điều kiện được hỗ trợ vật kiến trúc trên đất với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1.000 tỷ đồng. Đối với 6.988 trường hợp công trình, vật kiến trúc còn lại phải tháo dỡ không thuộc đối tượng hỗ trợ do những công trình, vật kiến trúc này được các tổ chức, cá nhân xây dựng trên diện tích đất hành lang an toàn giao thông, đất công ích phải giải toả để thực hiện xây dựng công trình nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/hai-phong-tiep-tuc-hoan-thien-tieu-chi-nong-thon-moi-kieu-mau-tai-cac-xa-chuyen-thanh-phuong.htm