Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Tính từ giai đoạn sau Covid-19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Chính sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa được xem là yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế đối với thị trường này”.
Ngoài ra khiến thị trường thu hút các thương hiệu nổi tiếng còn do số người siêu giàu tại Việt Nam ghi nhận tăng mạnh mẽ trong 5 năm qua và dự báo tiếp tục tăng vọt trong 5 năm tới. “Triển vọng doanh số của các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam đã góp phần hình thành động lực cho việc mở rộng và kéo các hãng mới mở về thị trường Việt Nam”, bà Minh nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam là khi so cùng những quốc gia lân cận như: Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng thương hiệu quốc tế có mặt ở Việt Nam vẫn hạn chế. Điều này là cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ muốn tìm kiếm bước tiến đầu tiên tại đây.
Trong đó, Hà Nội đang thu hút sự chú ý như một điểm nóng cho sự phát triển của bán lẻ nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, mật độ dân số cao, số lượng hộ dân có thu nhập trung bình gia tăng, đi kèm lực lượng trong độ tuổi lao động lớn. Những yếu tố nền tảng mạnh mẽ đó đã tạo nên nhu cầu khổng lồ về bán lẻ đối với thị trường Thủ đô.
Thị trường đồng thời ghi nhận sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với hàng loạt hoạt động. Các thương hiệu cao cấp thường sử dụng chiến lược một cửa hàng ở địa điểm đắc địa. Tại Hà Nội, từ năm 2021 tới nay, khu vực Hoàn Kiếm, đặc biệt trên trục phố Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền liên tục chào đón sự xuất hiện và mở rộng của những thương hiệu từ cao cấp đến xa xỉ như: Louis Vuitton, Dior, Berluti, Tiffany & Co., Maje, Longchamp hay gần đây nhất có Piaget, Watches of Switzerland…
Tuy nhiên, theo Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, hiện nay các đơn vị bán lẻ trong nước lẫn nước ngoài đang có xu hướng chuyển vào những trung tâm thương mại. “Với lợi thế được phát triển bài bản hơn là thuê nhà phố nhỏ lẻ, trung tâm thương mại đang làm ngày một tốt hơn bài toán xây dựng danh mục khách thuê, nâng cấp dịch vụ, tiện ích, hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ cho khách bán lẻ. Trong khi đó, khu phố cổ vốn tập trung nhiều nhà phố và buôn bán nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn khi tìm khách thuê lấp đầy vào giai đoạn này”, chuyên gia phân tích.
Mặc dầu vậy, bà Minh lưu ý vẫn tồn tại một số thách thức đáng kể là số lượng trung tâm thương mại Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các thương hiệu quốc tế. Do đó, sự xuất hiện của trung tâm thương mại mới trong tương lai sẽ là yếu tố quyết định, không chỉ tạo ra không gian cho các thương hiệu mới mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh và đa dạng hóa trong thị trường bán lẻ. Thị trường Hà Nội, với tiềm năng chưa khai thác hết, chắc chắn là điểm đến hấp dẫn cho sự mở rộng của thương hiệu quốc tế vào thời gian tới.
Nhận định về thị trường bán lẻ năm 2024, bà Minh cho biết: “Thị trường bán lẻ năm 2024 và 2025 hứa hẹn ngày càng sôi động hơn, khi Việt Nam được đánh giá là thị trường trọng điểm của Đông Nam Á để các đơn vị bán lẻ quốc tế có thể mở rộng hoạt động, kéo theo nguồn cầu thị trường lớn. Thị trường dự kiến đón nhận thêm nguồn cung mới chất lượng cao cho phân khúc trung tâm thương mại tại Hà Nội trong 3 năm tới. Trong khi đó, phân khúc nhà phố, khối đế bản lẻ khu chung cư còn gặp khó khăn trong việc cho thuê, và giá thuê khó có thể tăng theo giá mặt bằng chung của trung tâm thương mại do đặc thù về quy mô, dịch vụ, tệp khách thuê của từng dự án.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ha-noi-mat-bang-ban-le-lien-tuc-thu-hut-cac-thuong-hieu-tu-cao-cap.htm