Ga Bình Triệu được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (nay là Sở Quy hoạch – Kiến trúc) phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu vào tháng 3/2002, quy mô khoảng 41 ha.
QUY HOẠCH “TREO” SUỐT 22 NĂM
Tại buổi họp cung cấp thông tin báo chí mới đây, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho biết, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020; theo đó, ga Bình Triệu được xác định là ga khách kỹ thuật phía bắc.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì ga Bình Triệu được xác định là ga đầu mối hành khách đường sắt quốc gia của khu vực đầu mối TP.HCM.
Thực tế đến nay, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa lập kế hoạch triển khai đầu tư. Việc quy hoạch “treo” suốt 22 năm qua đã khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân với trên 15.000 nhân khẩu trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Do có vai trò quan trọng trong quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia và kết nối giao thông công cộng của TP.HCM, nên theo TP.HCM việc quy hoạch dự trữ khu ga Bình Triệu là cần thiết nhằm ổn định quy hoạch sử dụng đất, quản lý tốt quỹ đất cho phát triển giao thông.
TP.HCM đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đề cập đến quy hoạch ga Bình Triệu, đồ án nhấn mạnh rằng để khai thác hiệu quả khu vực ga Bình Triệu, chức năng của ga đã được bổ sung, trở thành ga hành khách cho các tuyến đường sắt đô thị phục vụ các tuyến metro quy hoạch mới (số 3, 6, 8). Đồng thời, khu vực này cũng được tổ chức quy hoạch theo mô hình TOD (Transit Oriented Development, là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).
Hiện khu vực quy hoạch 42 ha vẫn chỉ là bãi đất trống, khu vực ga không còn chức năng đón trả hành khách, chỉ còn lại vài toa tàu cũ phơi nắng mưa, người dân tận dụng bãi đất trống khu vực ga để trồng rau, các khu dân cư xung quanh vướng quy hoạch nên người dân cũng chưa biết thế nào. Nhiều ngôi nhà trong khu quy hoạch đã xuống cấp nhưng không thể xây mới.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức lập đồ án chuyên ngành giao thông, trong đó sẽ nghiên cứu kế hoạch tổ chức đầu tư các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị.
SẼ QUY HOẠCH THÀNH GA METRO
Như vậy, theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, ga Bình Triệu đã được “làm mới” thành ga hành khách các các tuyến metro, cụ thể là các tuyến số 3, số 6 và số 8; đồng thời được tổ chức quy hoạch đồng bộ theo mô hình TOD. Tuyến metro số 3b Ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước theo quy hoạch dự kiến sẽ bố trí nhà ga metro gần ga Bình Triệu, và trong tương lai sẽ liên kết với hệ thống metro theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh Bình Dương.
Trước đó, tháng 9/2023, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam tại Quyết định 1769, đường sắt quốc gia đoạn Bình Triệu – Hòa Hưng (tức ga Sài Gòn) được định hướng chuyển thành metro sau khi hoàn thành dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam (đi theo hướng song hành với cao tốc TP.HCM – Long Thành về ga Thủ Thiêm, có hướng chuyển từ Đồng Nai về ga An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Cục Đường sắt Việt Nam cũng được Bộ Giao thông vận tải giao lập quy hoạch đường sắt, quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
Trước đó, vào tháng 7/2023, Liên danh tư vấn Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận phía Nam (TEDI South) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI) đã hoàn tất báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến – ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Cụ thể, tư vấn đề xuất 3 ga hành khách chính tại khu đầu mối TP.HCM; trong đó, ga Bình Triệu (gọi là ga Sài Gòn Bắc) là ga lập tàu khách, có nhiệm vụ đón và phát tàu khách.
Hai ga khác là ga Tân Kiên và ga Thủ Thiêm. Ga Tân Kiên (ga Sài Gòn Nam) là ga hỗn hợp hành khách và hàng hóa. Nhà ga làm nhiệm vụ xếp, dỡ hàng hóa phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa từ khu vực phía nam TP.HCM, đi và đến TP.HCM. Và ga Thủ Thiêm là ga đầu mối tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành. Cả 3 ga đều là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Tuy nhiên, tháng 7/2024 vừa qua, Liên danh TEDI South – CCTDI cũng đã có báo cáo cuối kỳ lập quy hoạch các tuyến – ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM gửi Bộ Giao thông vận tải, trong đó đề xuất quy mô xây dựng ga Bình Triệu chỉ có diện tích khoảng 15,1 ha. Trong báo cáo này, ga Bình Triệu được xác định là đầu mối giao thông, trung chuyển hành khách, thu gom và phân tán khách đến/đi từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ga-tau-hoa-binh-trieu-duoc-quy-hoach-thanh-ga-metro.htm