Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có Tờ trình số 10487 về ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM (Tờ trình 10487).
Đây là tờ trình lần thứ 4 sau cuộc họp của Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM ngày 14/10/2024.
NHIỀU SỬA ĐỔI TẠI BẢNG GIÁ ĐẤT LẦN 4
Theo Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM, tại các tờ trình trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng dữ liệu giá đất nông nghiệp tính bồi thường trên địa bàn thành phố, để đề xuất giá đất nông nghiệp là chưa phản ánh đầy đủ giá đất nông nghiệp thuần túy cho hoạt động trồng trọt, sản xuất.
Tuy nhiên, tại Tờ trình 10487, Sở đã xây dựng bảng giá đất đối với đất nông nghiệp trên cơ sở giá đất nông nghiệp quy định tại Quyết định 02/2020 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) theo Quyết định số 56/2023, nhằm đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất nông nghiệp là phù hợp.
Trong đó, khu vực 1 nhân hệ số K 2,7 lần. Khu vực 2 nhân hệ số K 2,6 lần. Khu vực 3 nhân hệ số K 2,5 lần.
Điều này cũng không ảnh hưởng đến trường hợp Nhà nước thu hồi đất, vì khi đó, người bị thu hồi đất sẽ được xác định giá đất cụ thể theo giá thị trường để tính bồi thường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, một số điểm sửa đổi, bổ sung ở bảng giá đất lần này, như: sửa đổi bảng giá với các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở, đất thương mại dịch vụ…).
Ngoài ra, điểm sửa đổi, bổ sung nữa là trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh. Cụ thể, nếu chênh lệch giá giữa đơn giá đất sản xuất kinh doanh với đơn giá đất nông nghiệp mà thấp hơn đơn giá đất nông nghiệp thì tiền sử dụng đất được xác định theo đơn giá đất của đất trồng cây lâu năm tương ứng cùng khu vực, cùng vị trí.
Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, nếu chênh lệch giá giữa đơn giá đất ở với đơn giá đất nông nghiệp thấp hơn đơn giá đất nông nghiệp thì tiền sử dụng đất được xác định theo đơn giá đất của đất trồng cây lâu năm tương ứng cùng khu vực, vị trí.
Giá đất nông nghiệp khác được tính bằng giá của loại đất nông nghiệp liền kề. Trường hợp không có giá của loại đất nông nghiệp liền kề thì tính bằng giá của loại đất nông nghiệp trước khi chuyển sang loại đất nông nghiệp khác.
Đối với đất chưa sử dụng, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để đưa vào sử dụng thì căn cứ phương pháp định giá đất và giá của loại đất cùng mục đích sử dụng đã được giao đất, cho thuê đất tại khu vực lân cận để xác định mức giá…
GIÁ ĐẤT Ở CAO NHẤT HƠN 687 TRIỆU ĐỒNG/M2
Đối với đất ở, giá đất ở trung tâm quận 1 tại các đường: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi cao nhất của thành phố, lên đến 687,2 triệu đồng/m2. So với dự thảo bảng giá đất tháng 7/2024 là 810 triệu đồng/m2, giá đất điều chỉnh đã giảm 122,8 triệu đồng/m2, nhưng cũng tăng 4,2 lần so với bảng giá hiện hành.
Mức giá dự kiến ở một số tuyến đường lân cận như: Đông Du là 409 triệu đồng/m2, tuyến Hai Bà Trưng (tùy đoạn) có giá từ 350-450 triệu đồng/m2, đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành) có giá 447 triệu đồng/m2.
Khu vực quận 3, toàn bộ tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Hai Bà Trưng, đường Nguyễn Thị Minh Khai dự kiến là nơi có giá đất mới cao nhất quận 3, từ 305-340 triệu đồng/m2.
Tại các huyện: Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi, giá đất dự kiến giảm mạnh so với dự thảo bảng giá đất điều chỉnh trước đây. Chẳng hạn, giá đất tại đường Song hành quốc lộ 22 (đoạn Nguyễn Ảnh Thủ đến Lý Thường Kiệt đã tăng 51 lần trong dự thảo cũ, nay đã điều chỉnh giảm còn 23 lần).
ĐẤT NÔNG NGHIỆP PHÂN LÀM 03 KHU VỰC
Theo Tờ trình 10487 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đất nông nghiệp sẽ phân làm 03 khu vực và 03 vị trí.
Cụ thể, khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận.
Khu vực 2 gồm các quận: 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và TP. Thủ Đức.
Khu vực 3 gồm 05 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.
Quy định về 03 vị trí, gồm: Vị trí 1: thửa đất tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 200 m. Vị trí 2: thửa đất không tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 400 m. Vị trí 3: các vị trí còn lại.
Theo đó, giá đất trồng cây hàng năm (đất lúa và đất trồng cây hàng năm khác) ở khu vực 1, vị trí 1 là 765.000 đồng/m2, vị trí 2 là 540.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 432.000 đồng/m2.
Đối với khu vực 2, vị trí 1 là 650.000 đồng/m2, vị trí 2 là 520.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 416.000 đồng/m2.
Đối với khu vực 3, vị trí 1 là 625.000 đồng/m2, vị trí 2 là 500.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 400.000 đồng/m2.
Đối với đất trồng cây lâu năm, ở khu vực 1, vị trí 1 là 810.000 đồng/m2, vị trí 2 là 648.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 518.000 đồng/m2.
Đối với khu vực 2, vị trí 1 là 780.000 đồng/m2, vị trí 2 là 624.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 499.000 đồng/m2.
Đối với khu vực 3, vị trí 1 là 750.000 đồng/m2, vị trí 2 là 600.000 đồng/m2 và vị trí 3 là 480.000 đồng/m2.
Đối với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ bao gồm: đất khu công nghiệp, khu chế xuất, công viên phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp, khoáng sản; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào các mục đích công cộng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp; kho tàng, bến bãi, nhà ga, bến xe, bến tàu, cảng biển, cảng sông, công viên, công viên chuyên đề, Thảo Cầm Viên.
Giá đất quy định tại các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận tính bằng 50% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ.
Tại các quận: 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, TP Thủ Đức tính bằng 60% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ.
Tại các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ tính bằng 75% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ.
Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không được thấp hơn giá đất trồng cây lâu năm trong khu dân cư cùng khu vực.
UBND TP.HCM khẳng định xây dựng bảng giá đất điều chỉnh tuân thủ các quy định. Đến nay, thành phố đã thực hiện đủ các bước về lập và chấp thuận đề nghị xây dựng; soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi và thẩm định dự thảo quyết định thay thế Quyết định 02. Các ý kiến góp ý đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ vào dự thảo.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/du-kien-gia-dat-o-cao-nhat-tai-tp-hcm-hon-687-trieu-dong-m2.htm