Dự án nâng độ cao tĩnh không và xây dựng mới 11 cây cầu đường bộ (giai đoạn 1) thuộc địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhằm nâng cao năng lực giao thông đường thuỷ, đã được Bộ Giao thông vận tải phát lệnh khởi công vào ngày 06/01/2024 với tổng mức đầu tư trên 2.155 tỷ đồng.
Dự án được xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước và thuộc địa bàn các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, do Bộ Giao thông vận tải và Ban quản lý Dự án đường thủy làm chủ đầu tư, khởi công đầu năm 2024 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Dự án gồm xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu cắt ngang các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến. Chín cầu xây mới gồm: Cầu Ô Môn và cầu Thới Lai qua rạch Ô Môn; cầu Đông Thuận và cầu Đông Bình qua kênh Thị Đội – Ô Môn; cầu Vàm Xáng – Thị Đội qua kênh Thốt Nốt; cầu Sa Đéc (Nàng Hai) qua kênh Lấp Vò – Sa Đéc; cầu Mộc Hóa qua sông Vàm Cỏ Tây; cầu Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự – Vĩnh Hưng; cầu Mỏ Cày qua kênh Mỏ Cày…
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đã có buổi kiểm tra tình hình triển khai dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 khu vực các tỉnh phía Nam. Báo cáo với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý các Dự án đường thủy, chủ đầu tư cho biết, khó khăn nhất hiện nay là các cầu đều đang vướng mặt bằng, các nhà thầu chưa thi công được nhiều dù đã khởi công gần 3 tháng. Cụ thể, nhiều địa phương dự án đã hoàn thành và chuẩn bị phê duyệt phương án bồi thường, chi trả cho người dân (như Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ); trong khi đó, có địa phương khác, do phải chờ chấp thuận điều chỉnh nguồn vốn giải phóng mặt bằng của dự án từ năm 2023 sang năm 2024 nên việc phê duyệt bồi thường và chi trả sẽ chỉ được thực hiện sau khi có nghị quyết thu hồi đất bổ sung (như Cần Thơ). Có địa phương đến nay vẫn chưa có kế hoạch thu hồi giải phóng mặt bằng (Đồng Tháp)…
Sau khi nghe các báo cáo và trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang yêu cầu chủ đầu tư và các ban chuyên môn của Bộ phải tích cực làm việc với các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Thứ trưởng Sang cũng yêu cầu nhà thầu thi công cầu Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) báo cáo rõ tiến độ đăng ký trong năm 2024, lên kế hoạch thi công cụ thể và chi tiết. Đối với cầu Măng Thít cũ là cầu tháo dỡ (qua sông Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long), lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án xử lý tài sản còn lại sau khi tháo dỡ.
Trước đó, tại buổi lễ khởi công dự án nâng cao tĩnh không và xây dựng mới 11 cầu đường bộ giai đoạn 1 tại khu vực cầu Mỏ Cày ngày 06/01/2024, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã nhấn mạnh: Mặc dù là dự án đầu tư vào cầu đường bộ nhưng nhằm phục vụ mục tiêu chính cho việc phát triển đường thủy nội địa. Theo ông, hiện trạng các cây cầu nói trên đều có điều kiện hạn chế về tĩnh không thông thuyền cả chiều đứng lẫn chiều rộng, khiến phương tiện thủy lưu thông gặp nhiều khó khăn, mất an toàn, nhất là tàu chở container. “Để bảo đảm hiệu quả vận tải thủy bằng container, yêu cầu tĩnh không cầu phải đáp ứng cho tàu thuyền xếp được từ 3 – 4 container”, Thứ trưởng Sang chỉ đạo.
Được biết, trong giai đoạn trung hạn 2021 – 2025, khu vực Miền Đông Nam Bộ và Miền Tây Nam Bộ được bố trí 3 dự án lớn để phát triển đường thủy nội địa. Đó là dự án mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 vừa hoàn thành xong; dự án nâng cao tĩnh không 11 cây cầu (trong đó 9 cầu xây mới, 1 cầu nâng cấp và 1 cầu tháo dỡ cải tạo) và dự án phát triển hành lang logictis phía Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đang trong giai đoạn thương thảo hiệp định và sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/du-an-nang-cao-do-tinh-khong-cac-cau-vuot-song-o-dong-bang-song-cuu-long-gap-kho-vi-mat-bang.htm