Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp, chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình này trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.
TRÌNH QUỐC HỘI QUYẾT ĐỊNH 8 CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tại dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội quyết định 8 cơ chế, chính sách đặc thù.
Thứ nhất, cơ chế phân bố, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như cơ chế đã được Quốc hội quyết nghị đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tại Nghị quyết số 25/2021/QH15).
Cụ thể: Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình;
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Thứ hai, cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Trong đó, đề xuất cho phép: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh dự toán ngân sách ngân sách trung ương hỗ trợ năm 2024 và dự toán các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo nguyên tắc không vượt quá tổng dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao;
UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 trong tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.
Thứ ba, cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về thủ tục hành chính (trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ) trong lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, đề xuất quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc giao UBND cùng cấp quyết định (hoặc quyết định điều chỉnh) trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất;
Trong trường hợp giao UBND cấp tỉnh quyết định (hoặc quyết định điều chỉnh), UBND cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp kết quả ban hành quy định (hoặc kết quả điều chỉnh quy định) về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất tại kỳ họp gần nhất.
Thứ tư, về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.
Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu trong mua sắm hàng hóa).
Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa và bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu.
Thứ năm, về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công để thí điểm áp dụng cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ cả nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và nguồn vốn tự có của chủ dự án (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân).
Thứ sáu, về cơ chế ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công để thí điểm áp dụng cơ chế cho phép địa phương sử dụng vốn tự cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.
Thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Trong đó, đề xuất cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
Thứ tám, về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công.
SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số vấn đề như: tên gọi của Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh, các nội dung cụ thể và tính khả thi của các chính sách, xử lý kết luận của Kiểm toán theo quyết định của Quốc hội, thời hạn áp dụng, cơ chế chuyển tiếp, cùng một số vấn đề các đại biểu quan tâm…
Về tên gọi của Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình sử dụng tên gọi là Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, như vậy sẽ ngắn gọn hơn; không nên dùng từ “thí điểm” vì thời gian thực hiện các Chương trình chỉ còn 2 năm và các chính sách tương đối rõ, dùng từ “đặc thù” hợp lý hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị chọn lọc các cơ chế, chính sách thiết thực và cần thiết, rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định để khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành có thể thực hiện được ngay, đảm bảo đúng mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt được theo yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết của Nghị quyết và ghi nhận vai trò tích cực của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra. Nhấn mạnh một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để thể hiện tên gọi một cách ngắn gọn.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không được trái với những chủ trương, đường lối của Đảng; phải phù hợp với Hiến pháp, các thỏa thuận quốc tế.
Đối với việc phân cấp cho cấp huyện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp phân cấp cho cấp huyện chưa phát huy tác dụng ngay hoặc giúp ích cho quá trình xây dựng nội dung chương trình của thời gian tới thì sẽ quy định trong Nghị quyết của Quốc hội khi phê chuẩn các chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn tới.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện các công việc còn lại, đáp ứng các yêu cầu đề ra trong thời gian sớm nhất. Bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ủng hộ để qua phiên họp này sẽ đề ra được chính sách tháo gỡ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng điều này giúp 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có thể được triển khai hiệu quả, về đích đúng hạn.
Việc tháo gỡ cần được thực hiện triệt để, toàn diện, “tới nơi, tới chốn”. Với những vấn đề chưa rõ, nếu cần có thể đồng thuận về mặt nguyên tắc để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ và các địa phương chuẩn bị, đưa ra quyết định đúng đắn, tiếp tục tháo gỡ việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia này.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù là xuất phát từ thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của các chương trình này trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng; đề nghị Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên thẩm tra chính thức về nội dung này để kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/de-xuat-8-chinh-sach-dac-thu-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia.htm