Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I.
Quyết định nêu rõ, công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I. Phạm vi đô thị Thanh Hóa gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thanh Hóa hiện hữu và huyện Đông Sơn hiện hữu có tổng diện tích tự nhiên là 228,214 km2.
Khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 30 phường hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa, 2 xã thuộc thành phố Thanh Hóa dự kiến thành lập phường, gồm các xã: Hoằng Quang và Hoằng Đại, 1 thị trấn và 1 xã thuộc huyện Đông Sơn dự kiến thành lập phường, gồm thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh, có tổng diện tích tự nhiên là 147,627 km2.
Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 2 xã hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa, gồm các xã: Đông Vinh và Thiệu Vân) và 12 xã hiện hữu thuộc huyện Đông Sơn, gồm các xã: Đông Văn, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Minh, Đông Thanh, Đông Phú, Đông Nam, Đông Quang, có tổng diện tích tự nhiên là 80,58km2.
Mới đây, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa; thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của thành phố Thanh Hóa và một số đơn vị cấp huyện khác.
HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng tán thành chủ trương sau sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa thì giữ nguyên tên là thành phố Thanh Hóa.
Căn cứ để UBND tỉnh Thanh Hóa trình HĐND tỉnh Thanh Hóa cho ý kiến về việc giữ nguyên tên thành phố Thanh Hóa là danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ sở trước đây hay thành phố ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa). Đến năm 1889 được thành lập thành thị xã, tên gọi là Thanh Hóa; năm 1994 được thành lập thành phố, tên gọi cũng là Thanh Hóa. Tên gọi Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính và trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, của tỉnh thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi.
Cũng theo lý giải thì tên gọi lỵ sở – trấn thành Thanh Hóa hay thị xã Thanh Hóa trước đây và thành phố Thanh Hóa ngày nay luôn thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là hậu phương rộng lớn, vững chắc, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi chung của cả nước trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và đến ngày nay, trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội với những thành tựu to lớn thì tên thành phố Thanh Hóa đã được định vị và nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, thành phố Thanh Hóa trước khi sáp nhập có quy mô dân số hơn 500.000 người, có hàng ngàn doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nên giữ tên gọi thành phố Thanh Hóa sẽ làm giảm tác động, giảm ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân so với tên gọi khác…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cong-nhan-do-thi-thanh-hoa-dat-tieu-chi-do-thi-loai-i.htm