Ngày 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
RÀ SOÁT ĐỒNG BỘ, KHÔNG ĐỂ XẢY RA ĐỘ TRỄ VÀ ĐIỂM NGHẼN
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Kim Toàn, đoàn Bình Định, thống nhất với việc sửa đổi một số điều của 4 luật trên theo tờ trình của Chính phủ, đồng thời khẳng định đây là quyết tâm rất cao của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để sớm đưa luật vào cuộc sống, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024.
Theo đại biểu, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Việc Chính phủ trình Quốc hội cho phép luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, bắt đầu từ 1/8/2024 sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.
Đại biểu đề nghị cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương có đủ thời gian chuẩn bị, kịp thời ban hành các văn bản triển khai theo thẩm quyền trước ngày 1/8.
“Chính phủ cần khẩn trương rà soát một cách đồng bộ để bảo đảm ngày 1/8 khi các luật và điều luật có hiệu lực thì hệ thống văn bản hướng dẫn đã được ban hành và đồng thời có hiệu lực để triển khai, không để xảy ra độ trễ và điểm nghẽn”, đại biểu nêu rõ.
Theo đại biểu đoàn Bình Định, để thực hiện thống nhất và đồng bộ về hệ thống pháp luật thì hiệu lực thi hành của các luật liên quan cũng cần điều chỉnh, tránh sự chồng chéo và độ trễ trong các văn bản pháp luật có liên quan.
Riêng về Luật Đất đai, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định chi tiết về phương pháp tính giá đất mới, đặc biệt cần phải tính toán kỹ các nội dung liên quan đến hạ tầng công nghiệp, phục vụ phát triển để vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế, giá trị từ đất, vừa tạo lợi thế cạnh tranh, giải quyết việc làm…
Để bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực sớm hơn, đại biểu Lê Minh Nam, đoàn Hậu Giang đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá tác động toàn diện khi đẩy sớm hiệu lực thi hành của 4 luật.
Trong đó, cần tập trung làm rõ những tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, người dân để có giải pháp xử lý thích hợp, bảo đảm lợi ích tối ưu cho nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, cần đánh giá rõ và sâu hơn các điều kiện bảo đảm thực hiện khi các luật có hiệu lực thi hành.
ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT
Cùng quan điểm ủng hộ việc luật có hiệu lực sớm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn, nêu thực tế, theo quy định của dự thảo luật, một số điều khoản chuyển tiếp của Luật Đất đai tiếp tục có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 (khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260), trong khi các quy định chính sách của Luật Đất đai và toàn bộ nội dung còn lại của 3 luật đều có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Do đó, đại biểu đề nghị rà soát tránh phát sinh xung đột pháp luật do các nội dung chuyển tiếp của Luật Đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chuyển tiếp của Luật Nhà ở.
Cụ thể, khoản 10 Điều 255 của Luật Đất đai về chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng nhà ở sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, trong khi Luật Nhà ở có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 có thể dẫn đến trường hợp 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện chuyển tiếp 2 lần vào 2 thời điểm có hiệu lực thi hành khác nhau của 2 luật.
Cũng theo đại biểu, về tính khả thi, có nhiều thẩm quyền giao cho chính quyền địa phương như nêu trong Báo cáo thẩm tra: 20 nội dung đối với Luật Đất đai năm 2024, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở năm 2023.
Như vậy, nếu luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương, hộ gia đình, cá nhân trong chuẩn bị các điều kiện để thực hiện, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Mặc dù Chính phủ đã có cam kết trong Tờ trình, tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị các đại biểu ở địa phương đánh giá thêm về vấn đề này. Nhất trí cao và ủng hộ việc có hiệu lực sớm, đại biểu đề nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết và công tác tuyền truyền, phổ biến để bảo đảm hiệu quả triển khai khi luật đi vào cuộc sống.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống. Một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết.
Do đó, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.
Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, Ủy ban Kinh tế cho biết với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6/2024, mới có 01/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan. Theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn chưa được ban hành, đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ.
Với các văn bản của địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, hồ sơ dự án Luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 4 luật. Văn bản hướng dẫn của địa phương gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở. Ngoài ra, có những văn bản có thể phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành, làm rõ tác động và giải pháp xử lý, bảo đảm hiệu lực của văn bản và hiệu quả thi hành luật…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/chuan-bi-dieu-kien-xay-dung-quy-dinh-chi-tiet-de-cac-luat-ve-bat-dong-san-co-hieu-luc-som.htm