Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng.
ĐỐN HẠ CÂY XANH VÌ YÊU CẦU PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
Tại các quốc gia văn minh số lượng, chất lượng, chỉ tiêu đất công viên cây xanh tính trên đầu người là thước đo cho sự phát triển, văn minh, chất lượng sống của đô thị, thành phố và cả quốc gia.
Ở Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh. Theo thống kê từ Cục Đô thị Việt Nam (Bộ Xây dựng), tính đến cuối năm 2022 tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 41% (tăng trung bình mỗi năm 1%).
Bộ Xây dựng cũng cho hay dù quy chuẩn quy hoạch đô thị hiện nay yêu cầu diện tích đất trồng cây xanh tại các đô thị tối thiểu phải đạt từ 4-7m2/người, nhưng tỉ lệ đất trồng cây xanh thực tế ở các đô thị chỉ đáp ứng một phần quy chuẩn.
Hiện nay, các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng đang quá thiếu không gian xanh. Báo cáo thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Bộ Xây dựng gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ghi nhận tỉ lệ đất cây xanh công cộng tại một số đô thị hiện nay khá thấp, không đạt mục tiêu đề ra.
Trong đó, độ che phủ của cây xanh toàn thành của TP.HCM là 26,3% và phân bổ không đồng đều, trong đó độ che phủ chung của khu vực nội thành TP.HCM chỉ có 3,9%. Tỉ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TP.HCM chỉ đạt 0,55m2/người, thấp nhất cả nước (trung bình cả nước là 7m2/người).
Theo thống kê mới nhất của TP.HCM, địa phương này hiện có khoảng 400 công viên cây xanh với hơn 235.000 cây xanh các loại. Tính đến cuối năm 2023, trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 11.369 ha đất công viên và đất trồng cây xanh.
Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, với quy mô dân số hơn 10 triệu người, tỷ suất nhập cư cao thứ 2 cả nước với 25,4%/ năm 2021. Tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh mang lại thách thức cho Thành phố về bài toán phát triển môi trường đô thị bền vững.
Số lượng cây xanh, diện tích phủ bóng cây xanh ở TP.HCM đã thấp, nhưng những năm gần đây đang giảm đi nhiều để nhường đất cho nhiều dự án giao thông hoặc nhằm phục vụ quá trình thi công các công trình.
Mặc dù nhà chức trách đã có trồng bù số lượng cây mới vào nhưng chưa thể đáp ứng một sớm một chiều nhu cầu bóng mát, độ che phủ cho đô thị.
Cụ thể là hàng trăm cây cổ thụ dọc các tuyến đường Tôn Đức Thắng (công trình cầu Thủ Thiêm 2, tức cầu Ba Son), đường Lê Lợi (công trình tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên), công viên Hoàng Văn Thụ (dự án nâng cấp và mở rộng tuyến kết nối sân bay Tân Sơn Nhất)… đã phải phải đốn hạ, di dời (chủ yếu đốn hạ, do cây đã lớn tuổi). Trong số đó, nhiều vị trí cây cổ thụ bị đốn hạ đã được trồng lại cây xanh, nhưng nhiều vị trí không thể trồng lại do đất trồng cây trở thành đất công trình (đường Tôn Đức Thắng).
Lại cũng có nhiều tuyến đường, cây cối đang xanh tươi “bất ngờ” bị “mé nhánh” (cắt bỏ một phần) trụi lủi, chỉ còn những thân cây trơ cành làm bóng mát vốn quen thuộc bao năm với người dân, bỗng nhiên “biến mất”, để lại cái nắng chói chang, gay gắt. Đó là những đoạn trên các tuyến đường như Quang Trung, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu… (quận Gò Vấp), đường Điện Biện Phủ (quận Bình Thạnh)…
Vào mùa khô ở Sài Gòn, người dân càng cảm nhận rõ rệt hơn cái nóng khủng khiếp đã được gia tăng thêm sự oi bức, khó chịu khi bóng râm vệ đường không còn nữa.
Theo ghi nhận của Vneconomy phía Công ty công viên cây xanh thành phố cắt tỉa cành cho gọn gàng để chuẩn bị đón mùa mưa – mùa dễ phát sinh gãy đổ bởi dông gió, nhưng đã cắt tỉa “quá đà”!
Có trường hợp như trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân, hàng loạt cây xanh vỉa hè bị cắt trụi không thương tiếc. Đây là khu vực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO-IDI quản lý. Theo lý giải của đơn vị này việc cắt tỉa nói trên là thực hiện theo yêu cầu bên Công ty Điện lực Bình Phú nhằm bảo đảm an toàn cho đường dây trung thế 22 kV chạy phía trên.
Chưa kể tới nhiều cây xanh đã bị “bức tử” do hành động kém ý thức, ích kỷ của nhiều người (tự ý đổ dầu hỏa, thuốc diệt cỏ diệt cây ở gốc cây, cắt vỏ cây nhằm làm ngừng quá trình trao đổi chất của cây, cắt tỉa cành theo kiểu tằm ăn dần…) làm cây xanh chết lẻ tẻ dọc nhiều tuyến vỉa hè đô thị?
CẦN MỘT GIẢI PHÁP HÀI HÒA CÁC LỢI ÍCH
Làm thế nào để nâng cao mật độ che phủ cây xanh của Thành phố nhưng không gây cản trở cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị, trong bối cảnh dân số nơi đây vẫn tăng lên không ngừng mỗi năm?
Theo quy định, khi thực hiện đốn hạ, di dời cây xanh đô thị, cây xanh công viên để triển khai thi công các dự án hạ tầng, giao thông thì sau đó chủ đầu tư phải có trách nhiệm trồng bù lại sau thời điểm dự án hoàn thành theo thiết kế, quy hoạch chung.
Ngoài trách nhiệm của các chủ đầu tư, TP.HCM cũng đã bạn hành Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 – 2025, theo Quyết định số 98/QĐ-UBND ngày 17/6/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
Quyết định này giao các cơ quan, đơn vị liên quan (Ủy ban nhân dân các quận huyện, các chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, Ban quản lý Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị,…) chịu trách nhiệm thực nhiệm vụ về phát triển hệ thống công viên, cây xanh trên địa bàn như rà soát các vỉa hè còn trống để trồng bổ sung cây xanh, rà soát các khu đất trống để xây dựng công viên và trồng cây xanh…
Mới đây, Ban quản lý Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đã ban hành kế hoạch phát triển công viên cây xanh trên địa bàn Thành phố. Theo kế hoạch này thì giai đoạn 2024 – 2030, TP.HCM sẽ đầu tư hai dự án công viên quy mô lớn tại quận 12 và thành phố Thủ Đức với tổng vốn đầu tư khoản 13.900 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, thành phố sẽ đầu tư xây dựng ít nhất 68 ha công viên công cộng, 4 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh…
Đây là những tín hiệu đáng mừng với người dân, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của chính quyền, của các cấp, các ngành, chủ đầu tư đối với mảng xanh của một thành phố đang phát triển “nóng” này. Tuy nhiên, việc phát triển mảng xanh, trồng bù cây xanh mặc dù rất cần thiết và quan trọng vẫn nằm trong kế hoạch ở “thì” tương lai, trong khi hiện tại không thiếu các giải pháp, biện pháp gìn giữ, bảo vệ cây xanh không phải bị chặt, đốn bỏ.
Nhiều chuyên gia về đô thị khuyến cáo rằng thay vì đốn hạ và thay thế những cây xanh có nguy cơ mất an toàn thì nên thực hiện kiểm tra, chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên, phát hiện kịp thời những cây có nguy cơ cao, hạn chế đến mức thấp nhất (trừ những trường hợp bất khả kháng) việc đốn hạ. Vì trên thực tế, dù cơ quan chức năng có tiến hành đốn hạ những cây được cho là mất an toàn thì vẫn không tránh được rất nhiều trường cây gãy đổ hàng năm mỗi lúc mùa mưa về, gây chết và bị thương người đi đường, thiệt hại về tài sản.
Ngoài ra, chính quyền các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng cần mạnh tay với các trường hợp người dân tự ý sử dụng bóng mát cây xanh để phục vụ vào việc kinh doanh, buôn bán (trang trí ánh sáng, đèn đóm, băng rôn, phướn,…). Việc can thiệp thô bạo vào thân cây (đóng đinh, đục khoét thân cây…), biến của chung thành tài sản mình, gây dư luận không tốt trong nhân dân, ảnh hưởng gián tiếp đến tuổi thọ cây xanh và mất an toàn cho chính bản thân cũng như người khác.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/buc-tu-cay-xanh-do-thi-giai-phap-nao-kha-di-dung-hoa-cac-loi-ich.htm