Phiên đầu tuần 17/7/2023, nhóm cổ phiếu bán lẻ duy trì đà tăng nhẹ. Được biết, từ đầu tháng 7/2023, thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm từ 10% xuống còn 8% với nhiều mặt hàng thiết yếu (thực phẩm khô, nước giải khát, bánh kẹo, hàng gia dụng…) đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất cho đến gia công, tiêu dùng.
Điều này đã mang đến những tín hiệu tích cực và nhanh chóng phản ánh vào giao dịch cổ phiếu doanh nghiệp bán lẻ trên sàn. Bởi, khi giá thành sản phẩm giảm, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ, dự báo sẽ giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu giảm mạnh như hiện nay.
Trong đó, riêng bộ đôi FRT – MWG của FPT Retail và Thế giới Di động có đà bứt phá nổi trội. Ghi nhận, cổ phiếu FRT của FPT Retail đã vượt mốc 80.000 đồng/cp, tăng đến 51% sau 2 tháng.
Còn Thế giới Di động, từng có lúc “rơi thảm” về vùng 37-38.000 đồng, cổ phiếu MWG đến nay cũng đã hồi phục lên mốc sát 50.000 đồng/cp, tương đương tăng trưởng hơn 30% trong 2 tháng qua.
Cần nhấn mạnh, đà tăng của FRT và MWG diễn ra trong bối cảnh các bên đang quay cuồng với cuộc chiến hạ giá mà MWG là người khởi sướng. Nhu cầu sụt giảm, lại liên tục tung chiến dịch “combat” nhau khiến toàn thị trường ICT đang “rên xiết”.
Đầu tiên phải kể đến người khởi xướng là MWG, chính Công ty cũng đang phải “rên xiết” giữa đại cuộc do chính mình tạo ra. Đã 4 tháng Công ty không công bố lợi nhuận, trong khi giới phân tích cho rằng lợi nhuận của MWG chắc chắn sẽ bị “ăn mòn” đáng kể bởi cuộc chiến giá.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm, doanh thu MWG đạt 47.144 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Riêng hai chuỗi điện thoại (bao gồm cả TopZone) và Điện Máy Xanh chỉ đạt khoảng 35.000 tỷ đồng sau 5 tháng đầu năm 2023, giảm 27% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, mảng truyền thống là điện thoại, doanh thu đóng góp chỉ còn 23,5%; thấp hơn so với Bách Hoá Xanh (23,6%). Nhờ mùa nóng, máy lạnh là ngành hàng duy nhất ghi nhận doanh thu tăng 100% trong tháng vừa qua, và là ngành duy nhất tăng trưởng doanh số lũy kế sau 5 tháng.
Dù vậy thì tín hiệu tích cực là doanh thu tháng 4,5 của MWG đã hồi phục đáng kể so với mức rất thấp của tháng 3.
Còn FRT, FPT Retail (FRT) , “tay chơi” căn ke nhất với MWG trong cuộc chiến giá từ điện thoại đến laptop, hàng gia dụng… cũng chưa hẳn khả quan. Trong quý 1/2023, dù doanh thu thuần chỉ giảm nhẹ xuống mức 7.753 tỷ đồng, song lợi nhuận vỏn vẹn 2 tỷ đồng – giảm 99% so với cùng kỳ. Trong đó, chuỗi FPT Shop giảm sút mạnh, chỉ số toàn Tập đoàn được “đỡ” bởi mảng dược Long Châu với doanh thu đạt 3.284 tỷ, tăng 52% so với quý 1/2022.
Tại báo cáo phân tích ngày 30/6, Chứng khoán Vietcap dự báo FPT Shop lỗ 157 tỷ đồng năm nay, cao hơn dự báo trước đó nhờ các đợt giảm giá mạnh hơn dự kiến đối với các sản phẩm của FPT Shop, mà Vietcap cho là nhằm kích thích doanh số bán. Nhờ được bù đắp bởi Long Châu nên công ty chứng khoán này ước tính mức lỗ ròng cả năm của FRT vào khoảng 40 tỷ đồng.
Các bên còn lại như Di động Việt, CellphoneS cũng đang chịu tổn thương nặng nề từ cuộc chiến trên. Trong chia sẻ gần nhất, hệ thống Di động Việt cho biết doanh số trong nửa đầu năm 2023 chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 10 – 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận tại hệ thống trong nhiều năm qua.
Tương tự, CellphoneS cũng chia sẻ năm nay khi phải tham gia vào các cuộc chiến giá với các chuỗi lớn khác, mặc dù giữ được doanh số bán tuy nhiên gần như không thể có được lợi nhuận. Điều này dẫn tới việc trì hoãn các hoạt động mở rộng cửa hàng của CellphoneS trong 2 quý đầu năm.
Nhìn chung, 2023 là một năm thực sự khó khăn cho ngành bán lẻ công nghệ, một phần đến từ sự giảm sút của thị trường, và một phần lớn đến từ cuộc chiến giá gần như chưa có hồi kết của nhà bán lẻ lớn đang điên cuồng giành giật thị phần. Trong khi, cổ phiếu 2 doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường lại ngược dòng kinh doanh liên tục tăng tốt.