Trong lần trả lời phỏng vấn cách đây hơn 4 năm, trợ lý của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – PGS, TS Trần Hữu Đức đã kể lại một câu chuyện về người sáng lập Trung Nguyên:
” Nếu theo dõi câu chuyện của Trung Nguyên thì từ thủa lập nghiệp năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ đã thể hiện rất rõ tinh thần khác biệt hay là không làm. Đã không làm thì thôi, đã làm thì phải khác biệt mới làm. Cách đây đã lâu, vào dịp Tết, Chủ tịch gửi tặng cho anh em cấp lãnh đạo chúng tôi cuốn sách “Khác biệt hay là chết “”.
“Dịp Tết nha “, ông Hải Đăng nhấn mạnh, thông thường người ta sẽ kiêng những từ thiếu may mắn như “chết” vào dịp Tết, nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ thì không. Ông là ngoại lệ!
“Khác biệt hay là chết” được đánh giá là một trong những cuốn sách marketing hay nhất của mọi thời đại được chấp bút bởi Jack Trout và Steve Rivkin – hai diễn giả về marketing đầy kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho rất nhiều chủ doanh nghiệp.
Chính qua quyển sách này, khác biệt hóa (differentiate) đã trở thành một khái niệm thường được nhắc đến trong thế giới kinh doanh ngày nay.
Rất nhiều nhà marketing biến cuốn “Khác biệt hay là chết” trở thành kim chỉ nam hành động.
Trong đế chế của sự chọn lựa và chọn lọc ngày nay, nếu không phải là một Coca-Cola hay một Nike nào đó thì quả là khó để có thể giành lấy một chỗ đứng vững vàng trong tâm trí của người tiêu dùng. Và cho dù đã là một thương hiệu hàng đầu thì cũng không phải là dễ dàng để có thể bảo vệ được vị thế đó mãi mãi bền vững.
Trong suốt quá trình lập nghiệp, Đặng Lê Nguyên Vũ nhắc rất nhiều lần đến sự khác biệt của Trung Nguyên. Ông từng nói, Trung Nguyên phải là tập đoàn số một thống ngự toàn diện, trên toàn cầu, phải có sách lược và đặc biệt, khác với tất cả những tập đoàn khác.
Muốn vậy, phải quan sát hết trong ngành, giữa hệ sinh thái cà phê vật lý và cà phê tinh thần, từ đó đưa ra những sách lược. Người sáng lập Trung Nguyên thừa nhận, tập đoàn đã có hệ sinh thái khác biệt, mô hình kinh doanh khác biệt và ông nhấn mạnh, những người anh em Trung Nguyên phải làm để đưa tập đoàn đạt được sự Khác biệt, Đặc biệt và Duy nhất so với các tập đoàn cà phê khác.
Ông nhắn nhủ với nhân viên: “Các anh chị em phải làm cuộc cách mạng chính mình, cách mạng gần như toàn diện, đổi thay gần như tất cả mọi thứ.”
Sau này, từ khác biệt, chiến lược của Trung Nguyên đã nhấn mạnh vào hành trình ” khác biệt, trở thành đặc biệt và duy nhất”.
Muốn ra toàn cầu thì phải có sách lược, muốn có sách lược thì phải quan sát trong toàn ngành, coi thử khác biệt cái gì, có gì đặc biệt so với các tập đoàn đa quốc gia và tìm ra điểm duy nhất. Tìm được điểm này, theo ông chủ Trung Nguyên là rất khó.
Ông Vũ cho rằng việc bán cà phê hòa tan, khai thác thị trường Trung Quốc, Đông Âu,… của Trung Nguyên trước nay là được rồi, nhưng đó không phải là sự khác biệt. Sự khác biệt phải từ mô hình dịch vụ đến cấu trúc sản phẩm, so với những thương hiệu như Starbucks, Nestle, Coffee Bing,… mới đi xa được.
Quay lại câu chuyện tặng sách, tháng 6/2018, ông chủ Trung Nguyên khi ấy đã tuyên bố sẽ trao tặng 200 triệu cuốn sách với tổng nguồn lực chi phí 5 tỷ USD (tương đương hơn 110.000 tỷ đồng), kéo dài trong 5 năm.
Trên thực tế thì sau đó không có con số thống kê nào cho thấy con số 5 tỷ USD đã công bố thực tế đến đâu, nhưng hoạt động tặng sách đã được gắn với hình ảnh của Trung Nguyên trong rất nhiều năm.
Nếu để so sánh, về mặt truyền thông, chương trình tặng sách của cà phê Trung Nguyên cũng như những chương trình truyền thông khác của nhiều doanh nghiệp. Đây là những hoạt động truyền thông nhắm tới nhiều mục đích, vừa mang lại những lợi ích cụ thể thiết thực cho cộng đồng vừa quảng bá thương hiệu, thúc đẩy phát triển xã hội.
Chẳng hạn, Tôn Hoa Sen với chương trình Lục lạc vàng kết nối những miền quê tặng bò cho nông dân nghèo, TH Truemilk với chương trình tặng sữa cho trẻ em nghèo, Vietel với chương trình tặng đồ dùng học tập cho học sinh và rất nhiều chương trình khác nữa.
Hầu hết đối tượng hướng tới của những chương trình truyền thông này là những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Với sự giúp đỡ từ các chương trình này, họ có cơ hội thay đổi cuộc sống cũng như được hỗ trợ phần nào trước hoàn cảnh sống khó khăn hiện tại.
Đặng Lê Nguyên Vũ lại khác. Đối tượng mà ông nhắm vào là thanh niên Việt Nam, bởi lẽ ông tin rằng tương lai Việt Nam sẽ phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Và sách chính là một công cụ để xây đắp những phẩm chất cũng như khơi mở những giấc mơ lớn.
Thông qua các đầu sách, nhiều người sẽ lý giải được câu chuyện thần kỳ của những công dân bình thường, những quốc gia bé nhỏ nhưng lại chứa đựng một tinh thần chiến binh quả cảm, biết vượt qua nghịch cảnh, thách thức, biết trau dồi kiến thức, tự lực tự cường với một tinh thần không gì là không thể! Chỉ khi chúng ta có tinh thần tự học, tự đọc, tự lực và tự cường để trau dồi dân trí và dân khí, hành động đến cùng mà không ngại thách thức, khi đó chúng ta mới mong đạt được thành công và hạnh phúc đích thực.
“Chúng tôi đã làm được. Các bạn sẽ làm được. Người khác làm được thì ta làm được. Nước khác làm được thì Việt Nam làm được và làm tốt hơn”, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Với quan điểm “Đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào sách”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng lấy ví dụ nếu một năm, thu nhập trung bình của người Việt Nam vào khoảng 2.600 USD thì nên bỏ 600 USD đầu tư một cái thư viện còn 2.000 USD để làm việc khác.”