Tháng 6/2019, thông tin chỉ có 1 sinh viên duy nhất tốt nghiệp ngành Viết sáng tạo tại ĐH Chiết Giang (Trung Quốc) gây xôn xao mạng xã hội đất nước tỷ dân. Sinh viên này tên Hậu Khiêm, được gọi là “người cô đơn nhất ĐH Chiết Giang” khi những năm qua cô chỉ đi học một mình.
Nhiều người thậm chí chưa từng nghe đến ngành Viết sáng tạo, không biết sinh viên ngành này học gì và sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Ngành Viết sáng tạo được đào tạo ở Trung Quốc từ năm 2009, đến năm 2015 ĐH Chiết Giang mới mở ngành này thuộc khoa Nghệ thuật. ĐH Chiết Giang là ngôi trường trọng điểm nằm trong Dự án 211 và Dự án 985 của Chính phủ Trung Quốc, luôn nằm trong top đầu các BXH trường ĐH tốt nhất quốc gia này.
Sinh viên được đào tạo kiến thức, kỹ năng liên quan đến nghệ thuật, bao gồm sáng tác thơ, tiểu thuyết, văn xuôi, kịch bản… Bên cạnh đó, chương trình đào tạo định hướng sinh viên trau dồi tư duy sáng tạo trong sáng tác, giúp người học có thể sáng tác tác phẩm văn học của riêng mình.
Nữ sinh Hậu Khiêm là một trong số ít những người đăng ký học ngành Viết sáng tạo ngay trong năm đầu tiên ĐH Chiết Giang mở ngành. Năm đầu tiên là khoảng thời gian thí điểm nên ngôi trường này chỉ tuyển một sinh viên duy nhất với nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, phải vượt qua vòng phỏng vấn của ban tuyển sinh.
Hậu Khiêm yêu thích thơ hiện đại từ khi còn học trung học, coi việc đọc và làm thơ là cách giải tỏa căng thẳng. Đến thời điểm tốt nghiệp, nữ sinh này đã viết được hơn 100 bài thơ.
Hậu Khiêm phải trải qua nhiều rắc rối khi là sinh viên duy nhất theo học ngành Viết sáng tạo. Cô có những môn học 1 mình và khó đăng ký đủ môn do nhiều môn phải học ghép với ngành khác, đồng thời phải tự sắp xếp lịch học của bản thân và liên hệ với giảng viên.
Dù vậy, nữ sinh này vẫn đánh giá cao chương trình học ngành Viết sáng tạo khi được các giảng viên đặc biệt quan tâm. Để phục vụ cho việc tốt nghiệp, Hậu Khiêm tự tổ chức một triển lãm độc đáo kết hợp giữa điêu khắc với thơ thu hút nhiều sinh viên, nhà thơ đến trải nghiệm, nhận được nhiều lời khen ngợi.
Trong lễ tốt nghiệp, Hậu Khiêm chỉ chụp ảnh một mình, không có bạn cùng lớp như sinh viên các ngành khác. Dù vậy, với tấm bằng tốt nghiệp ĐH danh giá trong tay, Hậu Khiêm dễ dàng có cơ hội sang Pháp để nghiên cứu về di sản văn hóa tại một viện nghiên cứu.
Tại Trung Quốc, nhiều trường ĐH đào tạo các ngành học với số lượng sinh viên cực ít. Ví dụ như ngành Thụy Điển tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải 4 năm chỉ tuyển sinh viên một lần, ngành Cổ sinh vật học tại ĐH Bắc Kinh 9 năm chỉ tuyển được 6 sinh viên, tương đương với việc mỗi năm chỉ có nhiều nhất 1 sinh viên, có năm còn không có sinh viên nào nhập học.
Bức ảnh tốt nghiệp của ngành Cổ sinh vật học tại ĐH Bắc Kinh từng gây sốt khi chỉ có một mình nữ sinh Tiết Dật Phàm mà không có bất kỳ bạn học nào khác. Đây là ngành chuyên nghiên cứu lịch sử phát triển của sự sống trên Trái Đất, về các loài động vật và thực vật cổ xưa, dựa vào các hóa thạch tìm được. Hiện ở Trung Quốc chỉ có ĐH Sư phạm Thẩm Dương, ĐH Nam Kinh và ĐH Bắc Kinh tuyển sinh chuyên ngành này, trong đó Đại học Nam Kinh chỉ 2 năm mới tuyển sinh một lần.
Những ngành học ít sinh viên do “kén” người học, không nhiều người đăng ký và yêu cầu từ phía Nhà trường cũng khá khắt khe. Đó cũng là lợi thế khi sinh viên ra trường ít phải cạnh tranh, có nhiều cơ hội việc làm tốt hoặc học lên các bậc học cao hơn. Nữ sinh Tiết Dật Phàm cũng là người nhận được học bổng và đi du học sau khi tốt nghiệp tại ĐH Bắc Kinh.
Theo Toutiao
Nguồn tin: https://cafef.vn/ca-nganh-hoc-chi-co-1-sinh-vien-nu-sinh-co-don-suot-4-nam-le-loi-trong-le-tot-nghiep-viec-lam-sau-khi-ra-truong-gay-bat-ngo-188241014220530424.chn