Chúng ta mới chỉ sử dụng một góc của bầu trời
Nói đến hàng không, nhiều người thường nghĩ đó là vận tải hàng không công cộng (hành khách, hàng hóa) với những máy bay lớn. Trong khi bầu trời còn có các phương tiện bay không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách hoặc hàng hóa; và đó là hoạt động hàng không chung (general aviation).
Theo định nghĩa của Luật Hàng không Việt Nam, hàng không chung là các loại hình hoạt động nhằm sinh lợi từ phương tiện bay dân dụng, như bay huấn luyện đào tạo, hoạt động bay của các câu lạc bộ hàng không, bay du lịch ngắm cảnh, cứu hộ cứu nạn, vận chuyển y tế, bay khảo sát, phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp và phục vụ các khách VIP thuê chuyến không thường lệ…
Hàng không chung sử dụng đa dạng các loại phương tiện bay: máy bay cánh bằng, trực thăng, khinh khí cầu, tàu lượn, máy bay thực nghiệm, máy bay siêu nhẹ thể thao, trực thăng cứu hộ…
Trong khi ở Việt Nam, “hàng không chung” là một khái niệm chưa được nhiều người biết tới, thì trên thế giới, thị trường này đã phát triển như vũ bão.
Hồi sinh một hãng bay, chạm đến giấc mơ “Sử dụng cả bầu trời”
Nhìn người phụ nữ nhỏ bé duyên dáng, ít ai biết chị Hương là “vị thuyền trưởng” của một hãng bay, và vừa trải qua khóa huấn luyện phi công và trở thành nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam nhận bằng lái máy bay tư nhân.
Khí chất này không phải bỗng dưng mà có. Chị Hương vốn là nữ sinh chuyên Sinh của trường chuyên Hà Nội – Amsterdam; sau khi học đại học trong nước và tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Nottingham (Vương quốc Anh), chị được tuyển thẳng vào ngành hàng không.
Như mối nhân duyên định sẵn, chị gắn bó đến nay đã hai chục năm có lẻ với công việc thuê, mua máy bay tại các hãng hàng không lớn. Trong quá trình làm việc, chị có cơ hội tiếp cận nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng không trên thế giới. Từ đây, chị nhận ra rằng hàng không chung bao trùm các lĩnh vực khai thác của nhiều loại tàu bay cũng như dịch vụ. “Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hoạt động hàng không chung. Nếu được quan tâm tạo hành lang pháp lý và quy định vận hành thì hoạt động này sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước”, CEO Bluesky Airways nói.
Nghĩ là làm, năm 2021 khi Bluesky Airways bị “khai tử”, chị Hương quyết định đầu tư vào hãng hàng không này và lập đề án xin phục hồi giấy phép đã bị thu hồi. Ngay sau khi được cấp lại giấy phép hàng không chung vào giữa năm 2021, đầu năm 2022 Bluesky Airways đã cất cánh chuyến bay đầu tiên phục vụ khách thương gia thuê chuyến.
“Để quyết định đầu tư cho một hãng hàng không “đã chết” thì không chỉ là liều lĩnh. Mà hơn cả, đó là tình yêu với nghề, là khát vọng phát triển loại hình hàng không chung để thực hiện ước mơ Sử dụng cả bầu trời của người làm nghề hàng không”, CEO Hồ Thanh Hương nói.
Đến nay, sau 3 năm hồi sinh, Bluesky Airways đã và đang khai thác các loại tàu bay Falcon 8X, Falcon 2000, Gulfstream G650, G450 và Boeing BBJ. Hiện nay khách hàng của Bluesky Airways di chuyển nội địa và quốc tế trên các tàu bay thương gia theo hình thức thuê bao cả tàu bay hoặc thuê chuyến theo nhu cầu.
Khát vọng thịnh vượng
CEO Hồ Thanh Hương cho biết, chi phí cho một chuyến bay charter theo nhu cầu không hề nhỏ, vì thế tệp khách hàng của Bluesky Airways “siêu ít” nhưng “siêu giàu” và yêu cầu về dịch vụ của tệp khách này cũng “siêu đặc biệt”. Tuy nhiên, với slogan “tận tâm”, đội ngũ nhân viên Bluesky Airways đã và đang khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường bay charter tại Việt Nam.
Chị Hương nói: “Bluesky Airways không chỉ mong phục vụ khách hàng VIP. Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực hàng không chung không chỉ với mục tiêu tăng trưởng doanh thu, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Mà còn để cùng các doanh nghiệp cùng ngành “gánh” sứ mệnh tạo công ăn việc làm và hỗ trợ cộng đồng.
CEO Hồ Thanh Hương ước mơ về những chuyến bay vận chuyển y tế, cứu hộ cứu nạn đồng bào vùng sâu, vùng xa hẻo lánh khi sạt lở, lũ quét, nước dâng. Những chuyến bay phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, bay trải nghiệm, ngắm cảnh, bay thể thao để kích cầu du lịch…
“Tiếc là hoạt động bay du lịch thăm quan ngắm cảnh, bay cấp cứu, câu lạc bộ bay hobby ở Việt Nam… hầu như chưa phát triển. Có thể một phần do chính sách riêng cho các loại hình này chưa rõ ràng”, CEO Hồ Thanh Hương chia sẻ.
Đơn cử như tại Nghị định 125/2015 -ND-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay, trong đó có quy định cụ thể về vùng trời cho hoạt động hàng không chung. Nhưng Việt Nam chưa quy hoạch và xây dựng sẵn các vùng trời, sân bay với các thông số, phương thức bay, phương thức tiếp cận hạ cánh dành riêng cho các hoạt động hàng không chung.
CEO Bluesky Airways mong muốn cơ quan chức năng quan tâm điều chỉnh, bổ sung các chính sách, quy định, quy chế hàng không đối với hoạt động hàng không chung tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn hoạt động, khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường tiềm năng này.
>> Doanh nhân Mai Hữu Tín: ‘Nghề quản trị là nghề làm những điều mà nhân viên bên dưới không thể làm’
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/nu-ceo-va-khat-vong-hang-khong-chung-su-dung-ca-bau-troi-166802.html