Nhiều hàng hóa của DN bị thiệt hại
Theo thống kê của tỉnh Thái Nguyên, bão số 3 và hoàn lưu của bão đã khiến tỉnh bị thiêt hại ước tính trên 780 tỷ đồng. Nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, khiến DN vốn khó khăn nay lại càng khó hơn.
Bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương (DN chuyên kinh doanh trong lĩnh vực văn phòng phẩm) cho hay: Cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão đã khiến công ty TNHH Ánh Dương tại TP. Thái Nguyên thiệt hại gần 3,5 tỷ đồng. cho biết, toàn bộ giấy, vở và các văn phòng phẩm khác tại kho của công ty đã hư hỏng không thể tái sử dụng. Giấy bị ngập không thể hồi phục, ô nhiễm, DN phải thuê các đơn vị môi trường xử lý.
Còn tại Công ty TNHH Khánh Vinh, bà Vũ Thị Hoàn, Giám đốc cho biết công ty chuyên kinh doanh các loại sữa uống. Cơn bão đã khiến kho hàng của công ty bị ngập khá nặng, khiến 50 tấn hàng hóa bị hỏng hoàn toàn, thiệt hại lên tới hơn 3 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến các phương tiện như các ô tô vận tải, máy phát điện cũng bị ngập nước.
Đáng chú ý, đại diện các DN cho hay, ngay khi cơn bão đi qua, nước rút một phần, cán bộ phụ trách thuế đã hướng dẫn rất chi tiết cụ thể về thủ tục để công ty hoàn thiện hồ sơ để được thụ hưởng các chính sách miễn giảm, gia hạn tiền thuế cho DN bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo quy định.
Bà Triệu Thị Kim Yến, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cho biết: Theo thống kê sơ bộ ban đầu, toàn tỉnh có 176 người nộp thuế bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ sau bão.
Chỉ tính riêng tại TP. Thái Nguyên thì theo thống kê của Chi Cục Thuế thành phố, đã có 108 DN bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên cho biết thêm, trong số đó, nhiều kho hàng bị ngập hoàn toàn, thiết bị máy móc điện tử bị ngập, hỏng hóc nặng, gây thiệt hại cho DN từ 5 đến 10 tỷ đồng như Công ty trách nhiệm hữu hạn Văn Minh, Công ty TNHH cơ khí Bảo Ánh, Công ty cổ phần Thái An Dương… Ông Đỗ Xuân Tám ước tính, 108 DN bị thiệt hại nằm trong diện có thể đề nghị gia hạn nợ thuế với số tiền khoảng hơn 36 tỷ đồng.
Với thời tiết, khí hậu khá bình yên, nên có câu “Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở”, nhưng ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trận lụt vừa qua khiến câu nói này không còn thật sự đúng. Sau hơn 20 năm làm DN và làm công tác Hội DN, ông Quang chưa từng chứng kiến chưa bao giờ thấy các hội viên thiệt hại, gặp nhiều khó khăn do thiên tai như vừa qua.
Trong bối cảnh đó, các cán bộ thuế đã nhanh chóng xuống các địa bàn, thăm hỏi trao đổi tình hình nắm tình hình thiệt hại của DN. Cùng với đó, cơ quan thuế đã tổ chức mời đại diện hơn 1000 DN đến đối thoại.
“Hầu hết các DN đến dự nghe phổ biến, đối thoại về các chính sách hỗ trợ từ đầu đến cuối buổi, thể hiện đây là vấn đề rất nóng, thiệt thực. Ngành thuế triển khai “Bước 1″ như vậy là rất nhanh chóng, thể hiện sự đồng hành, hết mình cùng DN”, ông Phạm Văn Quang chia sẻ.
Ngành thuế tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai “Bước 2”, để tiếp tục phổ biến hướng dẫn, DN hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh quy trình để sự hỗ trợ. Thực tế vừa qua vẫn có DN mới lo được khâu dọn dẹp hậu quả thiệt hại, chưa nắm rõ các chính sách, do đó, ngành thuế sẽ tiếp tục có hướng dẫn các kế toán, giám đốc, chủ DN giúp các DN nhanh chóng được trợ lực phục hồi thời gian tới.
“Các DN trong TP. Thái Nguyên xác định rõ, không phải cứ báo cáo là được hỗ trợ, mà phải theo quy định, muốn hồi phục các DN vẫn phải dựa vào mình là chính, nhưng chứng kiến sự vào cuộc nhanh chóng của các cán bộ thuế thể hiện tinh thần đồng hành rất đáng quý”, ông Phạm Văn Quang nói.
Khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi Bão số 3 và mưa lũ sau bão hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, DN bị tổn thất do mưa lũ. Công văn 4062/TCT-CS năm 2024 ngày 13/9/2024 của Tổng cục Thuế có hướng dẫn đầy đủ về miễn, giảm, gia hạn thuế với DN, hộ kinh doanh bị tổn thất do Bão số 3
Bà Triệu Thị Kim Yến, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục thuế, Cục thuế tỉnh đã chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế, các bộ phận chuyên môn đang tích cực hỗ trợ, giải quyết hồ sơ đề nghị của người nộp thuế, đảm bảo kịp thời, đúng quy định, góp phần giảm bớt khó khăn, giảm gánh nặng thiệt hại về tài sản, vật chất cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai để người nộp thuế sớm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh. Ngay sau đó, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã triển khai ngay các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai; thực hiện rà soát ngay các tổ chức, cá nhân, DN bị tổn thất do bão và mưa lũ sau bão để hỗ trợ kịp thời.
Để người nộp thuế nhanh chóng tiếp cận các chính sách về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách thuế dưới nhiều hình thức. Cụ thể, Cục thuế Tỉnh đã đăng tải trên Website, gửi văn bản hướng dẫn đến các Hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh để phối hợp thực hiện; tổ chức Hội nghị hướng dẫn và giải đáp vướng mắc tại địa bàn có nhiều người nộp thuế bị tổn thất do bão, mưa lũ…
Phó Cục trưởng Triệu Thị Kim Yến cho biết, đã chỉ đạo các Phòng, các Chi cục Thuế phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ lưu giữ tại cơ quan thuế liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại khi có đề nghị của người nộp thuế.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trong việc “Chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời NNT sớm ổn định sản xuất, kinh doanh”, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tích cực hỗ trợ, giải quyết kịp thời các văn bản đề nghị của DN bị thiệt hại, sớm hoàn thiện hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Cục thuế tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị việc triển khai hỗ trợ phải bảo đảm xác định chính xác đối tượng bị thiệt hại, giá trị thiệt hại hỗ trợ kịp thời người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai bão lũ, đồng thời, thực hiện kiểm tra quản lý rủi ro, không để chính sách hỗ trợ của nhà nước bị lợi dụng nhằm mục đích trục lợi.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách trên, người nộp thuế đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong khâu chuẩn bị, xác định giá trị thiệt hại bị ảnh hưởng do gặp thiên tai. Theo bà Triệu Thị Kim Yến, khó khăn lớn nhất là việc hoàn thiện hồ sơ thống kê thiệt hại. Theo quy định, hồ sơ thống kê thiệt hại, xác định giá trị thiệt hại của người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai phải có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền như UBND xã, phường, Công an xã, phường; cơ quan tài chính, cơ quan giám định độc lập…
“Để được thụ hưởng các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai, hồ sơ cần hoàn thiện thì cơ quan thuế mới triển khai các bước hỗ trợ tiếp theo được”, bà Triệu Thị Kim Yến nói.
Ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên thông tin: Để hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế, thực hiện chỉ đạo của Cục trưởng, ngày 27/9, Chi cục Thuế TP. thành phố đã tổ chức hội nghị phổ biến, giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ. Chi Cục Thuế TP Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiếp cận hồ sơ nhanh nhất, giúp DN sớm ổn định sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định.
Chi cục trưởng Đỗ Xuân Tám lưu ý, các DN thuộc diện nợ thuế tại thời điểm thiên tai, bị thiệt hại được gia hạn nợ thuế tối đa 2 năm theo hướng dẫn tại Công văn 4062. Bên cạnh đó, theo công văn trên, các DN thuộc diện không nợ thuế (không được gia hạn nợ) nhưng bị thiệt hại vẫn cần chuẩn bị các hồ sơ, có thẩm định xác nhận giá trị thiệt hại (sau khi khấu trừ bảo hiểm nếu có), để lưu trữ tại DN, để được hỗ trợ xác định giảm trừ chi phí, khấu trừ thuế VAT.
“Tốt nhất các DN nên có các cơ quan thẩm định độc lập có chuyên môn để xác giá trị thiệt hại, chứng thư xác giá trị thiệt hại là một căn cứ để cơ quan thuế triển khai hỗ trợ gia hạn nợ thuế cho DN”, ông Đỗ Xuân Tám nói.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao chuyển đổi số ngành thuế, góp phần giảm chi phí, thời gian, hầu hết các giao dịch thuế được số hóa. Các DN cảm nhận rõ lợi ích phát triển công nghệ trong hoạt động thuế.
Tại buổi công bố Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (DDCI) được tổ chức tháng 7/2024 vừa qua, với 87,91/100 điểm, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên xếp ở vị trí 2/23 trong DDCI năm 2023 của tỉnh, tăng 5 bậc so với năm 2022. Theo đánh giá của đơn vị tham gia khảo sát, ngành thuế đã có sự nỗ lực vượt bậc trong việc cải thiện. Với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ. Bộ chỉ số DDCI là chỉ số tổng hợp sử dụng để khảo sát mức độ hài lòng của DN, hợp tác xã đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
>> Thái Nguyên điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo sở, ngành
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/nganh-thue-thai-nguyen-dong-hanh-cung-dn-vuot-kho-163951.html