Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau 4 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thuế, thu thuế đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành thuế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Quản lý thuế cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc. Bộ Tài chính cho rằng tội phạm trong lĩnh vực thuế ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi và diễn ra trên phạm vi rộng liên tỉnh, liên quốc gia, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoàn thuế, hóa đơn.
CÁN BỘ THUẾ BỊ KẾT ÁN, THẬN TRỌNG KHI HOÀN THUẾ
“Ngành thuế không có chức năng điều tra thuế nên không thể kịp thời và xử lý tận gốc các trường hợp trốn, tránh thuế tinh vi phức tạp. Đồng thời, pháp luật về quản lý thuế chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế trong quản lý thuế làm ảnh hưởng đến tâm lý của công chức thuế khi thực thi nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế”, Bộ Tài chính nêu rõ bất cập.
Theo Bộ Tài chính, thực tế đã xảy ra tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, một số công chức đã bị tòa án kết tội và phải thực hiện án phạt tù. Vụ án này gây tâm lý hoang mang, thận trọng trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế của các công chức thuế trên toàn quốc, làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế.
Do cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra nên việc xác minh về hoạt động mua bán của người nộp thuế mất rất nhiều thời gian và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị như: ngân hàng thương mại, đơn vị vận chuyển và các cơ quan quản lý nhà nước như công an, hải quan…
Do đó, cơ quan này cho rằng việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau phải có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế.
“Cán bộ thuế chỉ chịu trách nhiệm theo các thông tin trên hồ sơ doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Đồng thời, không phải chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp gian lận trong việc kê khai và cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác dẫn đến giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp không đúng quy định.
Do đó, trong lần sửa đổi luật thuế này, Bộ Tài chính dự định sửa đổi về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế tại Điều 75; thẩm quyền quyết định hoàn thuế trong Điều 76; nguyên tắc quản lý thuế tại Điều 5 Luật Quản lý thuế, từ đó, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác hoàn thuế.
SỬA ĐỔI 3 NỘI DUNG, GỠ KHÓ KHI HOÀN THUẾ
Theo đó, trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất một là, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý thuế quy định về nguyên tắc quản lý thuế: “Công chức thuế chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của người nộp thuế cung cấp, văn bản thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến giải quyết hồ sơ thuế của người nộp thuế”.
Lý giải cho đề xuất này, theo Bộ Tài chính, pháp luật về quản lý thuế chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức trong quản lý thuế, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế.
Do đó, để bao quát các trường hợp cơ quan thuế phải giải quyết cho người nộp thuế và đồng bộ với Luật Thuế giá trị gia tăng đang được sửa đổi, cần thiết phải bổ sung quy định trách nhiệm của công chức quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nói riêng và giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế nói chung.
Hai là, bãi bỏ khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế: “Quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.
Bộ Tài chính cho rằng khoản 3 điều 75 Luật Quản lý thuế quy định về trả tiền lãi cho người nộp thuế khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm với mức tính lãi là 0,03%/ngày nhưng chưa có quy định cụ thể về thẩm quyển, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả. Do đó, hiện nay cơ quan thuế chưa có cơ sở để triển khai thực hiện và không có phát sinh nguồn tiền chi trả lãi theo quy định.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ Luật dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Như vậy, quy định về mức lãi phải trả tại hai văn bản pháp luật có sự không thống nhất.
Ngoài ra, Khoản 9 Điều 18 Luật Quản lý thuế cũng đã quy định nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế: “Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước.”
Do đó, tại dự thảo sửa đổi luật, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế về quy định mức tiền phải trả lãi và bổ sung cụm từ “về trách nhiệm bồi thường Nhà nước” tại khoản 8 Điều 16 Luật Quản lý thuế để phù hợp và thống nhất với Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Ba là, sửa đổi khoản 1 Điều 76 về thẩm quyền quyết định hoàn thuế.
Bộ Tài chính cho biết hiện chỉ quy định cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền quyết định hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Do Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo pháp luật thuế nên một số tập đoàn, tổng công ty lớn mặc dù đã được Bộ Tài chính phân công cho cục thuế doanh nghiệp lớn quản lý nhưng khi phát sinh hoàn thuế giá trị gia tăng lại phải chuyển về cho các cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.
“Quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế nêu trên chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm và tác động đến hoạt động hoàn thuế, người nộp thuế, các tổ chức, cá nhân có liên quan”, Bộ Tài chính đánh giá.
Bên cạnh đó, đối với người nộp thuế do chi cục thuế trực tiếp quản lý thì hồ sơ hoàn do chi cục thuế tiếp nhận nhưng chi cục trưởng chi cục thuế lại không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế.
Do đó, để thống nhất giữa điểm a khoản 2 Điều 2 và khoản 1 Điều 76 Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; gắn trách nhiệm của cơ quan thuế nào quản lý trực tiếp người nộp thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan thuế đó giải quyết việc hoàn thuế, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa chi cục thuế và cục thuế.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy lũy kế 8 tháng năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành 12.299 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, với tổng số tiền thuế hoàn là 90.531 tỷ đồng, bằng 52,9% dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2024, tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, hoàn xuất khẩu là 80.879 tỷ đồng; hoàn dự án đầu tư là 9.063 tỷ đồng, hoàn khác là 589 tỷ đồng.
Về kết quả thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế cho biết đã thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với 3.497 quyết định hoàn, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 20.167,7 tỷ đồng. Trong đó, có 862 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn có phát sinh số thuế truy hoàn và phạt số tiền là 181 tỷ đồng, trong đó, số thuế truy hoàn là 87,4 tỷ đồng, phạt là 93,6 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước là 150,2 tỷ đồng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-bo-tra-lai-cham-hoan-thue-can-bo-thue-khong-bi-khep-toi-khi-doanh-nghiep-gian-lan.htm