Lời toà soạn:
Câu chuyện ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế đã mở ra cuộc tranh luận về vai trò của biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong thu hồi nợ thuế.
Với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế thì việc áp dụng biện pháp mạnh là cần thiết. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bức xúc khi lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh khi chỉ nợ thuế từ 1-10 triệu đồng.
Tuyến bài “Phía sau việc tạm hoãn xuất cảnh doanh nhân để thu hồi nợ thuế” của VietNamNet đưa ra góc nhìn đa chiều từ doanh nghiệp, cơ quan chức năng nhằm để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề này.
Bài 1: Doanh nhân bị hoãn xuất cảnh vì nợ vài triệu hay bạc tỷ: ‘Tôi không mang cơ nghiệp ra đùa’
Bài 2: Lãnh đạo Tổng cục Thuế: Không cứng nhắc hoãn xuất cảnh doanh nhân nợ thuế
Không mấy ai đánh đổi uy tín của mình để chây ì vài triệu đồng tiền thuế
Như VietNamNet đã đề cập, không ít doanh nghiệp bức xúc khi lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh vì chỉ nợ thuế từ 1-10 triệu đồng. Nhiều trường hợp không biết đang nợ thuế và bị tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi ra sân bay.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Chung Thành Tiến, Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng, chia sẻ: Không ít cá nhân có nhiều nguồn thu nhập, do không để ý, đơn vị chi trả thu nhập chưa khai thuế, khiến họ rơi vào diện nợ thuế. Khoản nợ thuế chỉ dăm bảy triệu đồng. Thông tin nợ thuế hiển thị trên hệ thống quá 90 ngày, một số cơ quan thuế cứ thế chuyển hồ sơ sang cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để làm thủ tục tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế. Đến khi ra sân bay đi công tác nước ngoài mới “ngã ngửa” vì bị chặn lại và thông báo bị tạm hoãn xuất cảnh. Điều đó là hoàn toàn không nên.
“Cơ quan thuế phải tìm cách liên hệ với người bị tạm hoãn xuất cảnh. Nếu có thông báo, cảnh báo đầy đủ, không mấy ai đánh đổi uy tín của mình để chây ì vài triệu đồng tiền thuế làm gì. Cơ quan thuế cần xem lại điều này, đừng vội vàng đưa ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế”, ông Tiến nhận định.
Chuyên gia thuế Cao Xuân Thi cũng đặt vấn đề, cơ quan thuế đã thông tin đầy đủ đến người đại diện pháp luật của doanh nghiệp hay chưa. Nếu họ ra sân bay mới biết bị tạm hoãn xuất cảnh thì có nghĩa thông tin đến doanh nghiệp hay người đại diện pháp luật chưa đầy đủ. Điều này sẽ cần phải xem xét lại quy trình.
Theo ông Thi, trước khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, cần có quy trình thông tin đầy đủ để người nợ thuế biết mình đang trong danh sách nợ thuế, phải hoàn thành nghĩa vụ thuế mới được xuất cảnh.
“Nếu cơ quan thuế không có đủ nguồn lực làm việc này thì một cơ quan khác chịu trách nhiệm về xuất nhập cảnh phải thông báo đến người đại diện pháp luật để họ nắm được rằng đang bị nợ thuế và tạm hoãn xuất cảnh. Bởi vì không ai chây ì vài triệu đồng để đến mức bị hoãn xuất cảnh, ảnh hưởng đến công việc làm ăn cũng như uy tín của họ”, ông Cao Xuân Thi chia sẻ.
Nếu doanh nghiệp có cam kết sẽ nộp thuế thì không bị tạm hoãn xuất cảnh
Ông Chung Thành Tiến, Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng, nhấn mạnh, thu nợ thuế là một trong những giải pháp giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế dù cơ quan thuế đã áp dụng đủ biện pháp quy định theo Luật Quản lý thuế như trích tài khoản ngân hàng, yêu cầu sở kế hoạch và đầu tư rút giấy phép kinh doanh… thì tạm hoãn xuất cảnh là việc nên làm.
Tuy nhiên, các cơ quan thuế phải làm đúng từng bước trong Luật Quản lý thuế; đủ các biện pháp cưỡng chế rồi mà vẫn không thu được nợ thuế thì mới chuyển hồ sơ sang cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thông báo ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế hoặc người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế.
“Với những doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, chưa cân đối được dòng tiền nên chưa thể nộp thuế thì cần tìm giải pháp hỗ trợ. Người nợ thuế lên gặp cơ quan quản lý thuế trình bày rõ tình hình khó khăn, có văn bản cam kết sẽ trả dần hoặc có tổ chức ngân hàng đứng ra bảo lãnh việc thanh toán thì cơ quan thuế cũng nên xử lý nhẹ nhàng để họ có hướng tháo gỡ, đừng vội áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Trong Luật Quản lý thuế cũng đã có quy định rõ vấn đề này rồi, cơ quan thuế nên xem xét và hướng dẫn người nộp thuế thực hiện thay vì cứ tạm hoãn xuất cảnh”, ông Tiến nêu quan điểm.
Với những trường hợp doanh nghiệp dù nợ thuế song vẫn đang còn khoản tiền hoàn thuế chưa được giải quyết vì chưa đáp ứng đủ điều kiện về chứng từ, thủ tục, ông Tiến đề xuất xem xét tạo điều kiện đơn giản hoá thủ tục, để được cấn trừ với nợ thuế và không áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các doanh nghiệp thuộc diện này.
Bàn thêm về biện pháp công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, ông Tiến lưu ý: “Làm cách này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của doanh nghiệp và khả năng doanh nghiệp phục hồi lại vô cùng khó. Phải nghĩ tới cả hệ lụy phía sau: Giải thể doanh nghiệp thì ai sẽ lo cho đội ngũ người lao động của doanh nghiệp”.
Ngoài ra, ông Chung Thành Tiến cũng khuyến nghị, cơ quan quản lý xem xét lại quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với các doanh nghiệp nước ngoài có người đại diện pháp luật là người nước ngoài.
Theo quy định hiện hành, với trường hợp người nợ thuế là người Việt Nam, chỉ sau khi đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà vẫn không thu hồi được khoản nợ thuế thì mới chuyển sang biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Với trường hợp người nợ thuế là doanh nghiệp nước ngoài, Luật Xuất nhập cảnh quy định người nước ngoài “chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”, tức là không cần biết số nợ tối thiểu là bao nhiêu, thì không cần qua các bước cưỡng chế, cơ quan thuế vẫn có thể có quyền chuyển hồ sơ qua cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, ban hành luôn quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
“Cần xem xét lại để có sự thống nhất trong các quy định pháp luật”, ông Tiến nhấn mạnh và cho rằng điều này cần được nhìn nhận thấu đáo để đảm bảo môi trường kinh doanh.
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/khong-de-doanh-nhan-ra-san-bay-moi-biet-bi-hoan-xuat-canh-161173.html